MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Cơn bão lửa’ tại 1 công ty 80 tỷ USD: Bị tố tùy ý thu hồi cổ phần từ cựu nhân viên, ép họ ký thỏa thuận bất thường nếu không muốn mất hàng triệu USD

24-05-2024 - 12:19 PM | Tài chính quốc tế

Nội bộ công ty đang sục sôi.

Nhân viên OpenAI nếu muốn rời công ty sẽ phải ký những thỏa thuận ‘nghiêm ngặt đến mức bất thường’. Nếu từ chối, họ sẽ bị tước quyền sở hữu cổ phần được chia trong công ty. Thông tin, sau khi được đưa ra bởi Vox, đã gây ra một ‘cơn bão lửa’ tại một công ty đang được định giá 80 tỷ USD.

Như nhiều startup ở Thung lũng Silicon, nhân viên OpenAI sẽ nhận một phần thu nhập dưới dạng cổ phiếu. Họ tin mình đã được ‘trao quyền sở hữu’ vào thời gian đề cập trong hợp đồng, vậy nên không có nghĩa vụ trả lại cho OpenAI.

Một ngày sau bài báo, CEO Sam Altman đã đăng bài xin lỗi: “Chúng tôi chưa bao giờ lấy lại cổ phần đã chia của bất kỳ ai và cũng sẽ không làm điều đó nếu mọi người không ký vào thỏa thuận. Cổ phần đã chia nghĩa là đã chia, chấm hết. Có một điều khoản về khả năng hủy bỏ vốn sở hữu trong các tài liệu trước đây, song thực tế là chúng tôi chưa bao giờ lấy lại bất cứ thứ gì. Tôi không biết điều này đang xảy ra và lẽ ra tôi nên biết sớm hơn”.

Kết bài viết, Sam Altman khẳng định ông “không biết công ty có điều khoản đe dọa tới quyền sở hữu cổ phần và hứa sẽ không để điều đó xảy ra”.

Trong thông điệp gửi tới nhân viên, Jason Kwon, Giám đốc chiến lược OpenAI, cũng thừa nhận điều khoản đặc biệt trên đã có từ năm 2019 song đến tận bây giờ mới được phát hiện ra. “Để sự việc kéo dài đến vậy là lỗi của tôi”, Jason Kwon nói.

Tuy nhiên, theo một số tài liệu nội bộ Vox thu thập, OpenAI đôi khi vẫn có quyền tùy ý thu hồi cổ phần từ cựu nhân viên hoặc ngăn họ bán chúng. Tài liệu được ký vào ngày 10/4/2023 bởi Altman dưới tư cách CEO OpenAI.

Khi được hỏi bằng cách nào Altman không hay biết về điều khoản này, Kwon không thể trả lời trực tiếp: “Chúng tôi xin lỗi vì đã khiến những nhân viên luôn làm việc hết mình phải lo lắng. Chúng tôi đang cố gắng sửa đổi nhanh nhất có thể và nỗ lực hơn nữa để cải thiện mình”.

Theo hai trường hợp Vox xem xét, các cựu nhân viên OpenAI có 1 tuần để quyết định xem nên chấp nhận chỉ đạo của OpenAI hay đánh mất số tiền có thể lên tới hàng triệu USD. Khi những người này yêu cầu thêm thời gian để tìm kiếm sự trợ giúp từ phía luật sư, OpenAI sẽ phản kháng kịch liệt.

“Thỏa thuận chấm dứt yêu cầu bạn phải có chữ ký trong vòng 7 ngày”, một đại diện công ty đã trả lời email một nhân viên như vậy. “Bạn phải hiểu rằng nếu bạn không ký, điều đó sẽ ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu của bạn. Chúng tôi chỉ làm mọi việc theo đúng quy định”.

Hầu hết các nhân viên cũ đều chịu áp lực rất lớn. Số khác kiên trì phản kháng sẽ tiếp tục phải đối mặt với “công cụ trả thù hợp pháp” mà OpenAI đưa ra: ngăn cản hoạt động bán vốn sở hữu.

“Trong tương lai, bạn sẽ không còn đủ điều kiện tham gia vào các sự kiện mua bán hoặc đảm bảo thanh khoản khác. Một là bạn ký, hai là bạn từ bỏ cơ hội bán cổ phần”, một tài liệu viết.

‘Cơn bão lửa’ tại 1 công ty 80 tỷ USD: Bị tố tùy ý thu hồi cổ phần từ cựu nhân viên, ép họ ký thỏa thuận bất thường nếu không muốn mất hàng triệu USD- Ảnh 1.

CEO Sam Altman

Vox đã liên hệ với OpenAI để làm rõ vấn đề. Đại diện phát ngôn của công ty cho biết: “Trong lịch sử, các nhân viên cũ đều đủ điều kiện bán cổ phần bất kể vị trí nào. Không rõ ai đã nói với nhân viên rằng họ sẽ mất quyền bán nếu không ký văn bản”.

Không dừng lại ở đó, các tài liệu nội bộ mà Vox xem xét còn cho thấy bất kỳ nhân viên bị sa thải nào cũng sẽ phải đối diện với thực tế rằng cổ phần có thể giảm xuống bằng 0. Công ty toàn quyền quyết định việc nhân viên nào được phép tham gia vào các đợt chào mua công khai.

“Những tài liệu đó được cho là giúp công ty đặt sứ mệnh xây dựng an toàn lên hàng đầu, song lại vô hình chung trả đũa những nhân viên rời đi”, một nguồn tin thân cận với công ty nói.

OpenAI từ lâu đã định vị mình là một công ty đạt tiêu chuẩn cao. Lãnh đạo rao giảng rất nhiều về trách nhiệm của họ đối với sự minh bạch và dân chủ. “Nỗi sợ lớn nhất của tôi là công ty sẽ gây ra tác hại đáng kể cho thế giới”, Sam Altman nói.

“Chúng tôi chưa và sẽ không bao giờ lấy đi vốn chủ sở hữu, ngay cả khi mọi người không ký thỏa thuận. Chúng tôi đang sửa đổi điều khoản và sẽ thông báo đến các nhân viên cũ. Chúng tôi vô cùng xin lỗi. Sự cố đó không phản ánh giá trị của chúng tôi”, đại diện OpenAI nói.

Trước đó, OpenAI từng dính nhiều bê bối mâu thuẫn nội bộ. Lãnh đạo nhóm Superalignment là Ilya Sutskever và Jan Leike đã đệ đơn xin từ chức.

Được biết, vai trò của nhóm Superalignment là giải quyết những thách thức kỹ thuật cốt lõi của việc liên kết siêu trí tuệ, đồng thời nghiên cứu về các AI siêu thông minh, có khả năng đánh lừa và chế ngự con người. Quyết định giải thể cho thấy một nội bộ lục đục tại OpenAI sau cuộc khủng hoảng quản trị hồi tháng 11/2023. Hai nhà nghiên cứu Leopold Aschenbrenner và Pavel Izmailov cũng bị sa thải vì làm rò rỉ bí mật công ty, trong khi một thành viên khác là William Saunders quyết định rời OpenAI vào tháng 2. Theo thông tin đăng tải trên LinkedIn, trưởng nhóm nghiên cứu về các lĩnh vực chính sách Cullen O'Keefe cũng từ chức.

Không có dấu hiệu nào cho thấy làn sóng thôi việc tại OpenAI có liên quan việc tạo ra các AI siêu thông minh của công ty. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới nhất làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư, rủi ro an ninh mạng và khả năng con người bị AI thao túng. Trước đó, CEO Sam Altman cũng từng xung đột với ban quản trị về vấn đề này.

Theo: Vox, BI


Theo Vũ Anh

An ninh tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên