MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ giao dịch ra sao khi VN-Index vượt 1.300 điểm?

Cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ giao dịch ra sao khi VN-Index vượt 1.300 điểm?

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đi lên kể từ đầu quý II đến nay. VN-Index đã vượt được mốc 1.300 điểm trong phiên giao dịch ngày 25/5. Đà tăng của VN-Index đa phần nhờ sự trợ giúp của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các mã trong VN30. Chính điều này giúp VN30-Index ngày càng bỏ xa VN-Index với hơn 135 điểm.

Kể từ thời điểm 1/4 - khi VN-Index bắt đầu thiết lập các kỷ lục mới - đến nay, trong số 48 cổ phiếu có vốn hóa trên 20.000 tỷ đồng, thì có 29 mã tăng giá. Trong đó nhiều mã thuộc nhóm VN-30 tăng giá rất mạnh như NVL của Novaland ( HoSE: NVL ) với mức tăng gần 66%. VPB của VPBank ( HoSE: VPB ) tăng 45,5%, HPG của Hòa Phát ( HoSE: HPG ) tăng 39%...

Cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ giao dịch ra sao khi VN-Index vượt 1.300 điểm? - Ảnh 1.

10 cổ phiếu tăng (giảm) mạnh nhất trong top 48 vốn hóa từ phiên 1/4 đến 25/5.

Trong khi đó, 19 mã giảm giá với nhiều cổ phiếu giảm sâu. HVN của Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ) giảm mạnh nhất với 21%, VGI của Viettel Global ( UPCoM: VGI ) giảm 20,5%. Nhiều cổ phiếu trong danh sách giảm giá này có thanh khoản thấp hơn thời điểm trước 1/4.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, dòng tiền cũng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Trong đó, nhóm bất động sản, may mặc hay kho bãi có sự phân hóa mạnh. Dòng tiền ở các nhóm ngành này đa phần tìm đến những đơn vị có kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tốt trong thời gian tới như NLG của Đầu tư Nam Long ( HoSE: NLG ), AGG của Bất động sản An Gia ( HoSE: AGG )... Trong khi đó, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh đi xuống thì giá cổ phiếu cũng giảm theo như CEO của CEO Group ( HNX: CEO ), VRC của Bất động sản và Đầu tư VRC ( HoSE: VRC )...

Nhóm ngành xây dựng biến động theo chiều hướng tiêu cực bất chấp sự sôi động của thị trường chứng khoán thời gian qua do lo ngại về giá nguyên vật liệu, đặc biệt là giá thép tăng mạnh cũng như số lượng các công trình sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu thi công bị đánh giá là bất lợi do các chủ đầu tư đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký. Các nhà thầu phải tự giải quyết sự thâm hụt này dẫn đến bào mòn lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh của các đơn vị xây dựng được đưa ra rất thận trọng. Đối với Coteccons ( HoSE: CTD ) năm 2021 kế hoạch doanh thu 17.413 tỷ đồng, tăng 20%, lợi nhuận 340 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 2% so với năm 2020. Tương tự, Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình ( HoSE: HBC ) đặt kế hoạch doanh thu 13.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 235 tỷ đồng, tăng mạnh so với nền thấp của năm 2020 nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với lợi nhuận của năm 2019 (405,6 tỷ đồng).

Giá cổ phiếu xây dựng đa phần giảm trong vòng gần 2 tháng qua. Trong đó, các cổ phiếu giảm sâu có CTD với 21,5%, G36 của Tổng công ty 36 ( UPCoM: G36 ) giảm 21%, CII của Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM ( HoSE: CII ) giảm 20%..

Cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ giao dịch ra sao khi VN-Index vượt 1.300 điểm? - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu xây dựng vốn hóa vừa và nhỏ kể từ đầu tháng 4.

Ngược lại, diễn biến tích cực được ghi nhận ở những nhóm ngành như thép, khai khoáng và chứng khoán. Đối với nhóm ngành thép, việc giá nguyên liệu liên tục tăng trong thời gian đầu năm 2021 đã giúp kết quả kinh doanh cũng như triển vọng của ngành này được đánh giá tốt hơn. Không chỉ cổ phiếu lớn như HPG mà các mã vốn hóa vừa và nhỏ như HSG của Hoa Sen ( HoSE: HSG ), NKG của Thép Nam Kim ( HoSE: NKG ), TLH của Thép Tiến Lên ( HoSE: TLH ), SMC của Đầu tư & TM SMC ( HoSE: SMC )... đều có được khoản thời gian tăng giá rất mạnh trong gần 2 tháng qua.

Cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ giao dịch ra sao khi VN-Index vượt 1.300 điểm? - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu thép vốn hóa vừa và nhỏ kể từ đầu tháng 4.

Mới đây, Fitch Solutions vừa nâng dự báo giá thép toàn cầu trong ngắn hạn lên trung bình 800 USD/tấn, so với mức trước đó là 660 USD/tấn với lý do là sự mất cân đối trong cung - cầu khiến giá vật liệu này sẽ tiếp tục lên cao.

Diễn biến tương tự cũng xảy ra với các cổ phiếu ngành khai khoáng. Trước việc giá khoáng sản, các loại quặng cũng giúp cổ phiếu của nhóm ngành này hưởng lợi theo dù kết quả kinh doanh quý I của một số đơn vị chưa phản ánh đúng. Đơn cử như Khoáng sản Hòa Bình ( UPCoM: KHB ), Tập đoàn Khoáng sản Á Cường ( HNX: ACM )...vẫn báo lỗ trong quý I.

Đối với nhóm ngành chứng khoán, với sự bùng nổ của thanh khoản cũng như các chỉ số liên tục đi lên trong khoảng thời gian đầu quý II giúp triển vọng nhóm ngành này tiếp tục tích cực. Rất nhiều cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán tăng mạnh trong gần 2 tháng qua như VND của VNDirecr ( HNX: VND ) với 53%, FTS của FPTS ( HoSE: FTS ) tăng 45%, MBS của Chứng khoán MB ( HNX: MBS ) tăng 32%.

Cổ phiếu vốn hóa và vừa nhỏ giao dịch ra sao khi VN-Index vượt 1.300 điểm? - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu chứng khoán vốn hóa vừa và nhỏ kể từ đầu tháng 4.

Như vậy có thể thấy được dòng tiền thời gian vừa qua thường tìm kiếm đến những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, triển vọng kinh doanh được đánh giá tốt trong thời gian tới cùng với đó là có những câu chuyện riêng.

Theo Bình An

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên