Cổ phiếu tăng 115% trong nửa tháng sau rớt giá, tiềm năng doanh nghiệp hay “trò đùa” của thị trường?
Thời gian gần đây, cổ phiếu CTP của CTCP Cà phê Thương Phú (HNX: CTP) lại được hâm nóng khi đạt mức tăng 115% chỉ trong nửa tháng. Điều đáng chú ý, cổ phiếu CTP cũng từng trải qua một đợt sóng tăng giá nhưng rồi lại “vụt tắt” ngay sau đó.
Thêm một lần “tung hứng” của thị trường?
Cổ phiếu của CTP lần đầu được chú ý vào thời điểm đầu tháng 3/2017, khi thị giá bất ngờ tăng mạnh sau suốt hơn 1 năm “im lặng”. Cụ thể, thị giá CTP đã tăng từ 11.000 đồng/cp lên mức 23.300 đồng/cp (phiên ngày 17/03/2017), tương đương 83%, khối lượng giao dịch cũng được cải thiện đáng kể có phiên đạt 500.000 đồng/cp.
Ở thời điểm này, thông tin hỗ trợ lý giải cho sự tăng giá của CTP được cho là đến từ kết quả kinh doanh năm 2016 và kế hoạch kinh doanh triển vọng năm 2017. Cụ thể, năm 2016, CTP đạt doanh thu thuần 180 tỷ đồng, gấp 2 lần năm trước và vượt 49% kế hoạch; lãi ròng theo đó cũng tăng lên mốc 13 tỷ đồng, vượt 11% chỉ tiêu. Nối tiếp thành công năm trước, 2017 CTP đặt mục tiêu doanh thu dự kiến đạt 230 tỷ, lãi ròng đạt 20 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 76%.
Tưởng rằng một kết quả đột biến và tương lai tốt đẹp có thể giúp cổ phiếu CTP đứng vững thì bất ngờ xảy đến. Sau khi đạt định tại mức 23.300 đồng/cp, CTP đã liên tục rơi rớt và nhanh chóng về mức 12.100 đồng/cp, để lại không ít cay đắng cho nhà đầu tư.
Cho đến những ngày đầu tháng 6/2017, thị giá cổ phiếu CTP lại bắt đầu “nổi sóng”, từ mức 11.900 đồng/cp, đã vươn lên mức 23.800 đồng/cp (ngày 23/06), tăng gấp đôi giá trị sau 15 phiên. Suốt 1 tuần (16/06-23/06) lượng dư mua cổ phiếu CTP luôn quanh mức gần trăm ngàn cp/phiên, trong khi bên bán vắng bóng và khối lượng giao dịch chỉ ở mức chục ngàn cổ phiếu.
Diễn biến thị giá cổ phiếu CTP thời gian gần đây
Khoảng thời gian cổ phiếu tăng giá, xuất hiện thông tin về anh ruột của Chủ tịch HĐQT CTP trở thành cổ đông lớn sở hữu 5,9% vốn và việc CTP góp 7% vốn thành lập CTCP Cà phê Avina. Cần đề cập rằng, kể từ khi niêm yết vào cuối tháng 7/2016, những thông tin công bố của CTP khá ít, chủ yếu là BCTC định kỳ.
Những gì đang diễn ra không khỏi khiến thị trường liên tưởng đến sự việc của CTP trước đó. Liệu với một cổ phiếu “có quá khứ” như CTP nhà đầu tư có một lần nữa tin tưởng vào doanh nghiệp này?
CTP hoạt động ra sao?
Đôi nét về CTP, đây là doanh nghiệp được thành lập năm 2010, có vốn điều lệ 100 tỷ đồng và tính đến cuối tháng 4 hiện có hai cổ đông lớn là bà Nguyễn Thị Thủy – thành viên HĐQT sở hữu 15% vốn và ông Võ Văn Thắng - anh ruột Chủ tịch HĐQT CTP sở hữu 5,9% vốn.
Sở hữu của các lãnh đạo CTP (trước thời điểm niêm yết)
CTP có một công ty con sở hữu 96,7% vốn là CTCP Nasan Việt Nam, đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất và chế biến cà phê nhân được xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Đức, Nhật, Bỉ.
Về hoạt động kinh doanh, CTP chủ yếu chế biến cà phê thóc và cà phê nhân (Arabica), với 90% sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước, chỉ 10% được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Sản phẩm sản xuất chính của Công ty là Cà phê Arabica đã qua công đoạn chế biến ướt, sàng lọc, làm bóng và phân loại màu (đây là mặt hàng sản xuất kinh doanh chủ yếu và cà phê Robustar đã qua công đoạn chế biến khô, sàng lọc, đánh bóng và phân loại màu…
Hết quý 1/2017, CTP đạt doanh thu thuần 68,5 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm trước tương đương 30% kế hoạch. Lãi ròng ghi nhận gần 6,5 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ và đạt 32% chỉ tiêu. EPS trong kỳ đạt 1.667 đồng/cp. Biên lợi nhuận ròng trong kỳ ở mức 9,4%. Những năm trước đó, biên lợi nhuận của CTP biến động khá thất thường, trong đó năm 2015 chỉ ở mức 6,2% giảm mạnh so với năm 2014 (gần 7,8%), tuy nhiên năm 2016 đã tăng trở lại lên con số 7,4%.
Được biết, trong những tháng nửa đầu năm 2017, thị trường cà phê Việt Nam vẫn tiếp tục trầm lắng tuy nhiên, giá cà phê vẫn đang có cũng có biến động tăng theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới.
Theo nhận định của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế học ứng dụng (CEPEA), giá cà phê có thể sẽ duy trì đà tăng trong năm 2017 do triển vọng không mấy lạc quan về nguồn cung cà phê tại Brazil. Đặc biệt đối với dòng cà phê Arabica (sản phẩm chính của CTP), xét theo chu kỳ năm sản xuất của Brazil, năm 2017 sẽ là năm thất thu sau khi đã bội thu.
Mặt khác, trên thị trường, từ năm 2016, người mua trong nước đã lo ngại về khả năng nguồn cung cà phê sẽ tiếp tục giảm cho tới đầu năm 2018; và với kịch bản này, giá cà phê dự báo sẽ vẫn tăng ổn định trong dài hạn.
Liệu giá cà phê có giúp cổ phiếu CTP giữ được đà tăng hiện nay?
Đôi nét về tình hình tài chính, CTP có tổng tài sản 151,6 tỷ đồng, tăng gần 3% so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 80% cơ cấu với 121,3 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại khoản phải thu ngắn hạn gần 63 tỷ đồng và hàng tồn kho 56 tỷ đồng, lần lượt chiếm 52% và 46% tài sản ngắn hạn, khoản tiền và tương đương tiền chỉ hơn 1,5 tỷ đồng. Tài sản dài hạn dừng ở mức 30,3 tỷ đông, chiếm 20% cơ cấu tài sản.
Mặt khác, CTP cũng đang có hơn 16 tỷ đồng nợ vay tài chính, tập trung chủ yếu tại nợ vay ngắn hạn với hơn 15,8 tỷ đồng.
NDH