Cổ phiếu từng bị thao túng giá bất ngờ "nổi sóng", lập chuỗi 5 phiên liên tiếp kịch trần, doanh nghiệp hé lộ lý do
Dù tăng mạnh nhưng so với vùng giá hồi tháng 3 năm nay, thị giá cổ phiếu đã “chia đôi".
Giữa lúc thị trường chung ảm đạm, cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) bất ngờ diễn biến bùng nổ với chuỗi 5 phiên liên tiếp kịch trần từ 10/9 đến 16/9. Kết quả, thị giá tăng một mạch hơn 40% lên mức 3.960 đồng/cp. Giao dịch trên cổ phiếu này cũng khá sôi động với hàng trăm nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi phiên, cao gấp nhiều lần giai đoạn trước đó.
Dù vậy, so với vùng giá hồi tháng 3 năm nay, thị giá AGM đã “chia đôi". Nhìn xa hơn từ mức đỉnh lịch sử hồi tháng 3/2022 (vùng 60.000 đồng/cp) thì giá cổ phiếu hiện tại chỉ bằng khoảng 1/20.
Trong văn bản giải trình về diễn biến giá, Angimex cho biết tình hình thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn thuận lợi do nhu cầu từ khách hàng truyền thống tăng lên. Yếu tố bất định cần lưu tâm đến từ việc Ấn Độ xem xét nới lỏng chính sách xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề, gây ra nguy cơ thiếu hụt lương thực, từ đó dẫn đến biến động tăng giá trong nước. Điều này có thể đã làm gia tăng kỳ vọng của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp.
Angimex khẳng định giá cổ phiếu tăng do cung cầu trên thị trường chứng khoán, các quyết định của NĐT nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty và Angimex không có sự tác động nào đến giá giao dịch cổ phiếu.
Từng dính tới thao túng giá, kết quả kinh doanh ngày càng lao dốc
Angimex từng được biết đến là doanh nghiệp khẩu gạo hàng đầu tại Việt Nam và từng nằm trong hệ sinh thái Louis Holdings của ông Đỗ Thành Nhân. Sóng gió ập đến vào năm 2022, nhóm Louis gặp biến cố khi ông Đỗ Thành Nhân bị truy tố tội thao túng thị trường chứng khoán.
Sau thời điểm đó, hoạt động kinh doanh của AGM liên tục lao dốc. Hai năm 2022 - 2023, Angimex liên tục thua lỗ hàng trăm tỷ, qua đó đẩy lỗ lũy kế cao hơn vốn điều lệ, dẫn đến nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc.
Sang tới năm 2024, mặc dù Angimex điều chỉnh giảm kế hoạch lãi trước thuế về 5 tỷ đồng, thấp hơn 81% so với kế hoạch cũ, nhưng tới nay công ty vẫn chưa thể có lãi. Sau nửa đầu năm, doanh thu giảm mạnh 53% xuống còn 151 tỷ đồng, hoàn thành chưa tới 9% kế hoạch đề ra. Kết quả, Angimex báo lỗ trước thuế 98 tỷ. Tính đến thời điểm 30/6/2024, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp âm 82 tỷ đồng, trong đó lỗ luỹ kế hơn 264 tỷ.
Kinh doanh lao dốc cộng thêm việc vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu AGM trên sàn chứng khoán thường xuyên "nhận thẻ vàng". Thậm chí hồi tháng 9/2023 cổ phiếu đã bị đình chỉ giao dịch và phải tới tháng 3/2024 vừa qua mới được giao dịch trở lại.
Hiện tại, AGM vẫn thuộc diện kiểm soát của HoSE. Về biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng này, Angimex dự kiến sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp vào những tháng cuối năm 2024.
Cụ thể, công ty đang tích cực thực hiện tái cơ cấu toàn diện thông qua việc tối ưu hóa bộ máy quản lý, tinh gọn nhân sự, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, tăng cường đôn đốc thu hồi những khoản nợ khó đòi và thanh lý tài sản, cơ cấu dần các khoản nợ để tạo lợi nhuận nhằm giảm bớt lỗ lũy kế.
Song song, công ty cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để tiến hành thủ tục phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng quy mô vốn chủ sở hữu, qua đó bổ sung vốn lưu động phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và từ đó khắc phục được lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp.
Phương án khác được công ty đưa ra là thực hiện phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ trái phiếu thành cổ phiếu cho trái chủ theo nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 11/2023, qua đó tăng vốn điều lệ và cải thiện tình hình tài chính.
Đồng thời, công ty cam kết hàng quý sẽ giải trình,báo cáo tình hình khắc phục tình trạng chứng khoán bị kiểm soát và công bố thông tin. Bên cạnh đó không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Nhịp Sống Thị Trường