MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu PVD giảm sàn, chính thức rơi xuống mức giá thấp nhất lịch sử

Kết quả kinh doanh "bi thảm" đã được hiện thực qua con số, đồng thời triển vọng kinh doanh năm 2017 không sáng sủa đã đẩy cổ phiếu PVD lao dốc.

Phiên giao dịch ngày 03/05/2017, cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và dịch vụ Khoan dầu khí đã giảm sàn và đóng cửa tại mức giá sàn 16.500 đồng. Đây là mức giá thấp nhất lịch sử của PVD.

Từ 3 tháng nay, cổ phiếu PVD đã nằm trong xu hướng đi xuống. Từ giá 23.000 đồng, đến phiên hôm nay, PVD đã giảm 28,2% khi tình hình kinh doanh ảm đạm đã được chứng minh bằng con số.

Theo Báo cáo tài chính quý 1/2017, doanh thu hợp nhất của PVD đạt 503 tỷ đồng – giảm 68% và lỗ hơn 200 tỷ đồng. Giải trình, PVD cho biết số giàn khoan hoạt động trung bình trong quý 1 là 1,4 giàn – giảm so với 2 giàn của cùng kỳ năm trước, hiệu suất sử dụng giàn chỉ đạt 28%. Đồng thời, đơn giá thuê giàn giảm từ 55-60% so với quý 1/2016. Không có giàn khoan thuê hoạt động trong Q1/2017, khối lượng công việc và đơn giá cá dịch vụ liên quan đến khoan trong Q1/2017 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo phân tích của CTCK BSC, các chuyên gia nhận xét, giá cho thuê giàn tại Việt Nam đang dao động ở khoảng 50.000 – 60.000 USD/ngày – đây là mức giá thấp hơn giá vốn của PVD cho một số giàn khoan mới (như PVD 6).

Trong khi đó, lợi nhuận từ Baker Houges dự kiến giảm mạnh. Baker Houges đã đóng góp hơn 133 tỷ đồng cho PVD trong năm 2016, hỗ trợ đáng kể cho KQKD 2016 nhưng dự kiến đóng góp lợi nhuận từ liên doanh này sẽ giảm đáng kể trong 2017. Giá bán cung cấp dịch vụ giảm mạnh 50-60%.

Bản thân PVD cũng nhận định triển vọng cho năm 2017 còn nhiều khó khăn. Số giàn trung bình kỳ vọng đạt 2,5 giàn – tương đương năm 2016 nhưng các giàn hoạt động chỉ là các giàn tự nâng (Jack-up) với mức giá thấp, so với năm 2016 có sự đóng góp của giàn khoan TAD với mức giá cho thuê cao (khoảng 200.000 USD/ngày). Mục tiêu doanh thu chỉ 2.300 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2016 và cố gắng không bị lỗ.

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên