Có thể phải lựa chọn tăng trưởng thấp hơn, hoặc lạm phát cao hơn
Diễn biến kinh tế thời gian gần đây, đặc biệt là các số liệu kinh tế tháng 5/2018 đang cho thấy dấu hiệu nền kinh tế có thể khó duy trì được tốc độ tăng trưởng như quý đầu năm.
- 02-06-2018Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Chính phủ đủ khả năng kiểm soát lạm phát dưới 4%
- 02-06-2018Kịch bản và cách kiềm chế lạm phát
- 31-05-2018CPI tăng cao nhất trong 6 năm, lạm phát có kiểm soát dưới 4%?
Hoặc tăng trưởng thấp hoặc lạm phát cao?
“Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội”, đây là nhận định thống nhất trong Báo cáo Chính phủ về kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đầu năm 2018 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV cũng như các thảo luận tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 đều thống nhất nhận định.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của Oxford Economics |
Tuy nhiên, diễn biến kinh tế thời gian gần đây, đặc biệt là các số liệu kinh tế tháng 5/2018 đang cho thấy dấu hiệu nền kinh tế có thể khó duy trì được tốc độ tăng trưởng như quý đầu năm khi chỉ số sản xuất công nghiệp, mà trọng tâm là ngành chế biến, chế tạo dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng cao nhưng bắt đầu có xu hướng chậm dần (tháng 5/2018 chỉ tăng 9,1% qua đó kéo 5 tháng chỉ còn tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2017).
Trong khi nhiều tồn tại của nền kinh tế vẫn chưa được khắc phục, như việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, chi phí logistics cao… cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực trong đóng góp cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Cùng với đó, thương mại hàng hoá cũng giảm tốc khá nhanh với kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 5 tháng chỉ tăng 15,8% so với cùng kỳ trong khi ở các tháng trước, con số này luôn vượt mức 20%. Đáng chú ý là tháng 5, ước tính đã nhập siêu 500 triệu USD, đánh dấu nhập siêu đã quay trở lại sau 4 tháng liên tục xuất siêu.
Những dấu hiệu đó dù không mấy tích cực, nhưng cũng không đến mức rất đáng quan ngại khi xét trên nền tăng trưởng rất cao của năm 2017. Diễn biến này xem ra cũng khá tương đồng với nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo “Viễn cảnh tăng trưởng toàn cầu” của WB vừa công bố ngày 6/6 dự báo, kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng ở mức 3,1% năm 2018 nhưng sau đó sẽ giảm tốc trong 2 năm tiếp theo do tăng trưởng giảm tại các nền kinh tế phát triển và tốc độ hồi phục tại các nền kinh tế mới nổi và xuất khẩu nguyên vật liệu đi dần theo chiều ngang.
Với Việt Nam, WB dự báo tăng trưởng có thể đạt được mức 6,8% trong năm 2018 (tức điều chỉnh tăng 0,3% so với mức 6,5% mà tổ chức này đưa ra trong báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào tháng 4/2018), đồng thời nhận định lạm phát dù đã tăng lên nhưng vẫn ở dưới mức mục tiêu đề ra. Tuy nhiên WB dự kiến tăng trưởng sẽ giảm dần, chỉ quanh mức 6,6% và 6,5% cho các năm 2019 và 2020.
Thậm chí kém lạc quan hơn là theo báo cáo “Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á” vừa công bố của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể giảm nhẹ so với năm ngoái, đạt 6,6% trong năm nay và tiếp tục giảm xuống mức khoảng 6,3% trong các năm 2019-2020. Đây cũng là xu hướng giảm sút chung của khu vực Đông Nam Á khi báo cáo này dự báo kinh tế khu vực chỉ tăng trưởng ở mức 4,9% trong năm nay, giảm 0,4% từ mức 5,3% năm 2017.
Tăng trưởng có dấu hiệu giảm tốc thì lạm phát cũng có xu hướng tăng cao. CPI tháng 5 tăng cao đột biến 0,55% so với tháng trước (mức cao nhất trong 6 năm qua) và tăng 3,86% so với cùng kỳ; CPI bình quân 5 tháng đầu năm đã tăng 3,01% so với cùng kỳ.
Tại buổi công bố báo cáo “Tiêu điểm kinh tế: Khu vực Đông Nam Á” của ICAEW tại Hà Nội ngày 6/6, bà Sian Fenner, Cố vấn kinh tế ICAEW kiêm Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Oxford Economics cho biết, báo cáo này dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam năm nay sẽ ở mức 3,9%. Tuy nhiên, với giá lương thực thực phẩm tăng và giá dầu mỏ thế giới cũng trong xu hướng tăng mạnh thì vẫn có nguy cơ lạm phát sẽ tăng lên đáng kể. “Trong trường hợp đó, các cấp hoạch định chính sách sẽ cần phải hoặc chấp nhận mức tăng trưởng thấp hơn hoặc chấp nhận lạm phát cao hơn”, bà Sian Fenner nhận định.
Tổn thương với chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại
Cùng quan điểm này, chuyên gia Eugenia F. Victorino của Ngân hàng ANZ cho rằng, lạm phát nhiều khả năng sẽ tăng do giá lương thực và giá dầu tăng vẫn đang chịu áp lực tăng thêm. “Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi sẽ theo dõi sát các hoạt động tăng giá đối với dịch vụ y tế”, chuyên gia này cho biết. Hiện chi phí y tế có mức tăng thấp so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở góc độ tích cực, điều này góp phần kiềm chế lạm phát tăng trong hiện tại. Tuy nhiên nhìn ở phía ngược lại, khi chi phí y tế được kìm giữ trong thời gian dài và tăng mạnh sau đó thì nguy cơ tác động của nó tới lạm phát cũng đáng kể. Trên cơ sở phân tích đó, các chuyên gia ANZ dự báo lạm phát có thể chỉ ở mức 3,6% trong năm nay, nhưng có thể bật lên 4,2% năm 2019.
Ngoài các vấn đề nội tại trong nước, các yếu tố bên ngoài như giá dầu và hàng hóa thế giới tăng, khả năng thắt chặt hơn CSTT ở các nước lớn, xu hướng bảo hộ và căng thẳng thương mại trên toàn cầu… cũng sẽ có những tác động đến kinh tế Việt Nam. Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) trong báo cáo tình hình kinh tế - tài chính tháng 5/2018 của mình cho rằng, rủi ro lớn nhất đối với kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2018 là giá dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao vượt dự kiến. Nếu điều này xảy ra, tác động của việc tăng giá xăng dầu trong năm 2018 vào CPI tổng thể sẽ lớn hơn so với năm 2017.
Theo tính toán của UBGSTCQG, nếu giá dầu bình quân năm 2018 tăng 17-20% so với năm 2017 như dự báo từ đầu năm (tức ở mức 60-62 USD/thùng) sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 5-7% so với năm trước và lạm phát năm 2018 dự báo sẽ tăng ở mức 3,5-3,8 % so với cùng kỳ. Còn trong trường hợp giá dầu bình quân tăng khoảng 24-25% so với cùng kỳ lên mức 65USD/thùng theo như dự báo mới nhất của WB sẽ làm cho giá nhóm giao thông tăng khoảng 8-10% so với năm trước, lạm phát năm 2018 dự báo tăng 4-4,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó theo chuyên gia kinh tế Sian Fenner, chủ nghĩa bảo hộ và căng thẳng thương mại (đặc biệt giữa Mỹ với Trung Quốc) sẽ khiến các nền kinh tế trong đó có Việt Nam chịu tổn thương. Lời khuyên đưa ra là Việt Nam cần thận trọng trước tình huống bất lợi do gia tăng chủ nghĩa bảo hộ. Là một nền kinh tế nhỏ, mở cửa và phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, xu hướng bảo hộ tăng và thương mại toàn cầu giảm sẽ có hiệu ứng lan tỏa đáng kể đến Việt Nam.
“Dù Việt Nam không phải là mục tiêu trực diện của chính sách tăng thuế quan. Sự phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài cũng sẽ khiến Việt Nam dễ chịu ảnh hưởng khi tâm lý toàn cầu thay đổi”, báo cáo của ICAEW nhận định.
Chuyên gia về tỷ giá Irene Cheung của ANZ cho rằng, các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và châu Á có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trong khi giá dầu cao hơn cũng có thể đẩy lạm phát ở Việt Nam tăng lên. Trong bối cảnh đó, ANZ dự báo tỷ giá USD/VND cuối năm nay sẽ ở mức 22.780 đồng. UBGSTCQG thì nhận định, từ nay đến cuối năm, cần lưu ý đến việc đồng USD đang xu hướng tăng trở lại và FED nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm 2018. Do vậy, chính sách tỷ giá cần tiếp tục bám sát và có những động thái điều hành linh hoạt.
Thời báo ngân hàng