Coca-Cola đang bán gì ở Việt Nam?
Tại Việt Nam, Coca-Cola từng lưu hành tới 11 nhãn hiệu riêng về thức uống, trong đó, nước có gas Coca-Cola và Coca-Cola Light là những sản phẩm quen thuộc nhất.
- 24-06-2016Quan điểm ngược trong vụ thu thuế Uber, Coca-Cola, Big C
- 17-06-2016Bộ Y tế thực hiện thanh tra tại công ty Coca-Cola Việt Nam
- 24-05-2016Chiến lược sinh tồn 'kỳ quặc' của Coca-cola, Pepsi: Khuyên khách hàng uống ít đi
Ngày 1/7, thông tin từ Bộ Y tế cho biết sẽ tạm dừng lưu thông 13 thực phẩm nước uống bổ sung của Coca-Cola trên toàn quốc. Ngay lập tức, trang web chính thức của Coca-Cola Việt Nam cũng không còn thông tin về các sản phẩm này trong danh mục của họ, chỉ còn giữ lại sản phẩm nước có gas truyền thống.
Tuy nhiên, trên trang web của Coca-Cola toàn cầu, phần giới thiệu về các sản phẩm tại Việt Nam vẫn nêu đầy đủ 11 nhãn hiệu của nhãn hàng này từng được lưu hành tại Việt Nam.
Các sản phẩm bao gồm: nước uống vận động Aquarius, nước soda Coca-Cola, Coca-Cola Light, nước uống bổ sung khoáng Dasani, nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost, nước tăng lực Samurai, nhãn nước cam Minute Maid, nước cam Fanta, nước giải khát có gas Sprite, nhãn hiệu Real Leaf và Schweppes.
Tuy nhiên, 13 sản phẩm thuộc 5 nhãn hiệu của Coca-Cola đang lưu hành tại Việt Nam lại chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung, nên bị buộc dừng lưu thông.
Thực tế, có khá nhiều sản phẩm bị dừng lưu thông ở Việt Nam của Coca-Cola cũng được bày bán tại nhiều thị trường khác trên thế giới, trong đó có Mỹ. Tại Mỹ, Coca-Cola từng lưu hành các nhãn hiệu như Aquarius, Dasani hay Minute Maid.
Trên thực tế, những sản phẩm của Coca-Cola đã xâm nhập vào việt Nam từ năm 1960, chủ yếu ở mảng nước uống có gas truyền thống. Năm 1994, công ty này bắt đầu chính thức kinh doanh ở Việt Nam.
Tháng 8/1995, Coca Cola Đông Dương và công ty nông nghiệp và thực phẩm Vinafimex thành lập liên doanh đặt trụ sở tại miền Bắc. Tuy nhiên phía Vinafimex đã bán lại 30% cổ phần cho Coca Cola sau nhiều năm thua lỗ triền miên với giá khoảng 2 triệu USD.
Tháng 1/1998, tập đoàn Coca Cola lập thêm một liên doanh với công ty nước giải khát Đà Nẵng đặt tên Coca Cola Non Nước đặt tại miền Trung. Ngoài ra còn một liên doanh khác của Coca Cola đặt tại miền Nam là Coca Cola Chương Dương.
Tháng 10/1998, Chính phủ cho phép các công ty Liên doanh trở thành công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, các liên doanh này này lần lượt thuộc sở hữu hoàn toàn của Coca-Cola Đông Dương khi công ty này lần lượt mua lại cổ phần của đối tác Việt Nam.
Từ tháng 3 đến tháng 8/1999, 3 liên doanh lần lượt chuyển hình thức sở hữu. Đến tháng 6/2001, 3 công ty này hợp nhất thành một và quản lý bởi Coca-Cola Việt Nam. Việc hợp nhất 3 nhà máy thuộc 3 công ty này có tổng công suất khổng lồ gần 400 triệu lít.
Năm 2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca-Cola tuyên bố sẽ rót thêm 300 triệu USD vào Việt Nam trong 3 năm tới, đưa tổng vốn đầu tư lên nửa tỷ USD trong 5 năm. Năm 2014, Coca-Cola đầu tư thêm 210 triệu USD để mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện tại, Coca-Cola có trụ sở sản xuất và kinh doanh tại 7 tỉnh thành phố, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hoà và Nghệ An. Tại Việt Nam, trong hàng thập kỷ qua, Coca-Cola luôn nằm trong top 5 thương hiệu có thị phần cao nhất của ngành đồ uống.
Theo Bộ Y tế, 13 sản phẩm của Coca-Cola bị buộc dừng lưu hành gồm: Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.
Trí thức trẻ/Sohanews