MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Con gấu' từ từ nhấn chìm Phố Wall nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa thực sự hiệu hữu: Dấu hiệu cho thấy thị trường còn lâu mới chạm đáy?

26-06-2022 - 18:23 PM | Tài chính quốc tế

'Con gấu' từ từ nhấn chìm Phố Wall nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa thực sự hiệu hữu: Dấu hiệu cho thấy thị trường còn lâu mới chạm đáy?

Khi những biến động xảy ra chồng chất trên Phố Wall, một yếu tố tưởng như phổ biến lại không hề xuất hiện. Đó là nỗi sợ hãi.

Hầu như mọi ngóc ngách của Phố Wall đều đang bị xáo trộn bởi mối lo ngại rằng lãi suất cao sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái. Điều này khiến biến động giá xảy ra ở mọi nơi, từ trái phiếu rác cho đến ngoại tệ. Song, Chỉ số Biến động CBOE (VIX) - được gọi là thước đo nỗi sợ hãi trên Phố Wall, đã giao dịch ở mức thấp hơn nhiều so với những lần thị trường giá xuống diễn ra trước đây.

Các chiến lược gia quyền chọn và chuyên gia ngân hàng đang lý giải rằng, chỉ số S&P 500 đã trải qua 1 thời gian dài "rơi" khỏi mức cao kỷ lục đạt được hồi đầu năm. Diễn biến này khác với những cú sốc trước đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vào tháng 3/2020 hay sự sụp đổ của Lehman Brothers vào tháng 9/2008. Cả 2 sự kiện này đều khiến VIX tăng vọt, khi nhà đầu tư tìm cách né tránh rủi ro từ biến động thị trường.

Lewis Grant - giám đốc danh mục đầu tư tại Federated Hermes, viết trong lưu ý: "Tâm lý tiêu cực đã chi phối mọi cuộc thảo luận khi đà tăng giá của thị trường không còn. Tuy nhiên, chỉ số VIX chỉ tăng nhẹ. Ít nhất là đối với cổ phiếu, đây là một thị trường giá xuống có trật tự chứ không hoàn toàn là sự hoảng loạn."

Con gấu từ từ nhấn chìm Phố Wall nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa thực sự hiệu hữu: Dấu hiệu cho thấy thị trường còn lâu mới chạm đáy?  - Ảnh 1.

Diễn biến của CBOE (VIX).

Trên thực tế, trong năm nay, VIX vẫn chưa phá vỡ ngưỡng quan trọng là 40 điểm. Mức này được nhiều chuyên gia coi là tín hiệu cho thấy sự sợ hãi đỉnh điểm. Chỉ số này đã tăng gấp đôi so với ngưỡng trên trong thời kỳ đầu của đại dịch và trong cuộc khủng hoảng nợ thế chấp năm 2008.

Thị trường hiện tại có nét tương đồng với bối cảnh sau sự sụp đổ của bong bóng dot-com, một giai đoạn mà giá cổ phiếu sụt giảm so với mức cao không bền vững. Theo Talal Dehbi - chiến lược gia định lượng tại Primsm FP, VIX đang cho thấy S&P 500 sẽ ghi nhận biên độ giao dịch là 2%.

Ông nói: "Diễn biến hiện tại tương tự như thị trường ‘con gấu’ trong thời kỳ dot-com 2000-2002. Thị trường không có cú sốc đột ngột nào lớn, nhưng biến động thực tế (realized volatility) thường ở mức cao."

Do đó, các nhà đầu tư không đổ xô vào các khoản đầu tư phòng hộ biến động.

Con gấu từ từ nhấn chìm Phố Wall nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa thực sự hiệu hữu: Dấu hiệu cho thấy thị trường còn lâu mới chạm đáy?  - Ảnh 2.

Nhu cầu sử dụng các khoản đặt cược phòng hộ vẫn ở mức thấp, tương đương với năm 2019.

Những mối lo ngại khác về biến động thị trường cũng có thể phản ánh một yếu tố khác đối với sự sụt giảm của thị trường. Việc S&P 500 giảm 18% trong năm nay có những nguyên nhân rõ ràng là chính sách tiền tệ được thắt chặt và lạm phát tăng. Câu hỏi lớn được đặt ra là khi nào 2 yếu tố này mới dịu lại để giúp thị trường "quay đầu".

Hôm thứ Sáu, S&P 500 đã tăng hơn 3% - mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020, sau khi kỳ vọng lạm phát giảm bớt và một quan chức Fed nói rằng lo ngại về suy thoái đã qua đi.

Edmund Shing - CIO của BNP Paribas Wealth Management, nhận định: "Nhà đầu chưa thực sự hoảng sợ để mua các quyền chọn phòng hộ ngắn hạn. Điều này sẽ đẩy VIX lên cao hơn nhiều."

Song, rất ít dấu hiệu cho thấy điều này đang thay đổi. Chỉ số VIX đang dao động dưới mức 100 và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020 trong thời gian gần đây. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư đang kỳ vọng diễn biến của VIX sẽ "suôn sẻ" hơn.

Con gấu từ từ nhấn chìm Phố Wall nhưng nỗi sợ hãi vẫn chưa thực sự hiệu hữu: Dấu hiệu cho thấy thị trường còn lâu mới chạm đáy?  - Ảnh 3.

Sự khác biệt giữa chỉ số theo dõi CDS và VIX.

Nhờ đó, diễn biến trên thị trường cổ phiếu hiện tại khá khác lạ. Một thước đo khác về dự báo biến động trên thị trường trái phiếu - chỉ số ICE BofA MOVE, đang giao dịch ở gần mức cao nhất đạt được trong đợt bán tháo hồi tháng 3/2020. Diễn biến này cũng tương tự với chỉ số Global FX Volatility của JPMorgan.

Dean Curnutt chuyên gia của Macro Risk Advisors, chỉ ra sự khác biệt giữa diễn biến cổ phiếu và trái phiếu: "Lạm phát, chính sách của Fed và lãi suất cao là trọng tâm của những rủi ro trên thị trường. Do đó, MOVE đang ở mức cực kỳ cao."

Shing cho biết ông rất ngạc nhiên khi VIX không tăng lên khi những chỉ báo về rủi ro doanh nghiệp - ví dụ như chi phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS), đã tăng mạnh trong năm nay.

Ở những thị trường giá xuống gần đây, VIX đã tăng lên tới 45 điểm trước khi S&P 500 chạm đáy. Con số này gần như là mức cao nhất trong năm 2002, đánh dấu sự sụt giảm "tận cùng" mà bong bóng dot-com gây ra cho thị trường. Còn hôm thứ Sáu, chỉ số này kết thúc ngày giao dịch ở 27 điểm.

Tham khảo Bloomberg

https://cafef.vn/con-gau-tu-tu-nhan-chim-pho-wall-nhung-noi-so-hai-van-chua-thuc-su-hieu-huu-dau-hieu-cho-thay-thi-truong-con-lau-moi-cham-day-20220626140045214.chn

Vu Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên