Có thể "đấu giá" nhân tài?
Sau gần 10 năm thực hiện chính sách thu hút và đào tạo nhân tài cho các cơ quan nhà nước, sắp tới đây Đà Nẵng chuyển hướng: khuyến khích doanh nghiệp tư nhân tham gia "đấu giá" nhân tài. Nghe qua, nhân tài của nền hành chính sẽ được chuyển nhượng như ngôi sao sân cỏ.
Việc Đà Nẵng bỏ ra 634 tỷ đồng để đào tạo nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong suốt thời gian qua đã mang lại hiệu quả gì? Tại hội thảo "Đánh giá hiệu quả chương trình thu hút và đề án đào tạo nguồn nhân lực; định hướng công tác thu hút, đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ” (tháng 10/2016), ông Nguyễn Quang Thanh - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP. Đà Nẵng nhận định: "Chúng ta lâu nay chỉ đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực khối hành chính nhà nước".
Việc đào tạo nguồn nhân lực một cách bài bản, theo kỳ vọng của Thành phố, là thiết thực chung tay xây dựng đội ngũ công chức chất lượng cao để phục vụ nền hành chính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc bố trí việc làm cho học viên sau thời gian được đào tạo đã hợp lý và có kích thích họ phát huy hết năng lực hay chưa?
Chỉ tiêu biên chế giảm là một lý do khiến các nhân tài không nhìn thấy tương lai của mình ở khu vực công. Đa số đang làm việc theo hợp đồng, không thể vào biên chế.
Thêm vào đó, nhiều nhân tài được phân công công việc chuyên môn không phù hợp, dẫn đến tâm lý hụt hẫng và lâm vào cảnh chờ hết thời gian làm việc ràng buộc với cơ quan nhà nước, xem như trả xong nợ cho ngân sách nhà nước sau khi được đào tạo, để ra đi tìm môi trường làm việc mới. Đích nhắm của họ là các doanh nghiệp.
UBND TP. Đà Nẵng mới đây có ý tưởng sẽ chuyển nhượng nhân tài cho các doanh nghiệp tư nhân, nếu khu vực này có nhu cầu thì sẽ tham gia "đấu giá" nhân tài. Mục tiêu của ý tưởng này là thành phố muốn thu lại ngân sách đào tạo, hơn nữa cũng giải quyết tâm lý, việc làm cho các học viên.
Thế nhưng có phải doanh nghiệp thực sự muốn sử dụng những công chức hành chính chuyển sang kinh doanh? Thước đo giá trị của một nhân tài trong lĩnh vực kinh doanh, quản lý doanh nghiệp có trùng với thước đo giá trị của một công chức được phủ mỹ từ "nhân tài"? Hãy ngẫm học thuyết của Dave Ulrich - giáo sư Đại học Michigan (Hoa Kỳ), về nhân lực, nhân tài, trong đó đặc biệt là "Lý thuyết Nhân tài 3C" (3C Talent Formula) đang được áp dụng phổ biến trên khắp thế giới.
Talent = Competence - Commitment - Contribution (Nhân tài = Năng lực - Cam kết - Cống hiến). Lý thuyết này được Dave Ulrich xây dựng sau khi khảo sát, nghiên cứu trên hàng nghìn doanh nghiệp, trong đó hơn một nửa có tên trong danh sách Fortune 500 (được coi là những công ty có tiếng trên toàn cầu); phỏng vấn hơn 40.000 nhân sự được coi là "người tài" trên khắp thế giới. Nếu chiếu theo bảng giá trị của Dave Ulrich đã nêu, e rằng nhân tài của Đà Nẵng chỉ như "củ khoai lang rời rạc", theo lời ví von của một vị nguyên là giám đốc một sở của thành phố này.
Tuy nhiên, việc tham gia "đấu giá" nhân tài thường chỉ diễn ra ở khu vực doanh nghiệp tư nhân. Một CEO giỏi của doanh nghiệp này có thể được "mua" với giá rất đắt bởi một doanh nghiệp khác. Ý tưởng chuyển nhượng nhân tài từ khu vực công sang khu vực tư của TP. Đà Nẵng được xem là một ý tưởng tốt. Nhưng cũng cần chờ có ý kiến phản biện từ các doanh nghiệp tư nhân có nhu cầu về nhân lực chất lượng cao, xem xét thực sự ý tưởng này tốt đến mức nào, có điều gì bất cập không, có khả thi không.
"Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở", giáo sư Ngô Bảo Châu - một người tài, đã phát biểu như thế. Sự chủ động của một tài năng trong bất cứ lĩnh vực nào cũng có thể đi trước kế hoạch một cuộc đấu giá về tài năng của chính họ. Như vậy, ý tưởng đấu giá nhân tài muốn thành hiện thực, chính quyền Đà Nẵng sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Doanh nhân Sài gòn