Có tới 20 triệu thùng dầu đang lênh đênh ngoài biển, EU đổ lỗi cho quốc gia này là nguyên nhân gây ra sự tắc nghẽn trên
Tự mình áp quy định riêng, quốc gia có khu vực eo biển vô cùng quan trọng đang khiến các tàu vận tải dù không chở dầu Nga cũng gặp khốn đốn.
- 10-12-2022Danh sách các nước áp giá trần đối với dầu mỏ của Nga tiếp tục kéo dài
- 10-12-2022Cao thủ không bằng tranh thủ - Hãng xe châu Âu lũ lượt rời khỏi Nga, ô tô từ quốc gia này đang từ từ 'nuốt trọn' thị phần
- 09-12-2022Chi gần 3 tỷ đồng để mua một chiếc xe sang BMW Series 5, chủ xe "cay đắng" phải đi xe buýt hàng ngày
20 triệu thùng dầu bị mắc kẹt ngoài khơi
Nhiều tàu chở dầu của Kazakhstan hiện đang bị kẹt lại ở Eo biển Bosphorus, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra yêu cầu về bảo hiểm mới với các tàu chở dầu của Nga đang chịu lệnh cấm của EU và giới hạn giá của G7.
Dầu Kazakhstan được các công ty như Chevron hay ExxonMobil sản xuất sẽ đi qua đường ống đến Nga, và được chất lên tàu hàng tại cảng Novorossiysk, rồi qua Eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ và đến Địa Trung Hải. Các quan chức có thể kiểm tra nguồn gốc của dầu thông qua vận đơn.
Một quan chức về giá trần cho hay: “Có vẻ như trong khoảng 20 tàu đang chờ đi qua eo biển Bosphorus, chỉ có một tàu là chở hàng không có nguồn gốc từ Kazakhstan. Những lô hàng này sẽ không trở thành đối tượng của trừng phạt hoặc áp giá trần".
Những con tàu đang bị kẹt lại tại Eo biển Bosphorus (Ảnh: CNBC)
Theo dữ liệu từ Marine Traffic, số tàu đang bị kẹt bên ngoài hai eo biển nói trên hiện đã lên tới 40 tàu, tăng gấp hơn 2 lần trong mấy ngày trở lại đây. Dựa trên số tàu, ước tính đang có 20 triệu thùng dầu, trị giá 1,2 tỷ USD bị kẹt.
Ông Nikos Pothitakis, phát ngôn viên của MarineTraffic cho biết: “Chúng tôi có thể thấy danh sách ngày càng nhiều các tàu chở dầu thô và hóa chất đang chờ đi qua eo biển Bosphorus từ cả hai phía, với nhiều điểm đến, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, ngoài ra còn có Ukraine, Georgia, Italy”.
Ở thời điểm ngày 8/12, trang CNN Business đã dẫn dữ liệu từ đại lý hàng hải Tribeca Shipping Agency, có 16 tàu chở dầu di chuyển từ Biển Đen bị kẹt lại bên ngoài eo biển Bosphorus dẫn vào Biển Marmara. Ngoài ra, còn có 9 tàu chở dầu khác bị kẹt bên ngoài eo Dardanelles dẫn vào Địa Trung Hải.
Lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ
Việc hàng chục tàu chở dầu mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ có nguyên nhân bắt nguồn từ việc phương Tây áp trần giá lên dầu thô Nga từ hôm thứ Hai tuần này. Sau khi trần giá có hiệu lực, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tàu chở dầu đi qua các eo biển trên phải có bằng chứng bảo hiểm được chi trả trong trường hợp xảy ra sự cố như va đụng hay tràn dầu.
Các quốc gia gồm Nga, Kazakhstan và Azerbaijan đều sử dụng các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ để đưa dầu thô ra thị trường quốc tế. Sau khi trần giá 60 USD/thùng được áp lên dầu Nga, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại nếu có những con tàu không được bảo hiểm khi đi qua hải phận nước này, khi sự cố xảy ra, bên bảo hiểm sẽ không chi trả.
Theo cơ chế trần giá, các tàu chở dầu Nga chỉ được các công ty bảo hiểm phương Tây cung cấp dịch vụ nếu lô dầu đó được bán với giá từ 60 USD/thùng trở xuống.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các tàu phải xuất trình chứng thư từ bên cung cấp bảo hiểm. “Thật khó hiểu khi các công ty bảo hiểm đặt ở Liên minh châu Âu (EU) lại từ chối cung cấp chứng từ này cho những con tàu thuộc về EU và chở dầu tới EU, trong khi lệnh trừng phạt đó lại do chính EU đặt ra”, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ nói trong một tuyên bố.
Thổ Nhĩ Kỳ đã nói rằng mức trần giá dầu của G7 đã làm tăng rủi ro đối với các tàu không có bảo hiểm trong vùng biển của họ (Ảnh: FT)
Hiệp hội P&I Quốc tế, nơi cung cấp bảo hiểm cho 90% hàng hóa ngành công nghiệp vận tải đường biển, tuyên bố không thể tuân thủ theo quy định của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một tuyên bố, liên minh này nói yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ “vượt quá thông tin bình thường”.
Lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu, giới chức phương Tây đang tích cực liên lạc với phía Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề. Trong một cuộc điện đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal rằng trần giá chỉ áp lên dầu Nga và “không cần thiết phải tăng cường kiểm tra tàu bè” đi qua lãnh hải Thổ Nhĩ Kỳ.
“Chính sách giá trần không yêu cầu tàu phải có bảo hiểm cho mỗi chuyến đi riêng lẻ, như quy định của Thổ Nhĩ Kỳ,” quan chức về giá trần nói với CNBC. “Những gián đoạn này là do quy định Thổ Nhĩ Kỳ, không phải chính sách giá trần".
Trước đó, Nga cho biết họ sẽ không bán dầu cho bất kỳ người mua nào tìm cách hợp tác với mức giá trần và đang tập hợp một “hạm đội tàu ngầm” để lách các hạn chế và tiếp tục vận chuyển dầu thô đến những người mua tích cực như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tham khảo: CNBC, FT
Nhịp sống thị trường