MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu thép đã giúp nhà đầu tư kiếm đậm thế nào năm 2016?

Nhờ lực đẩy từ giá thép tăng, nhiều cổ phiếu ngành thép đã tăng phi mã trong năm 2016, đem lại khoản lợi nhuận rất lớn cho nhà đầu tư.

Nếu nhắc đến thị trường chứng khoán năm 2016, nhà đầu tư không thể không nhắc đến sóng cổ phiếu thép. Quả vậy, ai đặt niềm tin vào cổ phiếu thép năm qua đều đã kiếm được rất đậm.

Hàng loạt cổ phiếu thép tăng giá gấp đôi, gấp 3

Thống kê của chúng tôi cho thấy, giá nhiều cổ phiếu thép đã tăng gấp đôi, gấp 3 trong năm qua. Tăng mạnh nhất phải kể đến cổ phiếu DTL của Đại Thiên Lộc. Từ mức giá 8.200 đồng đầu năm, cổ phiếu DTL chốt phiên giao dịch cuối cùng của năm 2016 ở mức giá 30.600 đồng tương ứng mức tăng 273%.

Cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên cũng là một mã mang lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư trong năm 2016 khi bứt phá từ mức giá chưa đầy 3.800 đồng đầu năm lên hơn 12.200 đồng cuối năm 2016 tương ứng mức tăng 223%.

Cổ phiếu Thép Nam Kim cũng đạt mức tăng giá gấp 3 lần đầu năm khi kết thúc năm 2016 ở ngưỡng 35.000 đồng/cổ phiếu.

Lãi ít hơn 3 doanh nghiệp vừa và nhỏ Đại Thiên Lộc, Tiến Lên, Nam Kim một chút nhưng Tôn Hoa Sen cũng mang lại cơ hội làm giàu cho rất nhiều người khi tăng 160% so với đầu năm 2016.

Thép Việt Ý cũng không kém cạnh khi cùng với hàng loạt thông tin đáng chú ý như thay máu cổ đông Sông Đà bắng doanh nghiệp Thái Hưng...Giá cổ phiếu đã tăng vọt từ 7.700 đồng đầu năm 2016 lên gần 19.000 đồng hiện tại, đạt mức tăng 145% trong năm.

Cổ phiếu HPG của Hòa Phát tuy không tăng "sốc" như các cổ phiếu "cùng họ" khác nhưng vốn dĩ vẫn thuộc hàng bluechips nên mức tăng 75% trong năm của Hòa Phát cũng đã giúp nhiều nhà có cái tết ấm no.

Giá cổ phiếu đã được tính theo giá điều chỉnh cổ tức, cổ phiếu thưởng (nếu có)

Giá cổ phiếu đã được tính theo giá điều chỉnh cổ tức, cổ phiếu thưởng (nếu có)

Nhiều nhà đầu tư kiếm đậm

Nếu như những ông chủ doanh nghiệp thép như ông Trần Tuấn Dương (Tập đoàn Hòa Phát); Ông Nguyễn Mạnh Tuấn (Tập đoàn Hòa Phát); Ông Lê Phước Vũ (Tập đoàn Hoa Sen)...tăng bậc trong bảng xếp hạng người giàu trên thị trường chứng khoán nhờ cổ phiếu HSG, HPG tăng phi mã thì những nhà đầu tư khác lại vui mừng khi đạt lợi nhuận cao, một số đã hiện thực hóa lợi nhuận.

Như ở Hòa Phát, 6 tháng cuối năm 2016 là quãng thời gian liên tục xuất hiện thông tin quỹ nọ, quỹ kia thoái vốn ồ ạt. Việc thoái vốn này cũng khiến cho cổ phiếu HPG gặp lực bán ra lớn, giảm mười mấy, hai mươi phần trăm so với đỉnh giá nhưng vẫn đủ khiến cho các quỹ đã đầu tư lâu năm vui mừng vì họ đã chốt được lãi cao. Qũy đầu tư kỳ cựu trên thị trường chứng khoán là VinaCapital (thông qua VOF Investment Limited và Vietnam Investment Property Holdings Limited) cũng đã không còn là cổ đông lớn của Hòa Phát sau nhiều năm đồng hành.

Ở Hoa Sen (HSG) cũng vậy. Nhiều quỹ lớn như Beira, Deutsche bank, Grinliing International, quỹ cân bằng đầu tư Bản Việt...cũng lần lượt thoái vốn. Nhóm doanh nghiệp riêng của gia đình chủ tịch liên tiếp mua vào có lẽ là để tránh làn sóng rút vốn ồ ạt ảnh hưởng quá lớn đến giá cổ phiếu.

Tại Thép Việt Ý (VIS), những cá nhân nhanh tay mua cổ phần Sông Đà thoái vốn đã kiếm đậm khi chỉ thời gian rất ngắn sau đó đã bán lại được cho cổ đông lớn mới của Thép Việt Ý với mức giá cao ngất ngưởng. Ước tính, cá nhân "nhanh nhẹn" đó đã lãi được khoảng 20 tỷ đồng chỉ sau 2 tháng.

Cổ phiếu tăng nhờ lực đẩy từ giá thép

Thực tế, sức tăng phi mã của cổ phiếu thép năm 2016 có lực đẩy rất lớn từ giá thép nguyên liệu và các nguyên liệu sản xuất thép tăng mạnh đã đẩy giá thép xây dựng trong nước tăng. "Thiên cũng thời" khi mà Bộ Công thương ra quyết định áp thuế tự vệ đối với các sản phẩm thép nhập khẩu nhằm mục đích bảo vệ doanh nghiệp thép trong nước trước hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc...Điều này đã khiến các đại lý bán buôn tích cực tích trữ hàng tồn kho. Phản ứng dây chuyền này tạo hiệu ứng tăng giá mạnh cho ngành thép và những kỳ vọng này cũng phản ánh vào cổ phiếu thép.

Năm 2017 đang đến rất gần, nhiều chuyên gia đánh giá rằng cơ hội đầu tư vào cổ phiếu thép vẫn còn trong năm 2017-2018 khi mà nhiều câu chuyện như nỗ lực mở rộng lĩnh vực kinh doanh, mở rộng địa bàn của những doanh nghiệp lớn trong ngành như Hòa Phát, Hoa Sen vẫn còn nhiều điểm để kỳ vọng.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên