Có vội vàng khi đưa lãi suất tiền gửi USD về 0%?
Nhiều chuyên gia tài chính đang cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có phần vội vàng khi đưa ra hai quyết định hạ lãi suất tiền gửi USD về 0% và không cho doanh nghiệp (DN) xuất khẩu vay ngoại tệ sau ngày 31/3/2016.
Người dân giờ đây thay vì gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài như trước, hiện người dân chỉ gửi không kỳ hạn. Tình trạng này khiến các ngân hàng (NH) bị động về nguồn vốn ngoại tệ cho vay và đứng trước rủi ro thanh khoản ngoại tệ
Rủi ro thanh khoản
Một lãnh đạo NHTM cho biết: “Việc NHNN quy định LS tiền gửi USD bằng 0% có giảm lượng người gửi tiết kiệm USD nhưng không làm giảm nhiều người nắm giữ USD”. Còn TS Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (Uỷ ban GSTCQG) cũng cho rằng: Trong khi NHNN ra sức chống USD hóa, thực tế người dân lại có tâm lý găm giữ USD nhiều lên.
Thay vì gửi tiết kiệm với kỳ hạn dài (6 tháng, 1 năm hoặc dài hơn) như trước đây, giờ người dân chỉ gửi không kỳ hạn. Tình trạng này khiến các ngân hàng bị động về nguồn vốn ngoại tệ cho vay và đứng trước rủi ro thanh khoản ngoại tệ.
“Lãi suất 0% là một ngưỡng tâm lý nặng nề đối với một quốc gia như Việt Nam - nơi mà người dân coi tiết kiệm là một kênh đầu tư. Việc NHNN đưa ngay LS tiền gửi USD về 0% trong năm 2015 là hành động quá sớm. Đáng lẽ ra NHNN nên để một mức LS tượng trưng khoảng 0,5-1%/năm để khuyến khích người dân tiếp tục gửi ngoại tệ có kỳ hạn vào NH”, chuyên gia tài chính nhận định.
Theo một chuyên gia tài chính, thời điểm 2015, NHNN có thể dùng cách khác để ngăn chặn tình trạng đô la hóa mà vẫn huy động được vốn ngoại tệ, đó là cho gửi USD có lãi nhưng khi rút ra thì chỉ được rút VND theo tỉ giá được các NHTM niêm yết tại thời điểm khách rút tiền.
Trong lưu thông tồn tại một lượng lớn USD trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ ở các NH, và người dân có quyền rút ra bằng ngoại tệ mà không bị pháp luật cấm. Đồng USD hiện vẫn là đồng tiền hợp pháp và được coi là một phương tiện cất trữ, thanh toán giữa người dân với nhau ở Việt Nam. Luật không cấm người dân quyền sở hữu và sử dụng USD, nên nếu dân có nhu cầu thanh toán cho nhau (dùng mua nhà đất, cổ phần, thuê bất động sản…) bằng đồng USD vẫn được chấp nhận.
USD vẫn và sẽ tiếp tục còn đổ vào Việt Nam thông qua kiều hối, du lịch, tiền công của người lao động ở nước ngoài gửi về. Với một nền kinh tế đang rất cần vốn thì đây là một lượng tiền cần phải được huy động.
DN xuất khẩu đang mất nốt lợi thế cuối cùng
Các NH hiện nay có hai nguồn vốn: Nguồn vốn nội tệ VND và nguồn vốn ngoại tệ (chủ yếu là USD). Trong đó nguồn vốn nội tệ có giá cao vì huy động LS cao, nguồn vốn ngoại tệ có giá thấp vì chi phí huy động thấp (0%). Nếu NH nào có cả hai nguồn vốn này để sử dụng thì chi phí huy động vốn bình quân sẽ giảm và khả năng giảm lãi suất cho vay sẽ lớn, DN vay được lợi, xã hội cũng sẽ được lợi.
Nay NH không thể cho vay ngoại tệ nhiều vì DN xuất khẩu chỉ được thực hiện vay đến hết ngày 31.3.2016. Như vậy, đa số nguồn vốn giá rẻ thì phải gửi ở nước ngoài kiếm lãi. Như vậy NH chỉ còn nguồn vốn nội tệ huy động giá cao thì khả năng giảm lãi suất cho vay rất khó.
Một chuyên gia tài chính nói: “DN xuất khẩu Việt Nam vốn đã khó khăn trăm bề, chỉ còn lợi thế được vay ngoại tệ với lãi suất thấp cũng bị chặn nốt thì lấy đâu ra sức cạnh tranh?”.
Kỷ luật thị trường bị vi phạm
Chính sách quản lý USD của NHNN có một số bất cập đã khiến kỷ luật thị trường tiền tệ sau một thời gian đã khá kỷ cương nay lại diễn ra tình trạng lách luật trong cả việc huy động và cho vay ngoại tệ. Tình trạng này đã được một số tờ báo, trong đó có báo Lao Động đưa tin.
Chính sách bất cập, không thực tiễn khiến các thành viên thị trường (DN, NH và người gửi tiền) tìm cách lách luật. Chi phí xã hội tăng, môi trường kinh doanh không minh bạch, kỷ luật thị trường xấu. Những việc như vậy, người gửi tiền/doanh nghiệp/ngân hàng biết, liệu NHNN có biết?
“Linh hoạt” là từ mà mấy năm gần đây NHNN thích dùng. Liệu thời gian tới NHNN có chủ động, linh hoạt điều chỉnh chính sách để phù hợp hơn với thực tiễn thị trường?
Lao động