MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu thuộc VN30 hay HNX30 có thể giúp NĐT kiếm được khoản lợi nhuận 'kếch xù'?

Không phải chỉ cổ phiếu đầu cơ mới đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư, diễn biến thị trường trong 6 tháng đầu năm 2017 đã cho thấy các bluechips cũng có thể đem lại khoản lợi nhuận đáng kể.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nửa đầu năm 2017 với những diễn biến khá tích cực. Nhiều cổ phiếu trên thị trường đã giúp nhà đầu tư kiếm được khoản lợi nhuận tính bằng lần chỉ trong vòng 6 tháng. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2017, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 776,47 điểm, tăng 16,8% so với đầu năm 2017, trong khi đó, HNX-Index tăng 23,7% lên 99,14 điểm.

Tuy nhiên, đa phần các cổ phiếu giúp nhà đầu tư kiếm được khoản lợi nhuận lên đến hàng trăm % phần nào có yếu tố đầu cơ trong đó và rủi ro cũng khá cao, nhà đầu tư có lẽ phải rất "chì" mới nắm giữ được những cổ phiếu này trong vòng 6 tháng để kiếm được khoản lợi nhuận 'kếch xù'.

Trong khi đó, với mục đích đầu tư trung - dài hạn thì nhà đầu tư thường nhắm đến những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt bởi yếu tố an toàn như các cổ phiếu nằm trong rổ chỉ số VN30 hay HNX30, nói là 'phần lớn' bởi trong hai rổ chỉ số này vẫn còn một vài cổ phiếu có tính đầu cơ.

Nhìn chung, VN30-Index và HNX-Index thường tăng trưởng tốt hơn VN-Index. Tính đến cuối tháng 6/2017, chỉ số VN30-Index đạt 765,41 điểm, tăng 21,8% so với cuối năm 2016, chỉ số HNX30-Index tăng 27,4% lên 182,83 điểm.

Mặc dù có yếu tố an toàn cao nhưng đa số các cổ phiếu thuộc nhóm VN30 và HNX30 vẫn có thể giúp tài khoản nhà đầu tư sinh ra một khoản lợi nhuận đáng kể.

Tính chung cho cả hai rổ VN30 và HNX30, trong tổng số 60 cổ phiếu thì trong 6 tháng đầu năm 2017 có 48 cổ phiếu tăng giá trong khi có 12 cổ phiếu giảm.

Tính riêng VN30, trong rổ chỉ số này có đến 25 mã tăng giá trong khi chỉ có 5 mã giảm và mức giảm hầu hết đều không quá lớn.

Dẫn đầu về mức tăng giá trong nhóm này là cổ phiếu DHG của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang với gần 95%. Câu chuyện của DHG nửa đầu năm 2017 đến từ việc Công ty có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hơn trong năm 2016. Bên cạnh đó, cổ phiếu DHG còn trở nên hấp dẫn hơn từ những thông tin liên quan đến việc thúc đẩy quá trình nới room nhanh cũng như tin đồn về việc Taisho Pharmaceutical tìm cách nắm cổ phần kiểm soát tại DHG bằng cách mua trên thị trường với giá cao.

Một cổ phiếu cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong 6 tháng vừa qua đó là MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội. Liên tục trong nhiều năm liền MBB không thể vượt qua được nổi mốc 15.000 đồng/CP. Nhưng sang đến năm 2017 mọi chuyện đã khác, giá cổ phiếu MBB đã có một bước tăng trưởng 'thần kỳ' và liên tục lập nên đỉnh cao mới. Tại thời điểm 30/6/2017, MBB giao dịch ở mức 22.300 đồng/CP, tăng trưởng 66% so với cuối năm trước. Lý do đơn giản nhất để lý giải về sự tăng trưởng mạnh mẽ này được nhiều chuyên gia đưa ra là đến từ những yếu tố tích cực từ nội tại ngân hàng này như về tăng trưởng kinh doanh, quản trị rủi ro tốt, nhiều tiềm năng...

Bên cạnh đó, các cổ phiếu như VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam, FPT của Công ty Cổ phần FPT, MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động hay như SSI của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn cũng có thể đem lại khoản lợi nhuận lớn hơn 20% cho nhà đầu tư chỉ trong vòng 6 tháng, cao hơn nhiều so với mức lãi tiền gửi của các ngân hàng hiện nay.

Tuy nhiên, rủi ro vẫn luôn tồn tại, trong số 5 cổ phiếu tăng trưởng âm thì chỉ có cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí là có mức giảm trên hai con số, đạt 33%. Việc PVD giảm mạnh thời gian qua đến từ những yếu tố bên ngoài mà đặc biệt là diễn biến xấu của giá dầu thế giới, đây là yếu tố ảnh hướng mạnh nhất đến kết quả kinh doanh và chính giá cổ phiếu PVD.

Còn đối với rổ chỉ số HNX30, các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt thường có phần 'lép vế' hơn so với rổ VN30 và yếu tố đầu cơ thì có phần cao hơn.

Cổ phiếu SHS của Công ty Cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội là mã dẫn đầu với mức tăng lên đến 234% - đây là một mức lợi nhuận đáng mơ ước của mọi nhà đầu tư. Việc SHS tăng trưởng mạnh thời gian này đến từ sự tích cực chung của nhóm ngành chứng khoán trên thị trường.

Tiếp đến là cổ phiếu SHB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội, cổ phiếu này đã tăng 65% trong vòng 6 tháng qua. Lý do cổ phiếu SHB tăng trưởng vượt trội được nhiều nhà phân tích đưa ra là do cổ phiếu này đã quá rẻ (một trong những cổ phiếu ngân hàng có thị giá thấp nhất). Bên cạnh đó, chính sách của NHNN về tái cơ cấu đang có nhiều hướng mở và nhận được sự ủng hộ của Chính phủ, cũng như kỳ vọng nới room như thông điệp hồi đầu năm của Thủ tướng, bức tranh ngân hàng đang trở nên sáng sủa hơn.

Còn ở hướng ngược lại, chỉ có duy nhất một cổ phiếu trong rổ chỉ số HNX30 giảm giá trên 20% đó là DGC của Công ty Cổ phần Bột giặt và Hoá chất Đức Giang với 22%. Việc DGC giảm có thể được lý giải từ kết quả kinh doanh quý I/2017 không được khả quan...

Theo Bình An

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên