Cơ sở để Long An đặt chỉ tiêu dẫn đầu khu vực vào năm 2025
Tỉnh Long An đặt mục tiêu dẫn đầu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2025, vậy cơ sở nào để tỉnh Long An đạt được mục tiêu này chỉ trong một nhiệm kỳ?
- 14-10-2020IMF: Việt Nam vượt Singapore, Malaysia, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 Đông Nam Á
- 14-10-2020Động lực để trở thành một nước phát triển vào 2045
- 14-10-2020Nhiều thách thức với 3 trụ cột trong "cỗ xe tam mã"
Chuyển nguy thành cơ
Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định: "Đến năm 2025 Long An giữ vững vị trí dẫn đầu Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam".
Trong khi đó, do cùng chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, tạm dừng hoạt động. Tác động này đã hiển thị rõ lên bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2020 tại nhiều tỉnh thành khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Thống kê đến hết quý III/2020, đã có nhiều tỉnh chỉ số tăng trưởng âm. Lãnh đạo tỉnh đang tập trung tìm giải pháp củng cố, khắc phục. Qua đó, điều chỉnh chỉ số tăng trưởng cho nhiệm kỳ sắp tới ở mức khiêm nhường so với kỳ vọng. Bởi vì phải tập trung nguồn lực để vừa đối phó, thích ứng với "suy thoái kép" do diễn biến khó lường của suy thoái kinh tế, kết hợp tác động của đại dịch Covid-19 chưa biết bao giờ kết thúc; đồng thời phải tìm cách "sống chung" với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Vì Đồng Bằng Sông Cửu Long được dự báo là 1 trong 5 khu vực trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh nhất...
Nằm trong vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, cùng chịu chung ảnh hưởng và tác động bất lợi như các tỉnh thành khác, lãnh đạo tỉnh Long An đã nhận ra nhiều lợi thế, tiềm năng riêng của tỉnh mình. Những lợi thế, tiềm năng này nếu được đầu tư, khai thác kịp thời, sẽ mang lại cho Long An lợi ích kép.
Không chỉ phòng ngừa, khắc phục được hậu quả, giảm tác động bất lợi, mà còn mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho tỉnh như: Khẩn trương huy động vốn để triển khai đầu tư xây dựng trước tuyến đường ven biển tỉnh Long An nằm trong quy hoạch đường ven biển quốc gia. Công trình này vừa có tác dụng ngăn chặn nước biển dâng vừa kết nối trục giao thông ven biển từ TP. HCM đến Long An.
Vị trí địa lý là một lợi thế rất quan trọng, biến Long An thành cầu nối giữa 2 vùng kinh tế trọng điểm là Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngoài việc hoàn thành hệ thống khu công nghiệp, cảng biển để vừa phát huy thế mạnh kinh tế biển vừa góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa, tăng tính cạnh tranh và giảm áp lực lên hệ thống giao thông vùng.
Long An đang mời gọi, huy động nguồn vốn đầu tư, sớm triển khai hệ thống giao thông mang tính kết nối vùng, liên vùng, tạo động lực cho giai đoạn phát triển mới bằng cách kích hoạt nhanh tốc độ phát triển đô thị, dịch vụ, bất động sản; nâng cao thu ngập, đời sống người dân; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh.
Các công trình chiến lược kể trên được ví như chiếc chìa khóa vàng chuyển nguy thành cơ, đưa Long An lên vị trí dẫn đầu khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long về phát triển Kinh tế - Xã hội vào năm 2025, trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá trong Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam vào năm 2030.
Tăng tốc
Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Long An lần thứ XI xác định: Đường Vành đai Thành phố Tân An, đường Vành đai 4 (ĐT 830E) kết nối các khu công nghiệp, cảng biển tỉnh Long An đến các tỉnh thành: TP. HCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh thuộc Vùng Kinh tế Trọng điểm phía Nam có chiều dài 32 Km; đường tỉnh 827 E đoạn từ TP. HCM đến sông Vàm Cỏ Đông...là những công trình giao thông trọng điểm nằm trong các chương trình mang tính đột phá của tỉnh. Trong đó các công trình giao thông vừa có ý nghĩa đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy nội lực, thu hút ngoại lực vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển.
Nội lực được xác định là nguồn lực quan trọng, là xương sống của nền kinh tế, ông Trương Văn Liếp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Tỉnh hiện có nhiều khu, cụm công nghiệp đang hoạt động hiệu quả, thu hút đầu tư rất khả quan.
Về thu hút đầu tư nước ngoài, tỉnh Long An đã thu hút, mời gọi được 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với 1.145 dự án FDI đang triển khai, có tổng vốn 6 tỷ USD. Đứng đầu khối FDI là Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Tỉnh có 11.590 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 350.000 tỷ đồng (đến ngày 21/9). 400.000 hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn đầu tư 200.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 9,11%. GRDP năm 2020 ước đạt 77 triệu đồng/người/năm, gấp 1,5 lần so với năm 2015. Chương trình Nông thôn mới đạt đạt kết quả tích cực khi 93/161 xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Công nghiệp, xây dựng tăng trưởng cao 19,4%/năm, đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung xây dựng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Công tác quản lý thu chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả. Tăng trưởng thu ngân sách hàng năm đạt 12.8%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2020 – 2025 từ 9,2% đến 10%. Thu nhập bình quân đạt từ 115 đến 120 triệu đồng/người/năm.
Ông Liếp cũng đưa ra cột mốc so sánh rằng tăng trưởng kinh tế cao nhất hiện nay Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long là Thành phố Cần Thơ. Nhưng kết quả thu ngân sách và tốc độ tăng trưởng hàng năm thì Long An duy trì độ ổn định với mức tăng cao hơn.
Khó khăn lớn nhất và cần thiết nhất là nguồn vốn để triển khai nhanh các công trình trọng điểm. Ông Nguyễn Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cho biết, giai đoạn 2021- 2030 tỉnh Long An cần đến 30.000 tỷ đồng để triển khai 23 công trình giao thông trọng điểm. Trong đó có 7 dự án mang tính động lực phải triển khai sớm với nguồn vốn trên 13.000 tỷ đồng.
"Muốn có nguồn vốn lớn chúng tôi phải nỗ lực, phấn đấu rất lớn bằng cách phát huy tốt nội lực kết hợp với tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính - lấy cuộc sống ấm no – hạnh phúc của người dân làm thước đo hiệu quả" - ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nói.
Và ông cũng chỉ ra, mục tiêu kế hoạch đặt ra là rất khó và nặng nề nhưng không nằm ngoài khả năng. Trước mắt là huy động nguồn lực để phát triển các dự án giao thông trọng điểm. Từ vốn ngân sách là chính sẽ tạo ra quỹ đất và tiếp tục hấp dẫn các nguồn lực đầu tư khác. Các nguồn lực cho phát triển đều rất cần thiết, nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn lực con người. Đó vừa là mục tiêu vừa là giải pháp để Long An sớm đạt được vị trí dẫn đầu khu vực về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.
Diễn đàn Doanh nghiệp