MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ quan thuế rà soát truy thu, chủ shop online tìm trăm đường... trốn biệt

05-08-2022 - 13:30 PM | Kinh tế số

Cơ quan thuế đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và truy thu thuế với hoạt động thương mại điện tử - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH

Cơ quan thuế đang đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và truy thu thuế với hoạt động thương mại điện tử - Ảnh minh họa: Q.ĐỊNH

Sau khi cơ quan thuế đẩy mạnh truy thu thuế với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, nhiều người bán hàng online trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đã tìm cách lách thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang người mua cuối cùng.

Người người, nhà nhà lướt các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để mua sắm.

Thương mại điện tử tại Việt Nam phát triển bùng nổ, đạt doanh số khoảng 13,7 tỉ USD năm 2021 và dự báo có thể chạm ngưỡng 39 tỉ USD vào năm 2025. Thế nhưng, số thu thuế từ khu vực này chưa tương xứng.

Nhiều chiêu lách thuế bán hàng online

Chị Minh Thư (TP Thủ Đức, TP.HCM) cho hay khi đặt mua một đôi giày của người bán hàng online trên Facebook mới đây, chị rất ngạc nhiên khi người này thông báo phương thức bán hàng mới từ ngày 1-8. Theo đó, người mua hàng phải chuyển khoản trước tiền hàng chứ bên bán không chịu ship COD (giao hàng - trả tiền qua công ty giao nhận) như trước. Đặc biệt, nội dung chuyển khoản sẽ không ghi chữ "MUA", "BÁN" mà chỉ ghi tên Facebook hoặc Zalo.

"Người bán giải thích đó là cách để đối phó với cơ quan thuế vì từ ngày 1-8, cơ quan thuế sẽ truy thu thuế người bán hàng online qua công ty giao nhận như Giao hàng tiết kiệm, Giao hàng nhanh, Ninjavan, bưu điện... Do vậy, người bán phải thay đổi cách thức mua bán. Trong trường hợp khách hàng vẫn muốn giao hàng - trả tiền qua công ty giao nhận như trước, người bán sẽ thu thêm 1,5% thuế", chị Minh Thư nói.

Việc yêu cầu người mua theo hình thức ship COD phải trả mức thuế này là một cách người bán đẩy trách nhiệm sang cho người mua.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy sau khi cơ quan thuế chuyển hướng sang việc rà soát từ đầu các công ty giao nhận và rà tài khoản ngân hàng, ngoài việc yêu cầu người mua hàng phải chuyển khoản trước tiền hàng, nhiều người bán hàng online còn ẩn số tài khoản ngân hàng thay vì ghim ở đầu trang như trước vì sợ rằng cơ quan thuế sẽ rà soát tài khoản ngân hàng, ghi nhận doanh thu.

Chưa hết, thay vì rao bán công khai ở Facebook cá nhân hay trang bán hàng, nhiều người bán hàng online đã lập ra các group kín để mua bán nhằm tránh sự dòm ngó của cơ quan thuế. Các group kín này mọc lên như nấm sau mưa, quy tụ từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn thành viên mua bán rất sôi động.

Chị T. (Hà Nội) cho hay chị có cửa hàng tại nhà và bán qua group, mở gian hàng trên các sàn thương mại điện tử, mỗi tháng bán 200 - 300 đơn hàng, doanh số khá ổn.

Có nhiều người bán hàng livestream đều đều mỗi ngày từ Mỹ và cả Việt Nam, mỗi buổi chốt ít nhất vài chục đơn hàng. Doanh thu khá cao, nhưng nộp thuế với họ vẫn là chuyện xa lạ.

Chị L.T.H. (Cầu Giấy, Hà Nội) kể thu nhập hằng tháng tăng thêm nhờ bán hàng online. Nhất là 2 năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu cũng tốt hơn. Tuy nhiên, doanh thu tăng là do giá cả hàng hóa mỗi năm tăng khoảng 5 - 7%. Riêng năm nay, nhiều mặt hàng đã tăng tới 20% so với cuối năm ngoái.

"Tôi cho rằng ngưỡng doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải kê khai và nộp thuế là chưa phù hợp. Như tôi nói ở trên, doanh thu tăng là do giá cả tăng chứ không phải tôi kinh doanh tốt, bán được nhiều hàng. Cộng với các chi phí điện thoại, phí chuyển hàng... không được trừ trước khi tính thuế, do vậy doanh thu tuy tăng nhưng lợi nhuận lại giảm so với trước đây", chị L.T.H. nói lý do chưa kê khai và nộp thuế.

Một chủ cửa hàng chuyên hàng gia dụng, tiêu dùng ở phố Núi Trúc (Hà Nội) cho biết đã ngưng thuê cửa hàng 3 năm nay, chỉ bán trên Facebook cá nhân cũng như sàn thương mại điện tử.

Khi cơ quan thuế thông báo về việc rà soát thuế, nhiều người bán hàng khác "rỉ tai" cách lách là mở nhiều tài khoản ở vài ngân hàng, thậm chí còn dùng tạm tài khoản của người thân để nhận tiền hàng. Khi chuyển hàng, chị không gửi tập trung vào 1 đơn vị vận chuyển mà chia ra 2 - 3 doanh nghiệp và nhờ chồng, con gái đứng tên giao hàng thay.

Cơ quan thuế rà soát truy thu, chủ shop online tìm trăm đường... trốn biệt - Ảnh 1.

Nhiều người bán hàng online trên mạng xã hội và các trang thương mại điện tử đã tìm cách lách thuế hoặc đẩy nghĩa vụ thuế sang người mua cuối cùng - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Kinh doanh là phải nộp thuế

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Ngọc Minh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có 41 sàn thương mại điện tử bán hàng, 98 sàn thương mại điện tử cung cấp dịch vụ và 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài. Số lượng khách hàng truy cập các sàn trung bình mỗi ngày khoảng 3,5 triệu lượt.

Thế nhưng, sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử và dịch vụ số xuyên biên giới cũng đặt ra nhiều vấn đề, đặc biệt là quản lý thuế.

Để chấn chỉnh tình trạng né thuế, lách thuế của các tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng hóa online, ngành thuế sẽ tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ đôn đốc người nộp thuế tự khai thuế, nộp thuế theo quy định.

Ngoài ra, cơ quan thuế cũng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra với hoạt động thương mại điện tử, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử...

Trên thực tế, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành các công văn gửi Ngân hàng Nhà nước (cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) và Bộ Công an (Cục cảnh sát điều tra về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu) để cùng phối hợp triển khai quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Ngoài ra, theo ông Minh, Tổng cục Thuế đang nghiên cứu đề xuất thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại nguồn đối với các giao dịch thương mại điện tử. Theo đó, các chủ sở hữu sàn thương mại điện tử sẽ có trách nhiệm khai và nộp thuế thay cho người bán hàng hóa, dịch vụ thông qua sàn.

Để thực hiện giải pháp này, cần sửa đổi Luật thuế GTGT, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Ông Nguyễn Việt Anh, chuyên gia quản trị công cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng đối với thuế GTGT, cần quy định vai trò của các nền tảng số, chợ điện tử trong việc kê khai và nộp thuế của các thương nhân hoạt động trên các nền tảng này.

Ông nói: "Các chủ sàn thương mại điện tử có nghĩa vụ thu và nộp thuế GTGT đối với doanh số bán hàng được thực hiện thông qua nền tảng của họ".

Trong khi đó, ở góc độ người kinh doanh, các cá nhân bán hàng online kiến nghị cần phải nâng ngưỡng doanh thu kê khai và nộp thuế lên gấp đôi hiện nay, ít nhất là 200 triệu đồng/năm.

"Như vậy, người bán sẽ chủ động kê khai và nộp thuế. Còn mức 100 triệu đồng được quy định suốt nhiều năm trước đó, nay đã lạc hậu rồi và gây bất lợi cho người kinh doanh", anh Tâm, một người chuyên kinh doanh hàng hóa trên các trang thương mại điện tử, nói.

Cơ quan thuế rà soát truy thu, chủ shop online tìm trăm đường... trốn biệt - Ảnh 2.

Từ ngày 1-8 nhiều người bán hàng online đã yêu cầu người mua không ghi từ “mua” hoặc “bán” trong nội dung chuyển khoản để tránh bị truy thu thuế


Phải tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi trốn thuế

Theo thông tư 40 của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 1-8-2021, các cá nhân, tổ chức là chủ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh của cá nhân thông qua sàn như họ tên; số định danh cá nhân hoặc chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu; mã số thuế; địa chỉ; email; số điện thoại liên lạc; hàng hóa, dịch vụ cung cấp; doanh thu kinh doanh; tài khoản ngân hàng của người bán; thông tin khác liên quan theo yêu cầu của cơ quan thuế.

Một lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết ngay sau khi thông tư này có hiệu lực, cơ quan này đã chỉ đạo cơ quan thuế các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra các hành vi trốn thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo đó, các cục thuế phải rà soát, phân loại, theo dõi và thường xuyên cập nhật thông tin các cá nhân kinh doanh bán hàng online, các công ty đang hoạt động kinh doanh và phát sinh thu nhập từ các hình thức kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn như doanh nghiệp có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, Apple, Amazon...

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh, bán hàng trực tuyến, doanh nghiệp kinh doanh hoạt động cho thuê nhà trực tuyến thông qua ứng dụng (như Booking.com, Agoda...); các doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (như Sendo, Lazada, Shoppe...) cũng được đưa vào tầm ngắm.

L.THANH

Truy từ đơn vị giao nhận, sàn thương mại điện tử

logo-qdmuahangonline9a-1659664347518513770142

Cơ quan thuế đang đẩy mạnh thu thuế với hoạt động thương mại điện tử do đây là lĩnh vực có doanh thu rất lớn nhưng số thu chưa tương xứng với tiềm năng - Ảnh: Q.Đ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho biết dù bán hàng online phát triển rất mạnh nhưng hầu hết đều không kê khai và nộp thuế. Việc các cá nhân này có thể dễ dàng lách thuế là vì những người mua hàng online trên Facebook, trên các sàn thương mại điện tử... đều không lấy hóa đơn.

Ngoài ra, bên bán hàng nhận thanh toán bằng tiền mặt thông qua các đơn vị giao nhận hàng (COD) hoặc thanh toán qua ví điện tử, qua các tài khoản ngân hàng không đăng ký với cơ quan thuế.

Các tổ chức cũng như cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cho rằng cơ quan thuế không nắm được doanh thu này nên không thực hiện kê khai nộp thuế trong suốt nhiều năm qua.

Tuy nhiên, theo vị này, nghị định số 52/2013 của Chính phủ quy định người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và chủ sàn phải có nghĩa vụ hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra các hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.

Do đó, Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi 3 doanh nghiệp là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử trên địa bàn TP.HCM là Lazada, Shopee, Tiki yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử này phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

"Trường hợp người bán hàng không lập hóa đơn, các sàn phải cung cấp danh sách này cho cơ quan thuế định kỳ mỗi quý, chậm nhất là ngày 30 của quý tiếp theo. Nhưng đến thời điểm hiện nay mới có một chủ sàn cung cấp và số liệu cung cấp vẫn không đầy đủ", vị này nói.

Cùng với việc truy từ các sàn thương mại điện tử, Cục Thuế TP.HCM cũng có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ giao hàng có thu hộ tiền bán hàng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử báo cáo cơ quan thuế về số lượng hàng hóa vận chuyển, số tiền thu hộ. Với các đơn vị trung gian thanh toán, cơ quan thuế cung cấp dữ liệu số tiền chuyển từ người mua đến các cơ sở kinh doanh qua các đơn vị trung gian thanh toán.

Thế nhưng, theo lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM, nhiều đơn vị viện ra nhiều lý do để né tránh, như nói không biết quy định này, hoặc nói rằng "công ty mẹ" chỉ lưu dữ liệu tại thị trường Việt Nam 6 tháng, hoặc một số ngân hàng yêu cầu cơ quan thuế phải nêu đích danh tài khoản cần cung cấp chứ không thực hiện rà soát theo yêu cầu...

A.H. - L.T.

Theo ÁNH HỒNG - LÊ THANH

Tuổi trẻ

Trở lên trên