Con đường nào đưa hàng hóa phương Tây vào Nga bất chấp trừng phạt?
Các nước Trung Á và Kavkaz hiện đang là trung tâm vận chuyển hàng hóa lưỡng dụng từ Mỹ và châu Âu tới Nga.
- 15-05-2023Chuyên gia nói phương Tây đã quá ảo tưởng về vũ khí trừng phạt
- 14-05-2023Kinh tế thế giới mấp mé suy thoái, vì sao "cứu tinh" Trung Quốc khiến phương Tây thất vọng?
- 12-05-2023Moscow "phá" cấm vận ngoạn mục, một nước G7 nhập kỷ lục mặt hàng Nga bị Mỹ, phương Tây trừng phạt
Một số nước thuộc Liên Xô trước đây đã nổi lên như một trung tâm trung chuyển lớn, đưa hàng hóa Mỹ và châu Âu như chip máy tính, laser và các sản phẩm lưỡng dụng khác vào Nga, theo các quan chức phương Tây và dữ liệu do WSJ tổng hợp.
Mỹ và châu Âu đã cấm bán cho Nga nhiều loại hàng hóa lưỡng dụng kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022. Tuy nhiên, dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc cho thấy xuất khẩu loại hàng hóa này của Mỹ và châu Âu sang các nước láng giềng của Nga đã tăng mạnh trong năm 2022. Việc xuất khẩu các mặt hàng đó từ các nước láng giềng sang Nga cũng tăng tương tự.
Tổng cộng, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ và EU sang Armenia, Gruzia, Kyrgyzstan, Uzbekistan và Kazakhstan đã tăng từ 14,6 tỷ USD năm 2021 lên 24,3 tỷ USD năm 2022. Xuất khẩu của những nước này sang Nga năm 2022 tăng gần 50% lên khoảng 15 tỷ USD.
“Đường vòng Á-Âu”
Tuyến đường thương mại mà các nhà phân tích tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (ERDB) gọi là “đường vòng Á-Âu”, là một dấu hiệu cho thấy thành công của Nga trong việc tìm ra những phương thức mới để mua được hàng hóa khan hiếm, có nhu cầu cao, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây.
Imex-Expert, một công ty của Nga, nói rằng họ có thể “nhập khẩu hàng hóa bị trừng phạt từ châu Âu, châu Mỹ vào Nga thông qua Kazakhstan”. Trang web của công ty này quảng bá: “100% vượt qua lệnh trừng phạt”.
Các con số cho thấy có khối lượng giao dịch đáng kể các mặt hàng lưỡng dụng. Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, năm 2022, Mỹ và EU đã xuất khẩu hơn 8,5 triệu USD vi mạch sang Armenia, gấp hơn 16 lần so với 530.000 USD trong năm 2021.
Đồng thời, xuất khẩu vi mạch của Armenia sang Nga đã tăng từ mức dưới 2.000 USD trong năm 2021 lên 13 triệu USD trong năm 2022.
Việc vận chuyển laser từ phương Tây sang Kyrgyzstan, các thiết bị đo lường như công cụ kiểm tra điện áp và năng lượng sang Uzbekistan cũng tương tự. Xuất khẩu các mặt hàng vừa nêu từ các nước này sang Nga cũng gia tăng.
Mặc dù quy mô thương mại giữa các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây với Nga Nga nhỏ hơn nhiều so với thương mại của Nga với Trung Quốc, nhưng tuyến đường thương mại mới cho phép Moscow tiếp cận công nghệ phương Tây mà nước này gặp khó khăn khi tiếp cận ở các nơi khác.
Các chuyên gia cho biết, những công nghệ như vậy rất quan trọng đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Nga có khả năng hạn chế trong việc thay thế các thành phần của phương Tây bằng các sản phẩm của chính mình.
Ông Pavel Luzin, một chuyên gia về quân sự Nga và là học giả thỉnh giảng tại Đại học Tufts, cho biết: “Đồ điện tử cần thiết ở mọi nơi, từ sản xuất máy bay và tên lửa hành trình đến hệ thống chỉ huy, kiểm soát và liên lạc trong xe bọc thép và xe tăng”.
Bà Sarah Stewart, Giám đốc điều hành của Silverado Policy Accelerator, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington chuyên phân tích dữ liệu thương mại của Nga, cho biết khối lượng nhỏ di chuyển qua một số quốc gia khi cộng lại sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực của Moscow trong việc nắm giữ công nghệ nước ngoài.
Đại diện của chính phủ Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Gruzia không phản hồi đề nghị bình luận về vấn đề trên.
Người phát ngôn của chính phủ Armenia cho biết nước này không “tham gia vào bất kỳ quy trình hoặc hành động nào nhằm lách lệnh trừng phạt của EU hoặc Mỹ”. Ông cho biết hải quan Armenia đã tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa bị phương Tây cấm xuất khẩu sang Nga và nước này đã thảo luận vấn đề với Mỹ.
Lỗ hổng trừng phạt giúp Nga có được công nghệ nước ngoài
Trong gói trừng phạt được đề xuất gần đây nhất của châu Âu, Ủy ban châu Âu lần đầu tiên đề xuất trừng phạt các công ty trong khu vực, bao gồm 2 công ty từ Uzbekistan và một từ Armenia, vì đã cung cấp các sản phẩm lưỡng dụng cho Nga.
Cuối tháng 2/2023, trong chuyến thăm Kazakhstan, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Washington đang “theo dõi chặt chẽ việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt”, bao gồm cả với các đối tác Trung Á.
Tuy nhiên, điều gây phức tạp cho việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu đối với Nga là tư cách thành viên của Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan trong Liên minh Kinh tế Á-Âu do Moscow đứng đầu. Liên minh này cho phép loại bỏ phần lớn rào cản hải quan giữa các nước thành viên.
Các công ty hỗ trợ mua bán hàng hóa phương Tây thông qua các nước thứ ba đã và đang cung cấp dịch vụ của họ ở Nga. Năm 2022, Moscow đã hợp pháp hóa cơ chế nhập khẩu song song, nghĩa là các nhà nhập khẩu có thể đưa sản phẩm qua nước thứ ba một cách hợp pháp mà không cần sự đồng ý của nhà sản xuất ban đầu.
Trên website, công ty môi giới hải quan Standard Group có trụ sở tại Moscow cho hay, công ty con của họ ở Armenia mua hàng hóa từ Mỹ hoặc châu Âu. Hàng hóa được chuyển đến Armenia sẽ làm thủ tục hải quan và nộp thuế giá trị gia tăng ở đó. Sau đó, số hàng hóa này được bán cho một doanh nghiệp Nga, thanh toán bằng đồng Rúp và được gửi đến Nga.
Standard Group có thể vận chuyển một máy nén khí nặng 900 pound (khoảng 408kg) có giá 13.900 USD từ Mỹ qua Armenia đến thành phố cảng Novorossiysk ở Biển Đen của Nga. Chi phí cho các dịch vụ môi giới hải quan là khoảng 770 USD và phí giao hàng đến Moscow là 30.000 USD.
Xuất khẩu đồ gia dụng do phương Tây sản xuất qua các nước Trung Á và Kavkaz cũng tăng mạnh. Các quan chức phương Tây đã nói rằng Nga tháo dỡ một số thiết bị để lấy chip trong đó. Năm 2022, sau khi nhập khẩu máy giặt từ EU tăng mạnh, xuất khẩu thiết bị này từ Uzbekistan sang Nga đã tăng lên 10,6 triệu USD từ mức 90.000 USD của năm 2021.
Không rõ người bán ở phương Tây hay người mua ở các quốc gia này đang vi phạm lệnh trừng phạt khi tham gia vào hệ thống “giao dịch đường vòng” này hay không. Bởi, các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu không bán trực tiếp cho người mua ở Nga, trong khi các quốc gia Trung Á và Kavkaz có liên quan đều không tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga.
Phương Tây tìm cách bịt lỗ hổng
EU mới đây đã đề xuất thiết lập cơ chế trừng phạt để cấm xuất khẩu một số mặt hàng nhất định sang các quốc gia hoặc công ty không thuộc EU được cho là đang giúp Nga lách các hạn chế của phương Tây. Khối này cũng đang xem xét thắt chặt các quy định của khối về những hàng hóa nào có thể đưa vào Nga thông qua các nước láng giềng.
Các quan chức cấp cao của Mỹ, Anh và EU đã đến thăm Uzbekistan, Kyrgyzstan và Kazakhstan trong những tháng gần đây để gây sức ép buộc chính phủ các nước này cắt đứt mô hình thương mại mà họ tin là đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt.
Beata Javorcik, nhà kinh tế trưởng của ERDB cho biết: “Điều rất đáng ngờ là đột nhiên xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Á và Kavkaz tăng lên sau khi các biện pháp trừng phạt được gia tăng”.
Phát biểu với các phóng viên vào tháng trước, chuyên gia thực thi lệnh trừng phạt của EU, David O'Sullivan, cho biết ưu tiên hàng đầu của ông là hợp tác với các quốc gia có khả năng giúp Nga lách lệnh trừng phạt, bao gồm cả các quốc gia Trung Á. Các biện pháp cứng rắn hơn, như cấm xuất khẩu hoặc trừng phạt, sẽ chỉ được xem xét nếu không có bước nào được thực hiện sau đó.
“Chúng tôi rất tôn trọng chủ quyền và quyền tự chủ của họ. Chúng tôi chỉ nhấn mạnh vào những gì là mối quan tâm chung, cụ thể là lãnh thổ của họ không nên được sử dụng làm nền tảng để lách luật”, ông O'Sullivan nói.
VOV