Con gái ông Kao Siêu Lực: "Covid-19 là một cuộc thi, mà người dự thi hoàn toàn không được ôn bài trước"
Đuổi việc hay thay người một ai đó đồng nghĩa với ‘đuổi việc’ cả gia đình họ. Vậy nên, trong nguyên 1 năm 2020, ABC Bakery không khai trừ - giảm nhân sự nào.
Nội dung này được bà Kao Huy Phương, con gái lớn của ông Kao Siêu Lực - ông chủ thương hiệu bánh ABC Bakery chia sẻ tại sự kiện "Ngày hội Kết nối giao thương", do Hội nữ doanh nhân TP.HCM (Hawee) tổ chức mới đây.
Bà Phương tham gia với vai trò diễn giả trong phiên thảo luận có chủ đề "Tư duy đột phá, kiến tạo tương lai", cùng các diễn giả khác là ông Lại Minh Duy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc TST Tourist, bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc dự án EFD, OXFAM Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Minh Giang, TGĐ Nhân tài & Văn hóa DN, Mekong Capital là người điều phối.
Covid-19 là một cuộc thi, mà người dự thi hoàn toàn không được ôn bài trước
Mở đầu phần chia sẻ, bà Kao Huy Phương nhận định Covid-19 giống như một cuộc thi mà người dự thi hoàn toàn không thể biết mình đậu hay rớt. Trong đó, khả năng rớt là rất cao khi mà thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp đã phải nhường thương trường lại cho những doanh nghiệp khác giỏi cầm cự hơn.
Bà Phương cho biết bản thân từng sống qua thời kỳ dịch SARS vào năm 2003, khi đó bà Phương vẫn đang du học ở Singapore. Khi mà toàn bộ trường học đều đóng cửa, sân bay không một bóng người, hàng hóa và nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ trong sân bay chốc lát trở thành hàng tồn kho. Điều này giống như một cuộc thi bất ngờ mà người dự thi chưa hề có sự chuẩn bị. Cũng giống như Covid-19 bây giờ, mọi thứ đều trở nên hoang mang và lạ lẫm với các doanh nghiệp chưa chuẩn bị tinh thần từ trước.
Bà Phương tiết lộ, trong khủng hoảng, đôi khi những bước đi nho nhỏ lại tạo ra khác biệt. Như trong năm nay, ABC có bánh mì thanh long - đó là đột phá của thương hiệu. Mới đầu, đây chỉ là thành tựu riêng của công ty nhưng may mắn nó lại tạo một trend - xu hướng mới cho ngành ẩm thực Việt Nam.
Trong khó khăn, giải pháp trước mắt của ABC Bakery là ngay lập tức tập trung vào những gì mà mình đang có để tìm cách sống sót.
"Thời điểm này chưa nói đến lãi lời, quan trọng là phải sống sót được qua mùa dịch. Chúng tôi tập trung vào các lợi thế sẵn có, một số cửa hàng chuyển qua online. Có một thực tế là khi dịch đến, nhiều nước rơi vào cảnh không có lương thực. Do đó, chúng tôi tập trung vào mảng xuất khẩu, cố gắng sản xuất ra những sản phẩm đơn giản, thuận tiện nhất có thể nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dinh dưỡng như một bữa ăn bình thường. Con đường xuất khẩu chúng tôi đã đi từ lâu, nhưng giờ phải đơn giản, rút gọn lại để làm sao rút ngắn được thời gian vận chuyển qua các nước", con gái ông Kao Siêu Lực bộc bạch.
Trong đó, dòng sản phẩm được ưu tiên nhất là bánh mì chứa các loại hạt dinh dưỡng vừa nhẹ vừa có thời gian bảo quản tốt, lại không cứng như dạng thanh năng lượng ở các nước mà vẫn đảm bảo bão bữa ăn, rút ngắn thời gian vận chuyển. Mặc dù dịch nhưng trong 1 tháng, ABC Bakery vẫn có thể vận chuyển từ 8-10 containers ra nước ngoài nhằm tạo công ăn việc làm cho nhân viên. Đây cũng là sản phẩm mà ABC Bakery tặng cho các Y bác sĩ tuyến đầu để tri ân, như một cách để ghi dấu ấn về thương hiệu trong biến cố Covid-19.
Nối tiếp phần chia sẻ của bà Phương, ông Lại Minh Duy, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc TST Tourist cũng tiết lộ rằng năm 2020 quả thực là một năm quá khó khăn đối với một doanh nghiệp lữ hành như TST Tourist.
"Năm 2020 là 1 ngành rất buồn cho ngành dịch vụ du lịch. Chúng tôi phải sống từng ngày với một sự lo lắng về thông tin có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Chúng tôi phải xử lý khủng hoảng liên tục, có những hôm nhân viên phải làm việc đến 2-3 giờ sáng chỉ để gửi thông báo hủy tour cho khách hàng. Chúng tôi hủy liên tục như thế cho đến khi có thông báo giãn cách xã hội.
Có những thời điểm quá khó khăn, ban lãnh đạo xin không nhận lương nhưng tôi không đồng ý. Tôi yêu cầu mọi người lập ra kế hoạch cuộc sống cho mình bao nhiêu là đủ. Tôi xây dựng cho nhân viên năng lượng tích cực để vượt qua. Khó khăn là thử thách, thử thách đến thì phải giải quyết. Nhưng chúng ta phải luôn có tinh thần, có kháng thể trong người thì mới vượt qua được", ông Duy nói.
Chủ tịch TST Tourist cũng tiết lộ rằng mặc dù đã rất cố gắng nhưng do khó khăn mà công ty phải cắt giảm nhân sự, từ 142 người hiện còn khoảng 80 người. Tạm thời với số lượng người đã nghỉ, lãnh đạo TST Tourist vẫn duy trì liên lạc với họ và sẵn sàng đón chào trở về khi đại dịch qua đi. Hiện mức lương của nhân viên cũng chịu ảnh hưởng, nếu trước dịch cấp quản lý sẽ có mức lương 30 triệu, còn nhân viên bình thường từ 10-15 triệu nhưng hiện tại thì có phần phụ cấp B1, B2 và tiền thưởng.
"Năm 2020 xét trên kinh doanh về thị phần nội địa chúng tôi tăng 10-15%. Có được điều đó là nhờ chúng tôi chú trọng văn hóa doanh nghiệp. Chúng tôi xây dựng 1 đội ngũ có trên dưới, lớp đi trước dạy lớp đi sau, có sự ảnh hưởng và nhường đường để lớp sau tiến thân.
Đến năm 2021, chúng tôi tiếp tục đột phá bằng cách duy trì và làm sâu hơn về văn hóa doanh nghiệp, làm sao xây dựng đội ngũ của mình phải có kiến thức, lịch sự văn minh trong giai đoạn mới. Năm 2021 chúng tôi vững vàng ở thị trường nội địa, khi kinh tế ổn định chúng tôi sẽ quay lại thị trường quốc tế", ông Duy nói.
Là một công ty tư vấn cho nhiều doanh nghiệp về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, bà Đinh Thị Quỳnh Như, Giám đốc Công ty An Luật cũng cho rằng văn hóa doanh nghiệp vô cùng quan trọng và quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp khi khó khăn ập đến.
"Tại sao một số công ty lớn một tháng chi 5 ngày lương nhưng nhân viên vẫn hăng say làm việc. Còn có những công ty trả cả tháng lương nhưng nhân viên vẫn khiếu nại ban lãnh đạo, tất cả đều phải quay về văn hóa doanh nghiệp.
Lúc khó khăn văn hóa mới giữ được con đường dài. Tôi thường nói, nếu có 2 chiến trường cần chiến đấu và xây dựng, thì tôi tập trung nội tại đầu tiên. Nếu vững nội tại thì khó khăn gì cũng lướt qua để chiến đấu ngoài kia. Còn nếu chỉ tập trung ngoài kia, thì Covid đi qua chúng ta không còn đội ngũ nào để chiến đấu", bà Như nói.
Xem nhân viên là người thân
Là doanh nghiệp hiếm hoi không sa thải bất kể nhân viên nào trong dịch, nhưng bà Kao Huy Phương cho biết 2020 vẫn là một năm đầy thử thách đối với ABC Bakery.
"Trong gia đình, ba hay nói với chị em chúng tôi: chúng ta không nên xem công nhân là nhân viên, mà phải xem họ như những người anh em trong gia đình. Do đó, chúng ta phải chăm lo cho họ cả khi công ty ở trên đỉnh cao hay dưới vực sâu.
Đuổi việc hay thay người một ai đó đồng nghĩa với ‘đuổi việc’ cả gia đình họ. Vậy nên, trong nguyên 1 năm 2020, chúng tôi không khai trừ - giảm nhân sự nào. Nhưng vì ai cũng khó khăn, nên trong năm nay ABC sẽ không tăng lương cho mọi người như những năm trước, song cũng không giảm lương. Công nhân họ đi làm, cũng phải sống và có khi còn phải nuôi sống ai đó. Hơn nữa, nhiều người trong số họ đã cùng mình vượt qua thời gian khó khăn và vất vả, không thể vì khó khăn nhất thời mà ‘qua cầu rút ván’", bà Kao Huy Phương kể thêm.
Còn với cá nhân bà Phương, Covid-19 không chỉ toàn điều xấu mà nó phần nào đó giúp bà thực hiện vài nguyện vọng trước đó chưa thể hoặc học những bài học quan trọng.
"Kết năm 2020, mình rút ra một điều: cái gì cũng có thể xảy ra được và xảy ra quá nhanh. May mắn nhất trong năm nay, vì phải đi chậm nên mình có nhiều thời gian để nhìn lại nhiều thứ, suy nghĩ thấu đáo về một vài thứ khác. Nhờ về được Việt Nam từ Singapore trước khi cả thế giới lock-down - mình hay nói vui là mình đã chạy kịp, nên mình có nhiều thời gian sống chung với gia đình hơn trước đây rất nhiều.
Năm nay, chúng ta cũng phải học cách tiết kiệm, cả trong gia đình và công ty. Bình thường quen thói tiêu xài, bây giờ phải học cách kiềm chế những thứ mình thích mà tốn quá nhiều tiền không cần thiết", bà Phương cho biết.
Kết lại phần tọa đàm, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc dự án EFD, OXFAM Việt Nam nhận định rằng hiện nay những doanh nghiệp nào tồn tại và phát triển tốt cho thấy văn hóa doanh nghiệp của họ rất vững, và cần phải phát huy tốt hơn khi dịch qua đi.
"Không phải chỉ Covid, từ trước đến nay tôi đều tư vấn cho doanh nghiệp rằng trở ngại lớn nhất đó là các doanh nghiệp thiếu một hệ thống. Khi khủng hoảng, thách thức thì rất nhiều doanh nghiệp gặp vấn đề ở đây vì không có hệ thông bài bản. Thường doanh nghiệp nhỏ không chú ý đầu tư văn hóa, hệ thống nên khó xoay chuyển trong khó khăn. Do đó, chúng tôi khuyến khích dù bạn nhỏ đến đâu cũng phải xây dựng hệ thống. Dù nhỏ nhưng hệ thống sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trước thách thức", bà Hà kết lại.