Cơ quan thuế nói gì về việc truy thu thuế dịch vụ thư tín dụng từ năm 2011 của các ngân hàng?
Đại diện cơ quan thuế khẳng định Công văn số 1606/TCT-DNL không nêu vấn đề truy thu thuế mà là hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát việc kê khai thuế GTGT đối với L/C.
Mới đây, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL ngày 22/4/2020 về thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với dịch vụ thư tín dụng (L/C) của các tổ chức tín dụng (TCTD) gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Công văn nêu, kể từ ngày 1/1/2011, khi Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 có hiệu lực thi hành thì thư tín dụng (L/C) là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán, do vậy sẽ không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định" và yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, hướng dẫn các TCTD trên địa bàn quản lý có phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng (L/C) thì thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo đúng quy định.
Thực hiện Công văn nêu trên, hiện các Cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu các TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản thu từ thư tín dụng phát sinh từ ngày 01/01/2011 đến nay.
Yêu cầu này từ Tổng cục Thuế đã khiến nhiều ngân hàng lo lắng và ngay sau đó, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có công văn gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị cơ quan thuế không áp dụng thu khoản thuế này vì cho rằng nghiệp vụ L/C về bản chất là cam kết/ bảo lãnh thanh toán và được luật pháp coi là hình thức cấp tín dụng…
Mới đây, đại diện cơ quan thuế, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế cũng đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Phụng khẳng định, Công văn số 1606/TCT-DNL không nêu vấn đề truy thu thuế mà là hướng dẫn các cục thuế đồng hành cùng ngân hàng rà soát việc kê khai thuế GTGT đối với L/C.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Luật Thuế GTGT có hiệu lực từ 1/1/1999 đến nay vẫn không có thay đổi nào đối với hoạt động tài chính, tín dụng đã được quy định trong luật. Theo đó, không thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ tín dụng, tài chính, được quy định cụ thể tại Điều 4 của luật.
Ngày 1/1/2011, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 có hiệu lực thi hành. Tại Khoản 15, Điều 4 quy định L/C là hình thức thanh toán chứ không phải là tín dụng.
Cơ quan thuế là một trong những cơ quan thực thi pháp luật, tuân thủ pháp luật không chỉ riêng các luật thuế, mà còn tuân thủ các luật chuyên ngành. Có như vậy, hệ thống pháp luật mới được thực hiện đầy đủ, toàn diện. Đồng thời, cũng phải khẳng định rằng, các ngân hàng và tổ chức tín dụng luôn thực hiện tốt pháp luật thuế.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế tự khai, tự tính thuế và chịu trách nhiệm với tờ khai của mình. Cơ quan thuế không can thiệp vào việc tự khai của doanh nghiệp, chỉ khi nào thanh tra, kiểm tra phát hiện sai sót, thì hướng dẫn người nộp thuế điều chỉnh cho đúng.
Trong thời gian qua, qua hoạt động kiểm toán, thanh tra, kiểm tra một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, các cơ quan có chức năng đã nêu lên vấn đề, theo quy định của pháp luật, L/C là nghiệp vụ thanh toán, hoạt động dịch vụ chứ không phải là bảo lãnh và cho vay.
Chính vì vậy, cơ quan thuế đã rất thận trọng và ban hành Công văn số 1606/TCT-DNL gửi các cục thuế với nội dung, cơ quan thuế hướng dẫn các ngân hàng, tổ chức tín dụng rà soát hoạt động cung cấp dịch vụ thư tín dụng để kê khai thuế cho đúng, với tinh thần thực hiện đúng các văn bản quy phạm pháp luật, nếu hoạt động này là bảo lãnh ngân hàng thì không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nhưng nếu là dịch vụ thì thực hiện theo luật định.
Chúng tôi khẳng định rằng, cơ quan thuế không làm sai luật, đặc biệt, Công văn số 1606/TCT-DNL không nêu vấn đề truy thu thuế mà là hướng dẫn các cục thuế để đồng hành cùng ngân hàng rà soát việc kê khai thuế GTGT đối với L/C.
Ngành thuế không thể quyết định được thu thuế hay không thu thuế, mà phải thực hiện theo luật pháp quy định, cụ thể ở đây là Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Thuế GTGT.
Trong trường hợp thống nhất được L/C là một loại hình dịch vụ, thì ngân hàng, tổ chức tín dụng cần khai bổ sung thuế GTGT và chủ động trong việc lấy từ nguồn của ngân hàng, tổ chức tín dụng hay của khách hàng. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động này. Ngành thuế không yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng phải truy thu, mà theo luật định, cần thực hiện khai bổ sung nếu chưa khai đúng.
Theo kinh nghiệm quốc tế, trong gần hai trăm nước áp dụng thuế GTGT thì 50% số nước không thu thuế GTGT đối với các nghiệp vụ tài chính, tín dụng. Một nửa còn lại thực hiện thu thuế GTGT đối với L/C, bởi coi L/C là một loại dịch vụ và thực hiện thu thuế như đối với tất cả loại hình dịch vụ khác. Chúng ta không thể lấy mô hình quản lý của các nước để áp dụng vào Việt Nam, mà phải dựa trên nền tảng pháp luật của mình. Hiện chúng tôi vẫn thực hiện theo các quy định của Luật Thuế GTGT có hiệu lực thi hành từ 1/1/1999 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.