MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn ác mộng tồi tệ nhất với chuỗi cung ứng bắt đầu trở thành sự thực: Trung Quốc phát hiện thêm Omicron ở một thành phố cảng huyết mạch

13-01-2022 - 14:51 PM | Tài chính quốc tế

Cơn ác mộng tồi tệ nhất với chuỗi cung ứng bắt đầu trở thành sự thực: Trung Quốc phát hiện thêm Omicron ở một thành phố cảng huyết mạch

Trung Quốc vừa phát hiện biến thể Omicron ở Đại Liên, thành phố cảng lớn nhất miền bắc đất nước, làm gia tăng lo ngại về sự gián đoạn hơn nữa của chuỗi cung ứng.

Theo thông tin mới nhất, Trung Quốc vừa ghi nhận ca mắc ở thành phố cảng Đại Liên, đô thị với 7 triệu dân. Bệnh nhân này không có triệu chứng nhưng được phát hiện dương tính sau khi trở về từ trường đại học ở thành phố Thiên Tân gần đó, nơi ít nhất 137 trường hợp dương tính với Covid-19 đã được ghi nhận.

Ngoài ra, một trường hợp khác ở Đại Liên cũng được ghi nhận mắc Covid-19 nhưng không rõ biến thể người này mắc là gì.

Như vậy, Đại Liên - thành phố cảng lớn thứ 2 của Trung Quốc, đã gia nhập của Thiên Tân trong việc ghi nhận ca mắc Covid-19 biến chủng Omicron. Các cảng ở 2 thành phố này đều nằm trong nhóm 20 cảng lớn nhất thế giới, xử lý tổng cộng 25 triệu conteiner vào năm 2020. Khu vực này cũng đóng vai trò là trung tâm sản xuất chính cho các công ty nước ngoài như Airbus và Volkswagen.

Theo các nhà giao nhận vận tải, trong bối cảnh sự chậm trễ do Covid-19 gây ra ở Bắc Kinh và các nơi khác, những con tàu đang hướng tới Thượng Hải, gây ra tình trạng tắc nghẽn ngày càng tăng. Điều này đã làm chậm lịch trình của các tàu container khoảng 1 tuần. Ảnh hưởng từ sự ách tắc tại Trung Quốc có thể lan tới tận Mỹ và châu Âu.

Tiếp theo đó, sự lan rộng của biến thể Omicron tiếp tục là tin xấu đối với Trung Quốc. Chỉ còn 3 tuần nữa, Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội mùa đông. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp cứng rắn nhất thế giới trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Các quan chức ở Thiên Tân đã đóng cửa các trường học, nhà hàng và các cơ sở giải trí sau khi có hàng chục người dương tính với Covid-19. Đi lại ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Khi thành phố gia tăng các biện pháp phòng dịch, Toyota đã đình chỉ hoạt động tại nhà máy liên doanh sản xuất ô tô tại Thiên Tân, thành phố 13 triệu dân. Các doanh nghiệp khác có thể cũng sẽ làm theo. Các công ty Nhật Bản khác, bao gồm Sony và Panasonic, có nhà máy ở Đại Liên, làm dấy lên khả năng họ sẽ phải đóng cửa các nhà máy này.

Cách Thiên Tân nửa tiếng đi tàu và cách Đại Liên vài giờ, Bắc Kinh cũng đang tiến hành các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Báo chí Bắc Kinh cho biết, khi Thế vận hội và Tết Nguyên đán đang đến gần, mọi người được khuyến khích chỉ nên ở nhà vào những ngày nghỉ. Chưa rõ Đại Liên có ban hành những khuyến cáo tương tự hay không.

Việc Trung Quốc kiên trì với chiến lược Zero Covid khiến nhiều người lo ngại về sự ách tắc chuỗi cung ứng khi dịch bệnh bùng lên. Đặc biệt, biến thể Omicron, với khả năng lây lan mạnh hơn, có thể khiến Trung Quốc mất nhiều thời gian để dập dịch, dẫn tới việc các hoạt động sản xuất, vận tải bị đình trệ.

Sau đợt bùng phát dịch đầu tiên, Trung Quốc khá thành công trong việc kiểm soát Covid-19. Chính vì thế, hoạt động sản xuất ở Trung Quốc vẫn khá thuận lợi trong thời gian qua. Tuy nhiên, các đợt bùng phát ngày một nhiều, với chu kỳ ngắn hơn, đặt ra thách thức to lớn với chiến lược chống dịch của Bắc Kinh - nhất là khi chỉ một vài ca mắc có thể dẫn tới việc đóng cửa cả một thành phố hàng chục triệu dân.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên