MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ vật, tranh Việt được đấu giá tiền tỷ trên sàn quốc tế năm 2022

29-12-2022 - 11:23 AM | Thị trường

Năm 2022 đánh dấu nhiều cổ vật, tác phẩm Việt được đấu giá trên sàn quốc tế. Đặc biệt những cổ vật thời Nguyễn được bán với giá cao như bát ngọc của vua Tự Đức, nghiên mực của vua Khải Định, ấn của vua Minh Mạng.

Cuối tháng 11, hãng Millon của Pháp chào bán ấn vàng Hoàng đế chi bảo của vua Minh Mạng với giá 2-3 triệu euro (48 đến 72 tỷ đồng). Sau đó, Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kế hoạch và đàm phán thành công để chuyển giao ấn về Việt Nam.

Cổ vật, tranh Việt được đấu giá tiền tỷ trên sàn quốc tế năm 2022 - Ảnh 1.

Ấn vàng

Nhiều cổ vật triều Nguyễn đạt mức giá cao trong các phiên đấu giá. Bát ngọc được giới thiệu của vua Tự Đức trong Bộ sưu tập của Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam - Mỹ thuật châu Á của Drouot với mức 845.000 euro (20,7 tỷ đồng). Bát làm bằng ngọc bích, phần thân khắc nổi hai con rồng đang bay lượn trên mây tìm ngọc thiêng. Phía ngoài của đáy bát có dấu chữ triện "Tự Đức niên tạo".

Cũng trong bộ sưu tập này, nghiên mực của vua Khải Định đạt giá 286.000 euro (7,02 tỷ đồng). Cặp hộp ngọc bích hình động vật ở thế kỷ 18, 19 đạt giá 221.000 euro (5,4 tỷ đồng). Hai tách trà men xanh lam thời vua Thiệu Trị được bán giá 104.000 euro (2,6 tỷ đồng).

Cùng phiên đấu giá với ấn vàng Hoàng đế chi bảo , bát vàng của vua Khải Định được Millon bán với giá 680.000 euro (16,7 tỷ đồng), chưa bao gồm thuế phí. Kim bài của triều đại vua Duy Tân (1907-1916) đạt mức 70.000 euro (1,7 tỷ đồng), gấp 8,7 lần mức dự đoán ban đầu.

Cổ vật, tranh Việt được đấu giá tiền tỷ trên sàn quốc tế năm 2022 - Ảnh 2.

Kim bài của triều đại vua Duy Tân (1907-1916) được bán với giá 70.000 euro (1,7 tỷ đồng). Ảnh:

Trong phiên Nghệ thuật châu Á 5.000 năm của Sotheby's Paris hồi tháng 4, long bào được cho là thuộc triều Nguyễn, thế kỷ 20 bán giá 35.549 euro (897 triệu đồng).

Cổ vật tại thời kỳ khác cũng bán được giá như tượng phật Quan Âm bằng đồng mạ vàng được giới thiệu xuất xứ từ thế kỷ 18 - bán giá 31.500 euro (791 triệu đồng) trong phiên Art d'Asie của Christie's hôm 16/12.

Bên cạnh cổ vật, nhiều tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam cũng thể hiện sức hút đối với giới sưu tập. Trong phiên đấu giá Peintres & Arts du Vietnam diễn ra hồi tháng 9/2021 của nhà đấu giá Aguttes, nhiều tác phẩm mỹ thuật của Việt Nam được bán với giá cao.

Bức La cérémonie du thé ( Trà đàm , mực và màu trên lụa, 55,8 cm x 55,8 cm, 1971) của hoạ sĩ Mai Trung Thứ được gõ búa với giá 560.000 euro (tương đương 14,7 tỷ đồng).

Cổ vật, tranh Việt được đấu giá tiền tỷ trên sàn quốc tế năm 2022 - Ảnh 3.

Bức

Bức La danse du foulard ( Điệu múa cổ , mực và màu trên lụa, 81 cm x 31 cm, 1979) của ông được trả giá khá cao: 200.000 euro (tương đương 5,2 tỷ đồng). Ngoài ra, tác phẩm Le tricot của họa sĩ Lương Xuân Nhị vẽ một người phụ nữ ngồi đan len cũng đã đạt mức 590.000 euro (tương đương 15,5 tỷ đồng).

Mới nhất, trong phiên đấu giá tại trung tâm Drouot ở Paris, Pháp diễn ra tối 4/10/2022, bức Chơi bài , Xem bói của họa sĩ Thang Trần Phềnh lần lượt được bán 780.000 euro (18,5 tỷ đồng), 715.000 euro (17 tỷ đồng). Đây là mức cao nhất của tranh Thang Trần Phềnh từ trước đến nay.

Cổ vật, tranh Việt được đấu giá tiền tỷ trên sàn quốc tế năm 2022 - Ảnh 4.

Tác phẩm

Giữa tháng 11/2022, Hãng Millon (Pháp) có thông tin về kết quả bán đấu giá thành công nhiều bức tranh của các danh họa Việt Nam, trong đó có bộ tứ lừng lẫy Sáng - Liên - Nghiêm - Phái, giá tranh có bức lên tới 180.000 euro (khoảng 4,6 tỷ đồng).

TS. Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế khẳng định cổ vật Việt Nam ở nước ngoài vẫn còn rất nhiều. Ông lấy dẫn chứng năm 1992, Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka (Nhật Bản) tổ chức triển lãm Betonamu no Toki (Gốm Việt Nam), giới thiệu 133 món đồ gốm Việt Nam có niên đại từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18, được huy động từ 13 bảo tàng trên khắp Nhật Bản. Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ có gần 3.000 cổ vật Việt Nam, bảo tàng Guimet ở Paris có hơn 100 cổ vật Champa…

Ông chỉ ra nhiều lý do dẫn đến thực trạng “chảy máu” cổ vật Việt Nam, một trong số đó do những người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang theo nhiều cổ vật gia truyền. Vì nhiều lý do, họ (hoặc người thân) rao bán cổ vật trong các cuộc đấu giá đồ cổ ở Paris, London, Frankfurt, Berlin, New York...

Những cổ vật này đã được các bảo tàng, các nhà sưu tập ở nước ngoài mua lại thông qua các phiên đấu giá. “Sau khi chiến tranh kết thúc, những người lính từng tham chiến ở Việt Nam đã nhặt nhạnh nhiều cổ vật mang về nước”, TS Trần Đức Anh Sơn nói thêm.

Theo Gia Linh - Ngọc Ánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên