Cổ phiếu vốn hóa lớn trong 2 tháng đầu năm: Sự lao dốc của các "ông vua" và sự thăng hoa của dòng tài chính
CTD dẫn dầu về mức giảm giá. Các ông lớn đầu ngành như VNM, SAB, MWG hay DHG đều giảm.
Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 12,5% và VN30-Index tăng 11,5%. Giá trị vốn hóa sàn HOSE tăng 15% từ 2.644 nghìn tỷ đồng lên 3.038 nghìn tỷ đồng. Quá trình tăng trưởng đó được tạo nên nhờ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Cùng với sự tăng lên của thị giá, chỉ số P/E của các cổ phiếu cũng đã tăng lên rất cao.
Tuy nhiên, không phải cổ phiếu nào trong nhóm VN30 cũng góp sức vào sự tăng trưởng của thị trường, thậm chí còn giảm mạnh. "Công thần" của 2 tháng đầu năm là cổ phiếu ngành tài chính, bất động sản lớn và dầu khí.
Hãy cùng nhìn lại bức tranh của nhóm cổ phiếu VN30 + VRE và VPB trong 2 tháng qua.
Dẫn đầu về mức tăng giá là nhóm ngân hàng với 2 đại diện thuộc nhóm "quốc doanh" là BID (tăng 48%) và nhóm ngoài quốc doanh là VPB (tăng 51%). Các cổ phiếu ngân hàng khác không kém cạnh khi VCB tăng 32% và CTG tăng 35%. Sau vai trò dẫn dắt, cổ phiếu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã đi chậm lại và vai trò dẫn dắt chuyển sang cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Việt Nam với sự tăng tốc rất nhanh trong các tuần gần nhất. MBB và STB tăng trưởng lần lượt là 38% và 22%.
Dù đã tăng mạnh nhưng với con số lợi nhuận 8.100 tỷ đồng (trước thuế) – tăng trưởng 65% so với năm 2016 thì VPB lại đang là cổ phiếu có P/E thấp nhất trong danh sách này với giá trị là 14 lần. P/E của VCB đã lên trên 28 lần và là cổ phiếu có chỉ số này cao nhất.
Cùng nhóm ngành tài chính thì SSI và BVH cũng không kém phần nổi bật với mức tăng trưởng trên dưới 30%. P/E của SSI hiện là 16 lần còn của BVH là 36 lần.
Về phía nhóm bất động sản thì VIC, VRE, NVL là 3 cái tên không thể không nhắc đến. Các cổ phiếu đều có mức tăng trưởng trên 17%, riêng NVL là 32%. Cùng với việc công bố lợi nhuận khủng trong năm 2017 thì P/E của VIC đã giảm từ mức trên 100 lần hồi cuối năm xuống 59 lần. VRE là 67 lần - cao thứ 2 trong danh sách.
Nhóm dầu khí với đại diện là GAS và PLX cũng đều tăng trưởng vượt trên mức tăng trưởng của thị trường. Cổ phiếu thép HPG, hàng không VJC cũng là những cổ phiếu tăng trưởng ấn tượng.
Về phía ngược lại, cổ phiếu xây dựng cho thấy sự đi xuống rõ rệt với ROS giảm 23% và "vua xây dựng" CTD giảm 23,3% - dẫn đầu về mức tăng giảm. Dù vậy, P/E của ROS vẫn cao nhất nhóm này với 78 lần. P/E của CTD đã rơi về 8.
Cùng với đó, những cổ phiếu hot nhất một thời như 2 đại gia ngành đồ uống VNM và SAB, doanh nghiệp lớn nhất ngành bán lẻ là MWG, cổ phiếu Dược phẩm đầu ngành DHG và cổ phiếu điện lạnh REE đều giảm.
Ngoài ra, các cổ phiếu có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng của VN30-Index và VN-Index là những cổ phiếu lớn nhưng không thu hút được dòng tiền như FPT, GMD, DPM, KDC và BMP.