MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con chồng càng hoàn hảo càng ngứa mắt, lý lẽ của dì ghẻ khi "hiện nguyên hình"

08-01-2022 - 10:16 AM | Sống

Con chồng càng hoàn hảo càng ngứa mắt, lý lẽ của dì ghẻ khi "hiện nguyên hình"

Với kinh nghiệm 8 năm nghiên cứu và tư vấn hôn nhân cho nhiều “dì ghẻ”, mẹ kế, chị Ánh Đặng đã lý giải một số biểu hiện tâm lý của họ.

Master coach Ánh Đặng (Trung tâm tư vấn hôn nhân Love tech) chia sẻ, trong nhiều năm làm nghề, chị có cơ hội tiếp xúc, trò chuyện với những phụ nữ gặp bế tắc trong hôn nhân. Nhiều thân chủ của chị là người thứ ba, là “dì ghẻ”, mẹ kế không cảm thấy hạnh phúc với hôn nhân bên chồng đã có con riêng.

Dù mỗi người mỗi chuyện, nhưng tâm lý của các thân chủ này có nhiều điểm tương đồng, đặc biệt là cảm giác không được thỏa mãn, không hạnh phúc. Bản thân những người phụ nữ này, đâu đó về ý thức họ rất muốn yêu con chồng, muốn sống yên ấm với tổ ấm có sự hiện diện của con chồng; nhưng tiềm thức trong họ lại có tiếng nói khác.

Con chồng càng hoàn hảo càng ngứa mắt, lý lẽ của dì ghẻ khi hiện nguyên hình - Ảnh 1.

Master coach Ánh Đặng

Khi có cam kết hôn nhân, nhiều “dì ghẻ” hiện nguyên hình

Nhiều người cho rằng, các “dì ghẻ” ngay từ đầu đã không ưa con riêng của chồng, như chị Ánh Đặng tiết lộ, tâm lý này chỉ xuất hiện khi người đàn ông cam kết hôn nhân (chung sống một nhà, đưa thẻ lương, cầu hôn, hứa hẹn ngày cưới…).

Chị phân tích, phần lớn các “dì ghẻ” muốn chứng tỏ với bạn trai và gia đình anh ta rằng cô ấy là người phụ nữ tuyệt vời, chứng tỏ với đứa trẻ rằng “cô là nàng tiên của đời con”. Họ sẽ tìm cách thể hiện mình sẽ yêu thương, chăm sóc đứa trẻ.

Họ chủ động mua quà cáp, đón đưa đi học, dẫn đi chơi, thậm chí chủ động đóng tiền học phí cho bé… để người đàn ông gạt bỏ lo ngại về tương lai. Khi đó, không phải họ sử dụng thủ đoạn mà họ yêu thật, yêu dâng hiến, dốc lòng dốc ruột và tin rằng mình có thể trở thành mẹ mới của đứa trẻ.

Nhưng khi có cam kết hôn nhân, họ lập tức bước vào tâm thế khác. 

Một thân chủ của chị Ánh có 4 năm ngoại tình với bạn trai (có gia đình và con riêng), cho đến khi anh ta ly hôn với vợ và cầu hôn cô. 

Cô ấy kể lại: “Em sôi máu khi anh ấy hẹn em đi chơi nhưng lại hủy vì đi họp phụ huynh cho con, hoặc đưa đón con đi học. Em cảm thấy bị anh ấy bỏ rơi em, coi thường và không giá trị bằng con anh ấy. Mỗi khi bạn bè em hay nhà nội khen con bé xinh, học giỏi, em lại không chịu nổi. Em lo nếu về ở với nhau, anh sẽ dành tình cảm cho con nhiều hơn mình.”.

Coach Ánh Đặng phân tích, đây là diễn biến tâm lý rất thông dụng của những người mẹ kế. Khi không cần chinh phục người đàn ông kia nữa, họ sống thật, hay nói cách khác “hiện nguyên hình”. Từ trong vô thức họ vẫn có sự ghen tức với đứa trẻ. 

Con chồng càng hoàn hảo càng ngứa mắt, lý lẽ của dì ghẻ khi hiện nguyên hình - Ảnh 2.

Xét về khía cạnh bản năng tự nhiên, đó là nguyên lý tròn tổ (tương tự như bản năng của các loài động vật có kết đôi). Trong tổ chỉ có chim trống và mái (và các con do cặp này sinh ra), không chấp nhận một “con giống ngoại lai” nở trong tổ của mình. 

Mẹ kế khó hạnh phúc vì luôn có cảm giác bị yếu tố ngoại lai rình rập. Hiềm khích ở đây do họ nhìn đứa trẻ con riêng như quả trứng khác, dòng máu khác, gene khác, "con giống ngoại lai" trong tổ. Sự hậm hực càng gia tăng khi đứa trẻ đó xinh đẹp, thành đạt, hạnh phúc, ngoan ngoãn, được yêu quý.

Ngay cả khi đứa trẻ con riêng không hoàn hảo, một số mẹ kế cũng dè bỉu, sỉ vả, đánh đập để chứng tỏ mình tốt hơn, có quyền lực hơn. Thẳm sâu trong đó là nỗi lo sợ bị bỏ rơi, sợ bị so sánh với vợ cũ và với đứa trẻ.

Nhiều mẹ kế cũng chịu áp lực lớn khi bị dè bỉu là người đến sau nên sự sân hận tăng lên, hiếm khi họ có cảm giác không cần chiến đấu. Dù vậy, cái tôi xã hội “ép” họ luôn phải tỏ ra là người bao dung, tuyệt vời, tử tề, đi ngược với định kiến. Sự mâu thuẫn kiểu trong héo ngoài tươi như thế khiến họ càng lúc càng rối nhiễu, nhiều người vì thế mà trút lên đầu đứa trẻ.

Những cô nàng chỉ thích “săn” đàn ông có vợ con

Ánh Đặng cũng gặp nhiều cô gái “săn” đàn ông có vợ con. Những tuýp này có sở thích đặc biệt, không yêu được đàn ông độc thân mà chỉ hứng thú với người đàn ông có vợ và có con.

Giải mã theo phân tâm học của Freud, có thể khi còn nhỏ họ không được cha yêu quý, quan tâm, tình cảm của cha dành cho mẹ nhiều hơn, họ bị bỏ rơi về mặt cảm xúc. Từ đó mà họ khao khát trả thù mẹ mình bằng cách yêu đương với những đối tượng đang có vợ, có con riêng hoặc đã bỏ vợ và có con. Đứa con và người vợ chưa ly hôn là hình ảnh phóng chiếu, ẩn dụ của người mẹ trong quá khứ, họ phải chiếm được người đàn ông để chiến thắng mẹ mình.

Những nhóm “dì ghẻ” kiểu này thường ghét, “ngứa mắt” với con chồng từ khi mới yêu đương. Một thân chủ có 5 mối tình toàn là đàn ông có vợ và có con riêng của Ánh Đặng kể: “Người yêu em sống với hai con, và anh giao cho em dạy con anh. Trước mặt anh, em đối xử tốt nhưng sau lưng em đánh đứa nhỏ. Bố nó biết nhưng không nói gì, anh nể và chiều em, nói rằng con anh cũng như con em, chúng ta có quyền được dạy, được mắng...

Nhưng lâu dần đứa bé nó mách mẹ, người mẹ phản ứng, gia đình chồng tương lai cũng muốn ngăn cản tình yêu của chúng em. Mẹ chúng nó đòi đón con về, nhưng em không cho. Anh mà không ở cùng con, em sẽ chia tay.”.

Chị phân tích, rối nhiễu tâm lý khiến những cô gái thuộc kiểu này có khoái cảm khi chiến đấu với đứa trẻ con riêng của chồng, đánh chửi, hành hạ chúng để thỏa mãn sự bất lực trong quá khứ. 

Họ sẽ làm mọi cách để bố đứa trẻ yêu mình, như một cách bù đắp lại sự thiếu hụt sự yêu thương ở tuổi thơ. Họ không thể yêu thương nhưng cũng không muốn rời đứa trẻ vì khao khát “quyền lực”, sự thích thú khi hành hạ em bé.

Trẻ con đâu phải tài sản mà trả về với mẹ là xong

Với tư cách một người tư vấn hôn nhân, Ánh Đặng chia sẻ, bản thân chị không đồng tình, nhưng cũng thương cho các thân chủ của mình. Mặt khác, nếu vấn đề của các “dì ghẻ” không được giải quyết, có thể những đứa trẻ con riêng phải chịu hậu quả.

Trước quan điểm “dì ghẻ” không muốn nuôi thì trả bọn trẻ cho mẹ ruột của chúng, Ánh Đặng cho rằng, trẻ con không phải tài sản để nói trả là trả, giành là giành. Mỗi một thay đổi lớn như thế đều làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.

Trước hết là về phía mẹ ruột của bọn trẻ. Không phải người mẹ nào cũng có đủ điều kiện, tài chính, thời gian, sẵn sàng về tâm lý... để nhận trách nhiệm nuôi tất cả con. 

Con chồng càng hoàn hảo càng ngứa mắt, lý lẽ của dì ghẻ khi hiện nguyên hình - Ảnh 3.

Trong nhiều trường hợp, người mẹ kế còn “xui” để người đàn ông nhận nuôi con. Đó thường là những người đàn ông đem lại nhiều lợi ích. Khi thuyết phục được người bố đem hết con riêng về nuôi, mẹ kế dễ dàng kiểm soát người bố hơn (không còn cớ gặp vợ cũ). 

Thậm chí, nhiều người sẽ vun vén, động viên bố cho bọn trẻ học trường tốt nhất, tạo điều kiện tốt nhất để tỏ ra mình có quan tâm đến chúng, để không ai có cớ nhắc đến chuyện “trả” trẻ con về với mẹ nó. 

Những người mẹ kế kiểu này tìm cách thao túng vì sợ bị chia sẻ tình cảm và tài chính. Có trường hợp họ không đánh hay mắng, cung cấp vật chất đầy đủ nhưng bỏ rơi cảm xúc của đứa trẻ. Khi mẹ ruột bọn trẻ muốn đến gặp, họ tìm cách kiếm cớ để chia cách.

Còn với những dì ghẻ thuộc kiểu “săn” đàn ông có gia đình để yêu, họ càng không có chuyện trả con về với mẹ. Vì không có đứa trẻ “đính kèm” để hành hạ, họ không còn hứng thú với người đàn ông đó nữa. Trả về với mẹ đồng nghĩa là dì ghẻ thua cuộc. 

Nhóm này thường lấy cớ yêu đứa trẻ và những hành động, lời nói bạo lực được gọi là “dạy dỗ”. Họ khao khát thể hiện quyền lực với đứa trẻ vì coi đó sự “trả thù” mẹ mình trong quá khứ. Trên mạng xã hội, trước mặt mọi người, họ có thể diễn vở kịch hạnh phúc, yên ổn, nhưng bên trong lại là sóng ngầm dồn dập.

Nhóm những người mẹ kế tôi gặp mà có cuộc sống hòa hợp, hạnh phúc, yêu thương con chồng từ trong đáy tim, họ là những người có sự tu thân rất cao, chiến thắng sự ích kỷ bản năng. Nói thế để thấy, người mẹ kế phải cực kỳ nỗ lực có thể chung sống êm ấm mà không có gợn chút sân si nào” - Ánh Đặng kết luận.

6 NHU CẦU TRONG HÔN NHÂN

1. Sự an toàn, chắc chắn (nhu cầu về sự chung thủy, danh dự, tài sản chung)

2. Lãng mạn thú vị (dành sự mới lạ, “đổi gió” chăm chút cho nhau, dành thời gian chất lượng cho nhau)

3. Nhu cầu được xem là người đặc biệt, duy nhất.

4. Yêu và được yêu, kết nối

5. Sự phát triển (Cảm nhận mình to lớn hơn, tốt hơn sau hôn nhân)

6. Đóng góp

Trong 6 nhu cầu nói trên, 4 nhu cầu đầu là cơ bản và quan trọng nhất, 2 nhu cầu sau là nhu cầu “cấp cao” của những cặp đôi hòa hợp viên mãn. Có thể thấy, vấn đề của nhiều mẹ kế là nhu cầu nào cũng có nguy cơ không toàn vẹn, do cảm giác về sự “xen vào”, “kỳ đà cản mũi” của những người con riêng, dù chúng không hề có tội tình gì.

https://soha.vn/con-chong-cang-hoan-hao-cang-ngua-mat-ly-le-cua-di-ghe-va-thoi-khac-hien-nguyen-hinh-20220108022729288.htm

Theo Thiên Yết

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên