MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể bạn chưa biết: Đến tận năm 2033, người Việt mới lại có ngày 30 Tết, lý do là gì?

27-11-2024 - 11:21 AM | Sống

Có thể bạn chưa biết: Đến tận năm 2033, người Việt mới lại có ngày 30 Tết, lý do là gì?

Gần 1 thập kỷ nữa, người Việt mới được đón khoảnh khắc giao thừa vào ngày 30 Tết.

Từ lâu, 30 Tết (30 tháng Chạp Âm lịch) luôn là thời khắc quan trọng của một năm và được mọi người mong chờ. Tuy nhiên, theo cách tính ngày âm lịch, không phải tháng nào cũng có đủ 30 ngày. Thay vào đó, một số tháng chỉ có 29 ngày. Trong đó, xác suất tháng Chạp chỉ có 29 ngày là điều bình thường và đã xảy ra trong nhiều năm. 

Thực tế, tháng 12 Âm lịch năm nay cũng chỉ có 29 ngày. Đồng nghĩa, mọi người sẽ không có khoảnh khắc đón giao thừa vào đúng ngày 30 Tết. Đặc biệt hơn, phải đợi 9 năm nữa, cho đến năm 2033, chúng ta mới có ngày 30 Tết. 

Có thể bạn chưa biết: Đến tận năm 2033, người Việt mới lại có ngày 30 Tết, lý do là gì?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thực tế, việc chuỗi năm liên tục không có ngày 30 Tết chỉ là sự trùng hợp, không mang tính quy luật. Hiện tượng này ít được biết đến, tuy nhiên không hẳn là quá hiếm. 

Khác với cách tính Dương lịch dựa vào chu kỳ chuyển động của Trái đất quay xung quanh Mặt trời, số ngày trong tháng Âm lịch được đo đếm dựa trên con số thiên văn vận hành của Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời. Nhiều người còn gọi lịch âm là lịch Mặt trăng vì tuân theo quan sát chu kỳ trăng tròn. 

Nguyên tắc quan trọng là khi Trái đất, Mặt trăng và Mặt trời nằm cùng trên một đường thẳng, và lúc người quan trắc đứng trên Trái đất không còn nhìn thấy Mặt trăng, đó là ngày mùng 1 (điểm sóc).

Thời gian từ điểm sóc này đến điểm sóc tiếp theo (gọi là tuần trăng) dài ngắn tùy mỗi tháng do quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời và quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất là hình elip chứ không phải hình tròn, nên khiến cho thời điểm Mặt trời và Mặt trăng gặp nhau hàng tháng không bằng nhau. 

Theo đó, tuần trăng dài trung bình 29 ngày 12 giờ 44 phút và dao động hơn kém giá trị lên đến 7 tiếng đồng hồ. Bởi vậy, theo cách tính của lịch âm, có tháng thừa (30 ngày) và tháng thiếu (29 ngày). Năm nào tháng có 29 ngày rơi vào tháng cuối cùng, chúng ta sẽ đón Giao thừa từ đêm 29.  

Như đã đã giải thích ở trên, ngày cuối năm không nhất thiết là ngày 30 tháng Chạp mà còn có thể là ngày 29. Dù đó là ngày 29 hay 30, các phong tục Tết cổ truyền của người Việt vẫn không có gì thay đổi. Các gia đình vẫn sẽ dọn dẹp nhà cửa, sửa soạn mâm cơm cúng gia tiên, cùng nhau chờ đón thời khắc giao thừa để “tống cựu nghinh tân”.     

Có thể bạn chưa biết: Đến tận năm 2033, người Việt mới lại có ngày 30 Tết, lý do là gì?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Mới đây, lịch nghỉ Tết Nguyên đán năm 2025 đã chính thức được công bố. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ 9 ngày liên tục, gồm 5 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ hằng tuần. 

Cụ thể, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ Tết Nguyên đán 5 ngày, từ thứ Hai, ngày 27/1/2025 đến hết thứ sáu, ngày 31/1/2025 (tức 28 tháng Chạp năm Giáp Thìn đến ngày mùng 3 tháng Giêng năm Ất Tỵ). 

Tuy nhiên, do năm 2025, cả 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán rơi vào các ngày làm việc trong tuần nên người lao động được nghỉ thêm 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và 2 ngày nghỉ sau nghỉ Tết. 

(Tổng hợp)

 

Đinh Anh

Đời sống pháp luật

Trở lên trên