Cơn ‘địa chấn’ ở châu Âu và hàm ý với Ukraine
Cuộc bầu cử của Liên minh châu Âu (EU) vừa gây sốc trên khắp châu lục, cho thấy những dịch chuyển đáng kể trong nền chính trị và báo hiệu sẽ có những thay đổi về động lực địa - chính trị ở lục địa này trong thời gian tới.
Kết quả lần này gây ra xáo trộn lớn đối với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các đảng Xanh trên khắp châu Âu, nhất là ở Đức.
Cuộc bầu cử cực kỳ thảm khốc với ông Macron và các đồng minh, khi liên minh ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) của ông hứng thất bại nghiêm trọng, thua xa đảng Mặt trận quốc gia (RN) cực hữu của bà Marine Le Pen.
RN giành được 31,5% phiếu, trong khi liên minh của ông Macron chỉ được 15,2%, buộc nhà lãnh đạo Pháp phải giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm, dự kiến vào ngày 30/6 và vòng 2 vào ngày 7/7. Diễn biến này cho thấy mức độ khủng hoảng chính trị ở Pháp và vị thế bấp bênh của Tổng thống Macron.
Tại Đức, đảng Xanh vấp phải bước lùi nghiêm trọng, đánh mất một phần đáng kể so với sự ủng hộ mà họ nhận được trước đây. Với chủ trương ủng hộ mạnh mẽ các chính sách khí hậu và hỗ trợ quân sự cho Ukraine , đảng này chỉ nhận được 11,9% phiếu bầu, thấp hơn rất nhiều so với mức 20,5% trong cuộc bầu cử lần trước.
Mức sụt giảm này cho thấy sự vỡ mộng của cử tri đối với Thỏa thuận Xanh mới và chương trình nghị sự Davos.
Một xu hướng đáng chú ý trong cuộc bầu cử lần này là sự quay lưng với các nhà lãnh đạo ủng hộ việc can dự quân sự vào Ukraine.
Là người lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí hoặc thậm chí đưa quân tới Ukraine, Tổng thống Macron giờ nhận ra rằng ông đang ở thế thua cuộc, khi cử tri ngày càng phản đối việc tiếp tục cuộc xung đột với Nga. Cử tri Đức cũng quay lưng lại với các đảng ủng hộ lập trường cứng rắn với Nga.
Kết quả bầu cử ở Pháp làm dấy lên các cuộc thảo luận về khả năng thay đổi chính trị tiềm tàng ở Đức. Sau khi đảng AfD cánh hữu và đảng BSW mới thành lập đạt được kết quả đáng kể, áp lực lên Chính phủ Đức ngày càng tăng.
AfD giành được 15,9% phiếu, còn BSW giành được 6,1%, mức được đánh giá là đáng chú ý đối với một đảng mới. Được biết đến với chính sách hướng tới hòa bình, hai đảng này đã tận dụng uy tín ngày càng giảm của đảng Xanh và liên minh cầm quyền.
Khi Đức sắp tổ chức đợt bầu cử cấp bang ở khu vực phía đông, nơi AfD và BSW được ủng hộ mạnh mẽ, khả năng cao là hai đảng này sẽ giành được nhiều ảnh hưởng hơn. Nếu AfD đạt được kết quả tương tự ở Saxony, đảng này sẽ gần đạt được đa số tuyệt đối và có thể thành lập chính quyền bang.
Một kết quả như vậy có thể đe dọa sự ổn định của chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, từ đó có thể dẫn đến cuộc bầu cử quốc gia mới.
Ngay sau khi kết quả bầu cử trở nên rõ ràng, Tổng thư ký đảng CDU đối lập Carsten Linnemann kêu gọi Thủ tướng Scholz kiến nghị quốc hội tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm. Điều này có thể dẫn đến cuộc bầu cử mới nếu ông không được đa số trong quốc hội tín nhiệm.
Những thành tựu của AfD và BSW, cả hai đều ủng hộ việc chấm dứt xung đột Ukraine, cho thấy thay đổi địa - chính trị mức độ rộng lớn hơn. Các đảng này cùng với những nhân vật như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh vai trò của ngoại giao hơn là giải pháp quân sự.
Nếu các lực lượng chính trị này giành được nhiều quyền lực hơn, châu Âu có thể sẽ trải qua thay đổi đáng kể trong cách tiếp cận đối với cuộc xung đột ở Ukraine và quan hệ với Nga.
Tiền Phong