MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Cơn bão tài chính mới' liệu có ập tới châu Á?

02-07-2022 - 11:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường tài chính khu vực châu Á đã biến động mạnh sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/6 công bố kết quả cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất với quyết định tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, mức tăng cao nhất trong gần 30 năm qua. Đây được xem là hành động mạnh mẽ của Fed thể hiện quyết tâm kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Fed cũng bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán từ ngày 1/6/2022 và lên kế hoạch cắt giảm lượng tài sản nắm giữ trị giá khoảng 47,5 tỷ USD mỗi tháng và sẽ tăng lên 95 tỷ USD/tháng sau ba tháng tới. Động thái này của Fed khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về khả năng nền kinh tế toàn cầu rơi vào “vũng lầy suy thoái”.

Có thể nói động thái thắt chặt tiền tệ khác thường của Fed là nhằm chấm dứt môi trường chính sách tiền tệ siêu lỏng được thực hiện trong đại dịch COVID-19, cũng như để bù đắp cho những sai lầm trong chính sách của năm 2021, thời điểm Fed khẳng định “lạm phát chỉ là nhất thời”. Giới chuyên gia cũng cho rằng Fed có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất, với các mức tăng thêm 0,5 hoặc 0,75 điểm phần trăm và tốc độ tăng sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế trong tương lai. Đến thời điểm cuối năm 2022, lãi suất của Fed có thể được nâng lên mức 3-3,5%.

Tác động dây chuyền

Chính sách tiền tệ “mạnh tay” của Fed không chỉ có tác động lớn đến kinh tế Mỹ mà còn kéo các ngân hàng trung ương toàn cầu vào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, gây ảnh hưởng đáng kể cho tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ngay sau khi Fed tăng lãi suất, một loạt ngân hàng trung ương các nước châu Á đã có điều chỉnh lãi suất ngay lập tức, với hầu hết các ngân hàng trung ương đều tăng lãi suất từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã ngay lập tức tăng 0,75 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, bám sát lãi suất của Fed vì đồng đô la Hong Kong (HKD) là đồng tiền neo rất chặt chẽ với đồng USD.

Việc Fed tăng lãi suất khiến một loạt đồng tiền trên thế giới bị mất giá so với đồng USD. Trong phiên 13/6 vừa qua, đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2002 so với đồng USD (ở mức 134,96 yen đổi 1 USD), do các nhà đầu tư lo ngại khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ sẽ còn nới rộng nếu Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát.

Sự giảm giá nhanh của đồng yen đã khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại, dẫn tới làn sóng bán tháo đồng yen và khiến tỷ giá giữa hai đồng tiền đã có lúc vượt mốc 135 yen đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 2/2002. Đồng yen có thể tiếp tục giảm do chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Fed ngày càng ngược chiều.

Lạm phát tại Nhật Bản hiện vượt mức mục tiêu 2% mà BoJ đề ra, chủ yếu do sự gia tăng mạnh của giá năng lượng và hàng hóa đã gây áp lực cho các hộ gia đình. Giá tiêu dùng tăng cao cũng tạo áp lực buộc BoJ phải tính đến kịch bản nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Tuy nhiên, BoJ hiện vẫn duy trì biện pháp kích thích tiền tệ lớn khi tìm cách duy trì lạm phát ổn định ở mức 2% ngay cả khi đồng yen yếu hơn. Chính phủ Nhật Bản cho rằng chưa đến lúc bắt buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng thời nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là tiếp tục kiên trì với chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ như hiện tại và từ đó hỗ trợ vững chắc hoạt động kinh tế (giữ nguyên mức lãi suất - 0,1% được áp dụng từ năm 2016). Tại cuộc họp ngày 17/6 vừa qua, BoJ nhắc lại cam kết mua nhiều trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm nếu cần, để giữ lợi suất không quá 0,25% bất chấp việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn tương đương ở Mỹ đã tăng mạnh lên hơn 3,2% và đồng yen xuống mức thấp nhất so với đồng USD.

Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (Ngân hàng trung ương) ngày 8/6 vừa qua đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên 4,9%, nhằm kiềm chế lạm phát. Mặc dù kinh tế Ấn Độ vừa hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, song hiện nước này đang phải đối mặt với chi phí ngày càng tăng khi giá các mặt hàng thế giới đều tăng cao. Trong bốn tháng đầu năm 2022, lạm phát giá tiêu dùng ở Ấn Độ liên tục cao hơn mức mục tiêu 2 - 6%, lên tới 7,79% và là mức cao nhất trong 8 năm qua.

Tại Hàn Quốc, lần đầu tiên sau hai năm, cả ba chỉ số kinh tế chính của Hàn Quốc đều giảm vào tháng 4/2022, một phần do giá nguyên liệu thô cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc đồng won của Hàn Quốc lần đầu tiên trong 13 năm rơi xuống ngưỡng 1.300 won đổi 1 USD đã làm gia tăng lo ngại về khả năng lãi suất cơ bản và thâm hụt thương mại tăng, và các vấn đề khác có thể tiếp tục làm chậm đà phục hồi của nền kinh tế “xứ sở Kimchi”.

Các nhà phân tích nhận định việc đồng won giảm xuống ngưỡng 1.300 won đổi 1 USD là rất hiếm và do đó được coi là “dấu hiệu của những rủi ro kinh tế lớn”. Dự báo đồng nội tệ của Hàn Quốc có thể tiếp tục mất giá so với "đồng bạc xanh" và chạm mức 1.350 won đổi 1 USD, khiến nhiều nhà đầu tư bán đồng won để đổi lấy tài sản trú ẩn an toàn hơn.

Liệu có xảy ra “cơn bão tài chính mới” ở châu Á?

Cơn bão tài chính mới liệu có ập tới châu Á? - Ảnh 1.

Đồng đô-la Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

 


Giới chuyên gia cho rằng có hai yếu tố chính thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD hiện nay. Thứ nhất là Fed thắt chặt chính sách tiền tệ (kể từ tháng 3/2022) và sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2022 nhằm kiềm chế lạm phát; thứ hai là hiệu ứng “trú ẩn an toàn” của USD trong giai đoạn bất ổn địa chính trị.

Một số chuyên gia so sánh tình trạng kinh tế hiện tại với cú sốc dầu mỏ (trong những năm 1970) khi thế giới phải hứng chịu lạm phát và suy thoái kinh tế cùng một lúc. Các nước có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguy hiểm hơn với chuỗi giá trị toàn cầu đan xen chặt chẽ hơn, có thể dẫn đến một “cơn bão hoàn hảo” chưa từng có trong lịch sử.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế thế giới sẽ không bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm và lạm phát kéo dài do các điều kiện kinh tế hiện nay đã có nhiều thay đổi đáng kể so với những năm trước đây. Cụ thể, các nền kinh tế tiên tiến đã chuyển sang ít sử dụng năng lượng hơn (sau cú sốc giá dầu trong những năm 1970 và đầu những năm 1980) và điều này có thể làm giảm tác động của giá dầu cao hơn. Bên cạnh đó, tỷ trọng của sản lượng công nghiệp trong tổng hoạt động kinh tế cũng đã giảm.

Ngân hàng trung ương các nước trở nên độc lập và có khuôn khổ chính sách tiền tệ mạnh mẽ và các nhà quản lý cũng hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc ổn định tình hình lạm phát. Các nền kinh tế tiên tiến cũng trở lên linh hoạt hơn với những thay đổi trên thị trường lao động. Điều này giúp làm giảm nguy cơ "sốc" nguồn cung tiêu cực dẫn đến vòng xoáy giá cả - tiền lương.

Số tiền tiết kiệm được tích lũy trong thời kỳ đại dịch có thể được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt thu nhập và ảnh hưởng của lạm phát đối với hộ gia đình. Ngoài ra, áp lực nguồn cung cũng sẽ giảm xuống khi các nước mở cửa biên giới trở lại và nhiều người tham gia lực lượng lao động hơn.

Các nền kinh tế của châu Á cũng được dự báo sẽ có khả năng chống chọi tốt với đà tăng của USD, khi tăng trưởng của các quốc gia này sẽ được lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế khi những biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 được dỡ bỏ hoàn toàn.

Bên cạnh đó, các nước này cũng có thể có được một số khả năng cạnh tranh về xuất khẩu khi đồng nội tệ yếu hơn. Ngược lại, thách thức đối với các nước này là chi phí nhập khẩu lương thực và năng lượng cao, cũng như tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở các thị trường xuất khẩu lớn.

Không giống như trong cuộc khủng hoảng châu Á năm 1997 - 1998, hầu hết các quốc gia trong khu vực hiện nay đều có đủ dự trữ để bảo vệ đồng nội tệ của mình. Các “Thỏa thuận hoán đổi tiền tệ” mới hình thành cũng sẽ giúp các nước này giảm bớt sự phụ thuộc vào USD trong thanh toán, giao dịch. Nói cách khác, mặc dù tác động từ việc đồng USD trở lên mạnh hơn là rất lớn song các quốc gia châu Á vẫn có thể kiểm soát được tình hình, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.

Theo Anh Nguyên

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên