Con gái hỏi về cái chết, siêu mẫu Hà Anh có câu trả lời nhận được nhiều lời khen
Nói về cái chết tuy nặng nề nhưng cha mẹ không nên né tránh.
- 11-03-2023'Làm thế nào chia 4 chiếc bánh cho 5 người?' Ứng viên tiếp cận đơn giản nhất được nhận vào làm việc
- 10-03-2023Bí thuật nhìn thấu bản chất, thu phục nhân tâm của Gia Cát Lượng: Thấy rõ phượng hoàng giữa bầy gà, khổng tước trong bầy quạ
- 09-03-202338 tuổi bị sa thải, nộp 100 hồ sơ xin việc nhưng không thành, tôi nhận ra: Không có công việc ổn định, chỉ có năng lực mới giúp bạn đứng vững
Khi con hỏi về cái chết, nếu bạn kết thúc bằng sự im lặng hay tệ hơn là nói dối về cái chết để lảng tránh thì nó có thể làm cho con bạn bối rối và sợ hãi nhiều hơn so với việc cởi mở ngay từ đầu. Giáo dục cái chết chính là giáo dục cuộc sống, chủ đề này tuy nặng nề nhưng không nên né tránh. Trẻ không mỏng manh như bạn nghĩ. Trên thực tế, chúng dễ thích nghi hơn người lớn.
Mới đây, khi con gái Myla (4,5 tuổi) bất ngờ hỏi "Mẹ ơi, mẹ già mẹ sẽ chết, mẹ bay lên trời con không nhìn thấy mẹ nữa thì sao?", siêu mẫu Hà Anh không né tránh. Thay vào đó, cô trấn an con: "Con yên tâm mẹ sống đến 100 tuổi, còn ở bên con rất là lâu".
Cô bé vẫn chưa yên tâm: "Nhưng con không nhìn thấy mẹ nữa"; "Con sẽ cảm nhận thấy mẹ trong trái tim con". Hà Anh đáp, cô cho biết mình muốn ứa nước mắt.
"Cuộc sống này không mong gì hơn là luôn được ở bên con trọn vẹn để tận hưởng tiếng cười giòn tan của con, được hôn lên đôi má bầu xinh xinh của con, được ôm con thật chặt. Myla my little love, mẹ háo hức ngóng con bước qua tuổi thứ 5 vào mùa hè này, mà quên mất tháng tư này, mẹ lại đếm thêm một tuổi. Cuộc sống thật ngắn, thật nhanh, mẹ loại bỏ mọi "nhiễu sóng" để ở bên con thật nhiều", nữ siêu mẫu viết.
Trên thực tế, khi đứa trẻ hỏi "Khi nào bố mẹ chết", điều con thực sự muốn nói là: "Con sợ mẹ chết, mẹ chết thì con phải làm sao?". Câu hỏi này liên quan đến cảm giác an toàn của trẻ.
Khi trẻ khoảng 5 hoặc 6 tuổi, quan điểm của chúng về thế giới còn rất đơn giản. Vì vậy, bạn chỉ nên giải thích về cái chết một cách cơ bản với những thuật ngữ dễ hiểu nhất. Trẻ ở độ tuổi từ 6 đến 10 sẽ bắt đầu hiểu về điểm tận cùng của cái chết. Tuy nhiên, trẻ có thể đối diện với điều này khi được giải thích chính xác, đơn giản, rõ ràng và thành thật về những điều đã xảy ra.
Chọn khích lệ để dạy con hơn là chê bai, mắng mỏ
Siêu mẫu Hà Anh kết hôn với chồng là Olly Dowden. Cô được coi là một trong những bà mẹ nổi tiếng trong showbiz có cách dạy con đáng học hỏi.
Khác với phần đa phụ huynh, Hà Anh rất mềm mỏng khi bé mắc lỗi. Cô cho biết, trong cách dạy Myla, mình thích dùng những lời khen tặng để khích lệ những hành vi tốt của bé để bé càng thêm tích cực thực hiện những hành vi tốt này - thay vì việc mắng mỏ, chê bai hay doạ con bằng những hình phạt nếu như con không làm theo ý của mình.
"Hà Anh tin rằng một đứa trẻ nên được lớn lên trong một môi trường hạnh phúc, nhiều tiếng cười, với cảm giác an toàn, vô tư, được lắng nghe và thấu hiểu chứ không phải trong sự lo lắng, nơm nớp khi bị bố mẹ chực phạt khi làm sai. Với nhiều bố mẹ, Hà Anh hiểu tâm lý là do quá lo lắng cho con, nên thường hay càm ràm, sốt ruột, to tiếng, hay thường xuyên trong trạng thái nhắc nhở con. Nói chữ "đừng", chữ "không được" nhiều hơn là cổ vũ khích lệ con mình", cô chia sẻ.
Hà Anh nghĩ rằng đối với đứa con bé thơ, bố mẹ phải là người để con luôn có thể tin cậy, trò chuyện. Nếu bé có hành vi sai, Hà Anh và ông xã Olly luôn nghiêm khắc nhắc nhở. Nhắc ngay, bằng thái độ nghiêm, hạn chế quát tháo làm con cuống, sợ không hiểu vì sao bố mẹ nổi giận.
Quan trọng là bố mẹ phải giải thích vì sao con không được làm thế: "Con phải cho bạn chơi chung chứ vì bạn đã rất tốt bụng với con, bạn chia sẻ đồ chơi với con này, hôm trước bạn còn mời con qua nhà bạn chơi nữa. Con không cho bạn chơi chung bạn buồn thì sao?".
Myla vừa xinh xắn vừa hiểu chuyện.
Nữ siêu mẫu nhắn gửi: "Hà Anh khi làm mẹ rồi mới hiểu được trách nhiệm làm mẹ thật lớn. Sinh con ra, nuôi cho con khoẻ mạnh là một vấn đề, giáo dục con, chăm sóc đời sống tinh thần cho con là cả một hành trình khác đòi hỏi phải tỉ mỉ và tinh tế hơn rất nhiều.
Sửa hành vi cho con không phải là việc sớm chiều. Đối với trẻ, giúp bé hình thành thói quen tốt như tác phong lễ phép chào hỏi, không nói trống không, ăn uống nhỏ nhẹ, có ý tứ nơi công cộng... là những giáo dục hàng ngày, nhiều lần mỗi ngày, trong mỗi một hoàn cảnh khác nhau. Nên bố mẹ cũng đừng cảm thấy nản khi "nói mãi mà nó không nghe". Hãy kiên nhẫn nhắc nhở, phân tích, và thậm chí làm gương cho bé mỗi ngày!".
Phụ nữ Việt Nam