Có tiền tiết kiệm thì đi vay ngân hàng làm gì?
Đại diện một công ty cho rằng ngân hàng yêu cầu có sổ tiết kiệm ngân hàng thì thế chấp bằng chính tài khoản tiết kiệm đó, nhưng nếu DN có tiền tiết kiệm ngân hàng thì đã không phải đi vay.
- 14-03-2019Vì sao doanh nghiệp Việt thích vay ngân hàng, ngại phát hành trái phiếu?
- 10-12-2018Mỗi tháng tốn 3 triệu thuê, mãi cũng không thành nhà mình, vợ chồng liền đi vay ngân hàng mua nhà, và kết quả...
- 17-09-2018Vì sao doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng?
Sáng 16-4, Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN), nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng hiện nay DN nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn khi đi vay vốn ngân hàng, trong khi đó nhu cầu của nhóm DN này là rất cao.
Thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch. Một số thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay. Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng.
Ông Nguyễn Văn Thân đề nghị hạ thấp điều kiện cho vay đối với DN nhỏ và vừa. Ảnh: TP
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận DN nhỏ và vừa còn chưa đảm bảo năng lực so với mặt bằng chung quốc tế (năng lực về lãnh đạo, quy mô sản xuất kinh doanh..).
Để tạo điều kiện cho nhóm DN này tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng, ông Thân đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét việc hạ thấp điều kiện cho vay , nếu không thì các DN này sẽ không vay được vốn.
Ông Thân cũng cho rằng giữa Ngân hàng Nhà nước và các DN cần đồng hành, ngồi lại trao đổi để tìm ra giải pháp tối ưu nhất.
Cùng chia sẻ về những khó khăn của phía DN, bà Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam, nhận định một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp.
Theo đó, khi mang hết tài sản đi thế chấp thì việc mở rộng sản xuất là rất khó khả thi. Hoặc ngân hàng yêu cầu có sổ tiết kiệm ngân hàng thì thế chấp bằng chính tài khoản tiết kiệm đó, nhưng nếu DN có tiền tiết kiệm ngân hàng thì đã không phải đi vay.
Chưa kể, thủ tục vay ngân hàng khó còn khiến nhiều DN nhỏ và vừa , siêu nhỏ ngại vay vốn nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen. Do vậy, ngành ngân hàng cần có các giải pháp để DN tiếp cận nguồn vốn tốt hơn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, khẳng định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho DN.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về nguồn vốn, tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của từng địa phương, trong tháng 4 và 5-2019, Ngân hàng Nhà nước tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - DN tại ba TP Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh