Cổ phiếu thép "dắt tay nhau" về dưới mệnh giá, chỉ còn HPG và NKG giao dịch trên vùng 1x
Các đợt giảm mạnh liên tiếp sau khi đạt đỉnh đã thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trong cả năm 2021. Hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm khoảng 70-80% từ đỉnh và rơi xuống vùng đáy 2 năm.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một phiên ngược dòng ngoạn mục để nuôi hy vọng tạo đáy ngắn hạn. Dưới sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu bất động sản, chứng khoán đang nằm trong “tâm bão” thời gian gần đây cũng đã hồi phục khá tích cực. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu thép lại bất ngờ bị bỏ lại phía sau.
Phiên 8/11 khép lại với sắc đỏ bao trùm hầu hết cổ phiếu thép, thậm chí bộ đôi HSG và NKG còn sàn “trắng bên mua”. Kết quả này đẩy HSG trở thành cái tên tiếp theo của ngành thép rơi xuống dưới mệnh giá trong khi NKG cũng đang “ngấp nghé”. Trước đó, một loạt cái tên như SMC, POM, TLH, TIS, VGS, TVN,... đều đã xuống dưới mệnh.
Đến thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất “anh cả” HPG vẫn còn cách khá xa mệnh giá. Tuy nhiên, viễn cảnh cổ phiếu này về mệnh cũng không phải là không thể xảy ra nếu áp lực bán tiếp tục gây sức ép lớn lên nhóm thép trong những phiên tới.
Thực tế, thép từng là một trong những nhóm cổ phiếu mang lại nhiều niềm vui nhất cho cổ đông trong suốt giai đoạn thị trường đi lên từ đáy Covid đến cuối năm ngoái. Dù vậy, các đợt giảm mạnh liên tiếp sau khi đạt đỉnh đã thổi bay toàn bộ thành quả tăng giá trong cả năm 2021. Hầu hết các cổ phiếu thép đều đã giảm khoảng 70-80% từ đỉnh và rơi xuống vùng đáy 2 năm.
Lợi nhuận trượt dài sau khi đạt đỉnh
Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu thép trượt dài thời gian qua là tình hình kinh doanh ngày càng ảm đạm sau giai đoạn bùng nổ quý 2-3 năm ngoái. Lợi nhuận của các doanh nghiệp thép liên tục sụt giảm quý sau thấp hơn quý trước và đỉnh điểm là những khoản lỗ kỷ lục trong quý 3 vừa qua.
Theo ước tính, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán trong quý 3 âm đến hơn 4.700 tỷ đồng, ghi nhận mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. So với thời kỳ hoàng kim vào quý 2 năm ngoái, lợi nhuận toàn ngành thép đã giảm khoảng 18.700 tỷ đồng.
Bất ngờ nhất là Hòa Phát (HPG) khi doanh nghiệp đầu ngành thép có lần đầu tiên báo lỗ kể từ năm 2008 với khoản lỗ ròng lên đến gần 1.800 tỷ đồng. Theo sau, nhóm các doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng gồm 5 cái tên là Hoa Sen Group (HSG), Pomina (POM), VNSteel (TVN), Thép Nam Kim (NKG) và Thép SMC (SMC). Một số doanh nghiệp thoát lỗ nhưng lợi nhuận cũng giảm rất sâu trên dưới 90% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chỉ có Thép Thái Trung (TTS), Thiên Nam (TNA) tăng trưởng dương trong quý vừa qua nhưng lợi nhuận rất khiêm tốn chỉ vài tỷ đồng.
Thực tế, lợi nhuận của ngành thép khá đồng pha với diễn biến của giá thép trên thế giới. Hầu hết các doanh nghiệp thép đều đã đạt đỉnh lợi nhuận vào quý 2 và 3 năm ngoái, thời điểm giá thép tăng cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, loại hàng hóa này sau đó đã quay đầu giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào quan trọng là than vẫn neo rất cao đã kéo theo lợi nhuận ngành thép liên tục tăng trưởng âm.
Tồn kho lớn, nhiều doanh nghiệp dừng lò cao
Trong bối cảnh giá thép có xu hướng giảm, lượng tồn kho khủng lại gây thêm áp lực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này được minh chứng rõ ràng qua những khoản lỗ lớn trong quý 3 sau khi nhiều doanh nghiệp thép đẩy lượng tồn kho lên cao kỷ lục vào cuối quý 2 trước đó. Mặc dù, tổng lượng tồn kho toàn ngành đã giảm mạnh (khoảng 25.000 tỷ) trong quý 3 nhưng vẫn còn rất lớn, ước tính khoảng 85.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đó, Hòa Phát mới đây đã có thông báo đến các đối tác cung ứng về việc dừng hoạt động 4 lò cao, bao gồm 2 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 2 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương kể từ tháng 11/2022. Ngoài việc dừng 4 lò trên, trong tháng 12 tới Hòa Phát sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất. Từ đây đến cuối năm, Hòa Phát Dung Quất sẽ có 3 lò cao dừng hoạt động.
Lý do dừng lò được đưa ra là để đảm bảo các hoạt động sản xuất và kinh doanh của Tập đoàn được tiếp tục duy trì. Động thái này được Hòa Phát nhận định là để “mang tính sống còn của doanh nghiệp” trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn.
Trước đó, Pomina cũng đã phải dừng hoạt động sản xuất lò cao (BF) từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của công ty. Lý do không thể duy trì được lò cao là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang. Trong khi đó, giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép giảm liên tiếp. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng, phải tạm dừng hoạt động.
Pomina cho biết việc chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện. Với quyền lựa chọn nguyên liệu đầu vào là thép phế liệu hoặc quặng sắt để luyện thép, việc sử dụng một lò điện với công suất đạt mức tối đa và tối ưu chi phí, tốt hơn việc duy trì cả hai lò nhưng sản xuất chỉ ở mức tối thiểu. Doanh nghiệp này cũng để ngỏ khả năng mở lại hoạt động lò cao, tùy thuộc vào triển vọng của thị trường thép.
Còn quá sớm để đánh giá hiệu quả của các biện pháp trên và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép có thể khởi sắc trở lại hay không vẫn phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thép thời gian tới. Về cơ bản, loại hàng hóa này rất khó dự báo xu hướng do chịu tác động bởi nhiều yếu tố phức tạp như quá trình mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc hay cuộc khủng hoảng năng lượng tại Châu Âu,...
Nhịp Sống Thị Trường