MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thực kinh tế Mỹ đã suy thoái (?!) Một góc nhìn khác...

30-08-2022 - 13:58 PM | Tài chính quốc tế

Điều sẽ xảy ra cho nền kinh tế Mỹ còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát trong vài tháng tới (Ảnh: Zuma)

Điều sẽ xảy ra cho nền kinh tế Mỹ còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát trong vài tháng tới (Ảnh: Zuma)

Tổng thu nhập quốc nội (GDI), một thước đo thay thế cho GDP, chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ chỉ đang bị chững lại thay vì trượt vào suy thoái.

Việc Bộ Thương mại Mỹ công bố sản lượng của nền kinh tế nước này đã thu hẹp trong quý thứ hai liên tiếp đã làm dấy lên lo ngại rằng Mỹ có thể đã rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, dữ liệu công bố mới đây lại phát đi một thông điệp khác: thay vì suy thoái, nền kinh tế Mỹ có khả năng đang bị chững lại.

Sản lượng kinh tế có thể được đo theo 2 cách khác nhau: GDP, hoặc GDI. Với mỗi đồng USD mà một cá nhân chi ra để mua hàng hóa hay dịch vụ - như bữa ăn trong nhà hàng, xe hơi, dịch vụ y tế - một cá nhân khác lại nhận được 1 đồng USD thu nhập để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ đó. GDP ghi nhận bên chi tiền trong những giao dịch này, trong khi GDI phản ánh bên còn lại.

Về lý thuyết, GDI và GDP nên ngang bằng nhau, mặc dù luôn có một số sai lệch về thống kê bởi chúng được đo nhờ sử dụng các bộ dữ liệu khác nhau, nguồn tin khác nhau. Năm nay, mức chênh lệch đó lớn một cách bất thường. Trong nửa đầu năm, GDP đã điều chỉnh yếu tố lạm phát thu hẹp 1,1% so với năm ngoái. Cùng thời điểm, Bộ Thương mại Mỹ công bố GDI – được đo bởi lợi nhuận của doanh nghiệp, lương, thu nhập cá nhân, lãi suất và tiền thuê – đã tăng 1,6%.

Có thực kinh tế Mỹ đã suy thoái (?!) Một góc nhìn khác... - Ảnh 1.

Rất khó để biết tại sao lại có sự chênh lệch như vậy. Trong bối cảnh nền kinh tế biến động, số liệu thống kê có thể ít đáng tin hơn. Một số kinh tế gia muốn vạch ra một bức tranh rõ hơn bằng cách tính trung bình GDP và GDI.

Kết quả gần như không thay đổi nhiều, tăng 0,2% so với năm ngoái, trong 6 tháng đầu năm. Đây là dấu hiệu cho thấy một nền kinh tế đang chững lại chứ không phải suy thoái.

“Nền kinh tế đang đình trệ chứ không phải suy thoái”, Robert Gordon, Giáo sư tại ĐH Northwestern và là thành viên của một hội đồng tại Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, nhận định.

Cơ quan này không áp dụng 'quy tắc ngón tay cái', rằng 2 quý tăng trưởng GDP âm liên tiếp đồng nghĩa với suy thoái.

Họ định nghĩa một cuộc suy thoái là tình trạng thu hẹp đáng kể, kéo dài và sâu rộng của tất cả các hoạt động, có thể trông thấy được thông qua hàng loạt con số thống kê. Họ nhìn vào nhiều thước đo, bao gồm tỷ lệ có việc làm, doanh thu trong hoạt động kinh doanh, sản lượng chế tạo và thu nhập, trong đó có GDI và GDP bình quân. Nhìn vào những con số này, ông Gordon nói: “Các bạn không thể nào gọi đây là một cuộc suy thoái được".

Có thực kinh tế Mỹ đã suy thoái (?!) Một góc nhìn khác... - Ảnh 2.

Một hội chợ việc làm tổ chức tại Sunrise, Florida vào mùa Hè năm nay, thời điểm thị trường lao động vẫn khỏe mạnh (Ảnh: Getty)

Một số nghiên cứu cho thấy GDI có thể là một chỉ số thời gian thực đáng tin cậy hơn để đo lường hoạt động của nền kinh tế, thay vì GDP.

Trong một nghiên cứu năm 2010, Jeremy Nalewaik, lúc bấy giờ là nhà kinh tế học tại Fed, nhận ra rằng GDP có xu hướng được chỉnh sửa theo thước đo thu nhập theo thời gian. Nếu năm nay cũng theo xu hướng này, sự thu hẹp của GDP có thể được chỉnh sửa trong những năm tới.

Chris Varvares, người đứng đầu phòng kinh tế mỹ tại S&P Global, đưa ra một danh sách dài những nguyên nhân khiến nền kinh tế Mỹ trì trệ. Gói kích thích kỷ lục được tung ra vào năm 2020 và 2021 đang thu nhỏ với tốc độ nhanh chóng; lạm phát cao làm giảm sức mua thực tế của các hộ gia đình; Fed nâng lãi suất ngắn hạn để kiềm chế lạm phát, vắt kiệt thị trường nhà ở; sự gián đoạn các chuỗi cung ứng khiến nhiều công ty khó kiếm thiết bị để chế tạo sản phẩm.

Cộng tất cả các yếu tố trên, cùng một nền kinh tế vừa vực dậy sau đại dịch COVID-19 có rất nhiều động lực trong nửa sau của năm 2020 và 2021, nhưng đã mất trong năm 2022. “Nền kinh tế đã bị bóp nặn bởi một tập hợp lực lượng bất thường có liên quan tới đại dịch, các chính sách phản ứng với đại dịch, và giờ là cuộc chiến của Nga ở Ukraine,” ông Varvares nói. “Dù cho là đà tăng trưởng nông hay đà tăng trưởng thu hẹp, thì vẫn rất tồi tệ.”

Điều sẽ xảy ra tiếp theo còn tùy thuộc rất nhiều vào tình trạng lạm phát trong vài tháng tới.

Theo các đo lường được Fed tin dùng, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống còn 6,3% trong tháng 7, từ mức 6,8% trong tháng 6, một phần nhờ giá năng lượng giảm, dữ liệu công bố tuần trước cho thấy.

Nhiều người tham gia thị trường tài chính vẫn hy vọng rằng đà giảm lạm phát sẽ được duy trì và Fed sẽ giảm tốc tăng lãi suất. Trong viễn cảnh đó, chi tiêu tiêu dùng, đầu tư cho doanh nghiệp và thị trường nhà ở sẽ có sức bật trở lại, và nền kinh tế sẽ thoát khỏi tình trạng trì trệ, tăng trưởng lại.

Nhưng nếu giá năng lượng tăng trở lại do cuộc chiến ở Ukraine hoặc do các nhân tố khác, những cải thiện về lạm phát sẽ bị ảnh hưởng.

Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo rằng “cải thiện chỉ trong một tháng duy nhất còn lâu mới đủ” điều kiện mà ông cần để giảm lạm phát xuống mức mục tiêu 2%. Cảnh báo của ông đã xóa tan hy vọng của các thị trường.

Nếu lạm phát không giảm và Fed tiếp tục đưa ra phản ứng, cụ thể là tăng lãi suất, Mỹ có thể sẽ đi theo đà giảm mà bất cứ ai cũng phải nhất trí rằng nó chính là suy thoái./.

Theo Huyền Chi

Viettimes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên