Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc cảnh báo về nợ
Nhân dân nhật báo – tờ báo được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – trong số báo mới đây đã thừa nhận nước này đang đối mặt với rủi ro về nợ và do đó cần phải đối mặt trực diện với những khoản nợ xấu.
- 07-05-2016Đây là lý do tại sao Trung Quốc thất thoát 500 tỷ USD ngoại hối chỉ trong 1 năm duy nhất
- 06-05-2016"Bóc mẽ" những điểm yếu "chết người" của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc
- 04-05-2016Trung Quốc áp dụng thuế VAT thống nhất với mọi ngành kinh tế
“Tỷ lệ đòn bẩy cao là “nguyên nhân gốc rễ” dẫn đến những rủi ro trên thị trường ngoại tệ, cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản và tín dụng”, bài phỏng vấn một nhân vật quan chức giấu tên được trích dẫn trên trang nhất và đăng trọn bộ trên trang hai của Nhân dân nhật báo số ra hôm nay (9/5).
Trung Quốc nên đặt việc giải chấp (deleveraging) lên trên tốc độ tăng trưởng ngắn hạn và từ bỏ việc kích thích nền kinh tế bằng việc nới lỏng tiền tệ. Nhân vật được phỏng vấn cũng cho rằng Trung Quốc phải chủ động đối phó với khối lượng nợ xấu đang ngày càng tăng lên thay vì trì hoãn hoặc che giấu chúng như hiện nay.
“Bất kỳ sai lầm nào cũng có thể dẫn đến rủi ro cho toàn hệ thống tài chính, tăng trưởng âm cho nền kinh tế hay thậm chí là viễn cảnh tiền tiết kiệm của các gia đình biến mất”, bài báo có đoạn.
"Tỷ giá và thị trường chứng khoán biến động mạnh trong những ngày đầu năm 2016 đã phản ánh sự mong manh của hệ thống tài chính. Phá sản là trường hợp nên tránh, nhưng nên để cho các công ty "xác sống" phá sản vì hoán đổi nợ chỉ là cách tự huyễn hoặc bản thân và cũng rất tốn kém.
"Cải cách trọng cung" - có nghĩa là tăng năng suất và giảm hàng rào thuế - vẫn sẽ là trọng tâm của chính sách kinh tế trong tương lai gần. Mặc dù nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng nếu không có biện pháp kích thích, nền kinh tế sẽ đi theo mô hình phục hồi chữ L* chứ không phải chữ U hay chữ V như 1,2 năm trước".
Zhao Yang – chuyên gia kinh tế tại Nomura Holdings – cho rằng bài báo nói trên chính là dấu hiệu cho thấy trong tương lai Trung Quốc sẽ có những bước đi thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách đồng thời đẩy tăng tốc độ cải cách. Trong quá khứ thì những lời bình luận tương tự đã mang đến những ảnh hưởng khá lớn.
Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều chuyên gia lên tiếng về nguy cơ Trung Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc rơi vào “thập kỷ mất mát” như Nhật Bản. “Quả bom” nợ đang trực chờ phát nổ trong khi hiệu quả đầu tư ngày càng giảm sút.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cảnh báo hệ thống ngân hàng nước này có thể rơi vào khủng hoảng trong vài năm tới. Mới đây nhất, công ty môi giới CLSA “rung hồi chuông báo động” với báo cáo nhận định thực sự thì mức độ nợ xấu của Trung Quốc cao gấp 9 lần so với con số chính thức. Nếu sự thực đúng là như vậy, nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên tới 1.000 tỷ USD.
Trong 10 năm trở lại đây, nợ của Trung Quốc tăng nhanh nhất trong nhóm G20. Hiện nợ đã lên tới 247% GDP.
* Mô hình phục hồi chữ L (L-Shaped Recovery) là một thuật ngữ dùng để chỉ mô hình suy thoái và khôi phục kinh tế có biểu đồ giống hình chữ L. Nền kinh tế có sự giảm mạnh sau đó không tăng trưởng hoặc tăng trưởng rất trì trệ. Một ví dụ điển hình của mô hình này là suy thoái kinh tế Nhật Bản thời kỳ những năm 1990. Khi đó nền kinh tế Nhật không tăng trưởng trong một thập kỷ.
Nếu đi theo mô hình chữ U hoặc chữ V, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh hơn.