MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Cơn đau đầu” của Mark Zuckerberg: 25% thông tin Facebook lan truyền bị tố sai sự thật, ngày càng nhiều người kiếm tiền bằng “fake news”

14-06-2024 - 13:53 PM | Tài chính quốc tế

Meta đã có động thái đáp trả nhưng chưa đủ.

Thời điểm tháng 1/2021, đế chế tin giả của Christopher Blair hoạt động rầm rộ. Doanh thu hàng tháng lên tới 15.000 USD chỉ bằng cách đăng những câu chuyện sai sự thật lên Facebook về cuộc bầu cử Mỹ. Hàng triệu người đã tiếp cận.

Tuy nhiên, sau khi đám đông ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tấn công Điện Capitol, công việc kinh doanh bất ngờ ảm đạm. Facebook dường như nhận ra vai trò của mình trong việc kích động một cuộc nổi dậy nên chuyển sang điều chỉnh thuật toán để hạn chế lan truyền các nội dung chính trị, giả mạo.

“Nó gần như sụp đổ, chỉ trong khoảng 6 tháng”, ông Blair nói.

Dẫu vậy, ở thời điểm hiện tại, việc kinh doanh của ông Blair lại tốt đẹp trở lại. Các bài đăng sai sự thật nhận được nhiều tương tác trên Facebook hơn bao giờ hết, cụ thể là tăng lên 7,2 triệu lượt trong năm nay so với 1 triệu lượt trong cả năm 2021.

Nhiều người, giống như ông Blair, cũng đang cho xuất bản nhiều các thông tin sai sự thật trên trang web bên lề và tài khoản mạng xã hội nhằm với hy vọng có thể biến chúng thành doanh thu quảng cáo sinh lời. Tính đến thời điểm hiện tại, 1/4 nội dung trên Facebook bị PolitiFact, một trang web kiểm tra sự thật, đánh giá là “sai”.

Như vậy, tin tức giả vẫn đang tìm được khán giả trực tuyến. Xu hướng lớn đến mức ông Blair chứng kiến hàng loạt đối thủ cạnh tranh mọc lên. Nhiều người còn gọi bài viết của họ là “châm biếm”, sao chép nội dung của ông Blair và sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo để giúp ích cho công việc lan truyền "fake news".

Paul Barrett, giáo sư luật tại Đại học New York, người nghiên cứu thông tin sai lệch trực tuyến, cho biết: “Tôi nghĩ ngày nay chúng ta dễ bị tổn thương hơn trước”.

Đáp lại, đại diện phát ngôn của Meta nhấn mạnh chính sách thông tin sai lệch của công ty. Mọi nỗ lực chống lại sự giả dối vẫn đang được thiết lập.

Blair không cảm thấy áy náy với công việc này. Ông nghĩ mình chỉ đang chế nhạo những người dùng Facebook bảo thủ tin vào thứ mà lẽ ra họ nên kiểm chứng rõ ràng. David Lazer, giáo sư tại Đại học Đông Bắc, người chuyên nghiên cứu về thông tin sai lệch, cho biết: “Đó là một trò chơi mèo vờn chuột. Bất cứ nơi nào có lỗ hổng, kẻ tung tin sai sự thật sẽ tiếp cận”.

Theo The New York Times, ông Blair hiện đăng hàng chục câu chuyện sai sự thật lên mạng xã hội mỗi tuần trên tài khoản có hơn 320.000 người theo dõi. Mọi thứ được dàn dựng như thể những mối căm thù kịch tính.

Sau khi Facebook hạn chế các bài đăng liên kết đến trang web chất lượng thấp, ông Blair bắt đầu chuyển sang đăng hình ảnh và meme. Ông cũng sẽ thêm liên kết dưới dạng bình luận được ghim để tăng tương tác.

“Tôi biết chính xác điều gì đã xảy ra. Tôi liên tục điều chỉnh cách đăng theo chính sách của Facebook”, Blair nói.

“Cơn đau đầu” của Mark Zuckerberg: 25% thông tin Facebook lan truyền bị tố sai sự thật, ngày càng nhiều người kiếm tiền bằng “fake news”- Ảnh 1.

Meta không phải không có động thái nào.

Sau cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol, tập đoàn này quyết định hạn chế nội dung chính trị hiển thị tới người dùng. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy người dùng đã quá mệt mỏi với xung đột, vậy nên CEO Mark Zuckerberg quyết định ưu tiên các bài đăng chứa nội dung mà người dùng cho là xứng đáng với thời gian của họ.

Cuối năm 2021, với vô số chỉ trích cho rằng Facebook thiên vị nội dung chính trị, Zuckerberg và hội đồng quản trị quyết định giảm hạng các bài đăng chứa chủ đề “nhạy cảm” càng nhiều càng tốt trong nguồn cấp tin tức - một sáng kiến chưa từng có trước đây.

Vào thời điểm đó, Facebook và YouTube bị cho là có hành vi thiên vị chính trị, đồng thời có động cơ thương mại để khuếch đại thù ghét và tranh cãi. Trong nhiều năm, các nhà quảng cáo và giới đầu tư đã thúc ép công ty này “tẩy trắng” vai trò “lộn xộn” của mình trong lĩnh vực chính trị, theo WSJ.

Tuy nhiên, một cách rõ ràng, kế hoạch tắt các nội dung chính trị sẽ để lại nhiều hệ lụy khó lường. Báo cáo cho thấy lượt xem đối với các “nhà xuất bản tin tức chất lượng cao” như Fox News và CNN đã giảm đi đáng kể, trong khi nội dung từ những nguồn kém tin cậy lại tăng lên. Nhiều khiếu nại người dùng về thông tin sai lệch được ghi nhận, trong khi hoạt động quyên góp từ thiện thông qua Facebook giảm đi đáng kể trong nửa đầu năm 2022. Người dùng chắc chắn không thích những điều này.

Đến cuối tháng 6, Zuckerberg quyết định rút lại kế hoạch cực đoan. Không thể ngăn chặn tranh cãi chính trị bằng “vũ lực thẳng thừng”, nền tảng này chuyển sang thay đổi từ từ cách nguồn cấp tin tức truyền bá “chủ đề nhạy cảm”, chẳng hạn như sức khỏe và chính trị.

“Trong nhiều năm qua, chúng tôi thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau, cuối cùng quyết định thực hiện các thay đổi nhỏ chậm mà chắc để hạn chế nội dung chính trị, đồng thời mang đến cho người dùng những trải nghiệm mà họ muốn”, Dani Lever, phát ngôn viên Meta nói.

Trên trang tin Mother Jones chuyên tập trung các vấn đề chính trị-xã hội, tổng lượt xem trên Facebook vào năm 2022 chỉ bằng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước đó. Monika Bauerlein, Giám đốc điều hành Mother Jones cho biết: “Thật tồi tệ khi nhận ra một công ty công nghệ đơn lẻ có quyền lực như thế nào đối với tin tức mà mọi người có thể truy cập”.

Theo WSJ, Facebook trong nhiều năm đã tồn tại mối quan hệ mâu thuẫn với chính trị - xã hội. Hiếm có chủ đề nào khiến người dùng nổi giận và tương tác trên mạng xã hội nhiều đến thế.

Phát biểu hồi năm 2019, Zuckerberg đã bảo vệ vai trò mạng xã hội đối với chính trị và xã hội. “Tôi tin rằng mọi người sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của chúng tôi để thảo luận về một số vấn đề họ quan tâm, từ tôn giáo đến chính sách đối ngoại và tội phạm,” vị CEO nói, đồng thời cho rằng vai trò của Facebook trong việc diễn ngôn công khai là lành mạnh.

Theo: The New York Times, WSJ


Theo Vũ Anh

An Ninh Tiền Tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên