Cổ phiếu SHB tăng mạnh trước ngày giao dịch trong rổ VN30
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/8, ngay trước ngày chính thức giao dịch trong rổ VN30 (ngày 7/8), cổ phiếu Ngân hàng SHB tăng 5,1% lên mức 13.3000, với khối lượng giao dịch tăng vọt lên trên 42 triệu. Trong một tháng qua, SHB đã tăng tới 20%, trở thành cổ phiếu có mức giá tăng mạnh nhất trong ngành Ngân hàng.
SHB bật tăng và duy trì đà tăng trong suốt 1 tháng qua, với khối lượng trung bình đạt trên 21 triệu cổ phiếu/phiên, trong đó, nhà đầu tư nước ngoài cũng mua ròng gần 14 triệu cổ phiếu.
Cổ phiếu SHB có diễn biến giá tích cực là nhờ những thông tin từ việc ngân hàng chốt danh sách chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%, được bổ sung vào rổ VN30 của HOSE, đặc biệt là kết quả kinh doanh quý II tích cực cũng như các kế hoạch chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện.
Tăng trưởng an toàn, bền vững, lợi nhuận thuộc Top 4 ngân hàng TMCP
Không những cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh trên thị trường chứng khoán, hoạt động kinh doanh của SHB tiếp tục thể hiện rõ sự an toàn, bền vững, hiệu quả, củng cố niềm tin đối với những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu dài hạn.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023, về quy mô hoạt động, SHB thuộc Top 10 Ngân hàng lớn nhất hệ thống với tổng tài sản đạt 585 nghìn tỷ đồng (tăng 6,21% so với đầu năm), vốn tự có đạt 66 nghìn tỷ đồng. Huy động từ thị trường I của SHB đạt tăng trưởng tốt với tỷ lệ tăng 13,7% so với đầu năm, đạt 462 nghìn tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng đạt 418 nghìn tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí hoạt động và chi phí dự phòng, lợi nhuận trước thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của SHB đạt 6.073 tỷ đồng, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, SHB đã vươn lên vị trí thứ 7 về lợi nhuận trong số các ngân hàng trên sàn chứng khoán và đứng thứ 4 trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân.
Tại thời điểm 30/6, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 2,81% xuống còn 2,57%. Với kết quả này, SHB là 1 trong 2 ngân hàng trong hệ thống có quy mô nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu giảm trong nửa đầu năm, đồng thời tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng tăng từ mức 65% lên 69%.
Khi hiệu quả kinh doanh được nâng cao, lợi ích của cổ đông được đảm bảo qua tỷ lệ cổ tức tăng lên qua các năm. Ngày 25/7, SHB đã chi trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 18%, từ đó tăng vốn điều lệ lên mức 36.194 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 5, SHB đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ SHBFinance cho đối tác Krungsri. Khoản thu từ thương vụ này tạo thêm nguồn lực để Ngân hàng tăng cường năng lực tài chính và các yếu tố nền tảng, qua đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh ở các phân khúc trọng tâm. Hai bên sẽ tiếp tục chuyển nhượng 50% vốn điều lệ còn lại sau 3 năm theo thỏa thuận đã ký.
Các chỉ số về an toàn, thanh khoản, quản trị rủi ro của SHB đều đạt tốt hơn so với quy định của NHNN và các chuẩn mực quốc tế. Từ đầu năm 2023, SHB đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn của Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản, có sự đánh giá tuân thủ của một công ty tư vấn quốc tế nhằm bảo đảm phù hợp với những thông lệ tốt theo Basel III.
Được biết, Ngân hàng sắp khai trương thêm 5 chi nhánh và 20 phòng giao dịch nhằm gia tăng độ phủ, thu hút nhiều khách hàng mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại của khách hàng.
Việc được mở thêm 5 chi nhánh, 20 phòng giao dịch phản ánh rõ sức khỏe của SHB khi đáp ứng được hàng loạt các điều kiện khắt khe được quy định tại Thông tư 21/2013 như: Hoạt động an toàn, hiệu quả, bền vững và có nền tảng tài chính vững mạnh, quản trị rủi ro tốt, đảm bảo các quy định an toàn; Có bộ máy quản trị, điều hành hiệu quả; Hệ thống công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, đáp ứng được các yêu cầu trong quản lý kinh doanh, vận hành…
Chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện
Từ góc độ của các nhà đầu tư, đối tác và khách hàng, có thể dễ dàng nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của SHB thông qua các chỉ số tài chính, sự an toàn, hiệu quả, bền vững trong hoạt động kinh doanh và thị giá cổ phiếu tăng mạnh.
Những kết quả tích cực đã phản ánh rõ chiến lược kinh doanh của ngân hàng đang có những bước đi đúng đắn, trong đó phải kể đến Chiến lược chuyển đổi mạnh mẽ và toàn diện được SHB triển khai từ năm 2022 với mục tiêu trở thành ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hệ thống, ngân hàng số được yêu thích nhất.
Chiến lược chuyển đổi đã và đang thúc đẩy toàn diện hoạt động ngân hàng với 4 trụ cột: "Đổi mới thể chế và cơ chế; Lấy khách hàng và thị trường làm trung tâm; Con người là chủ thể; Nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và chuyển đổi số".
Với việc đầu tư đồng bộ, vững chắc cho công nghệ, chuyển đổi số, SHB đã nhanh chóng tối ưu được năng suất, giảm chi phí và thời gian. Chuyển đổi số đã tạo ra một bộ máy linh hoạt, tinh gọn và sẵn sàng cho những biến động phía trước. Đây cũng là yếu tố giúp SHB đẩy mạnh các sản phẩm dịch vụ bán lẻ vượt trội phù hợp với từng phân khúc khách hàng, từ đó thu hút thêm lượng lớn khách hàng.
Với tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất trong hệ thống ngân hàng đã giúp SHB hiện thực hóa trụ cột "Thị trường và khách hàng làm trọng tâm" với việc tập trung các sản phẩm dịch vụ số hóa vào các phân khúc khách hàng cụ thể, hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để mang đến những giải pháp tài chính toàn diện từ khách hàng doanh nghiệp, cá nhân đến các tổ chức là các cơ quan Nhà nước.
Thời gian qua, SHB cũng là điểm sáng về phát triển nhân tài của ngành ngân hàng Việt Nam khi liên tục kiện toàn bộ máy nhân sự cấp cao bằng việc đào tạo, bổ nhiệm nhiều nhân sự tại chỗ cũng như thu hút các lãnh đạo, chuyên gia rất giàu kinh nghiệm từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Năm 2023, SHB tròn 30 năm đồng hành cùng đất nước, với tiền đề các năm trước, kết quả kinh doanh quý II và Chiến lược chuyển đổi đang được SHB triển khai mạnh mẽ và toàn diện sẽ tạo nền tảng vững chắc giúp Ngân hàng hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, trở thành ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất hệ thống và ngân hàng số được yêu thích nhất.
Nhịp sống kinh tế