MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía

11-03-2021 - 15:56 PM | Sống

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía

"Tôi vẫn nhớ đêm trước khi con đi tôi có dặn con: Nếu không thích nghi được môi trường mới, nếu con cảm thấy mệt mỏi, hãy vứt bỏ tất về với mẹ con nhé. Cho dù thế nào thì con vẫn là con trai yêu quý của mẹ, mẹ luôn hạnh phúc và tự hào vì có con trên cuộc đời này".

"Tôi chỉ có một đứa con trai duy nhất, khi sinh ra nó bị thiếu cân, cộng thêm cái tính chiều con của hai vợ chồng nên phải dùng từ là chiều con vô lối. Hồi nó còn bé, tôi luôn nhận được ánh mắt không hài lòng của bà ngoại vì cái cách tôi luôn đáp ứng mọi đòi hỏi của con. 

Tôi vẫn biết là mình sai, nhưng không hiểu sao cứ chiều thế, tôi luôn sợ con buồn, con tổn thương. Chỉ thấy nó ngước đôi mắt lông mi cong rợp lên nhìn mẹ là tôi bị đốn tim mất rồi", chị H.A ở Hà Nội, mở đầu câu chuyện của mình như thế.

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 1.

"Chỉ thấy nó ngước đôi mắt lông mi cong rợp lên nhìn mẹ là tôi bị đốn tim mất rồi". (Ảnh minh họa)

Tự nhận mình là một bà mẹ "chiều con vô lối", con muốn đút cơm sẽ đút, con muốn mẹ soạn sách vở, chị sẽ soạn. Trải qua quá trình đồng hành cùng con từ mẫu giáo cho đến đại học, chị cho rằng: "Nghĩ lại xuyên suốt thời gian nuôi dạy, đồng hành cùng con của tôi là: Luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu. Tôi luôn bình thản chấp nhận mọi nhược điểm cũng như thất bại của con. Bao giờ cũng cùng con trả lời nguyên nhân thành công cũng như thất bại. 

Và một điều rất quan trọng là con tôi không nói dối mẹ bất kỳ điều gì, mỗi khi con thành công hay thất bại thì tôi là người đầu tiên con muốn thông báo. Không hiểu có phải cái tội chiều con vô lối cũng cho tôi hiểu con sâu sắc nhất không?".

Con trai chị hiện đã đi làm được 8 tháng. Thanh niên này giờ là một kỹ sư trẻ xuất sắc, khi vừa tốt nghiệp Đại học đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn Công nghệ lớn trên thế giới.

Cùng tham khảo câu chuyện "nói xấu" con từ mẹ H.A, biết đâu các phụ huynh có thể rút ra được điều gì đó cho quá trình nuôi dạy con của mình:

Mẫu giáo

Ưu điểm: Dạn dĩ, thích đi học, hoà nhập rất nhanh với bạn bè.

Nhược điểm: Nghịch, hiếu động, chuyên đi học muộn vì bố mẹ không có cách nào để con ngủ dậy đúng giờ, nhanh chóng ăn và đi học.

Càng giục, càng quát mắng thì con sẽ càng chậm hơn.

Tiểu học

Khi bạn ý đi học tiểu học, tôi cũng không có cách nào để rèn tác phong của bạn ấy. Thế là để cho nhanh, nhà cửa đỡ ầm ĩ, tôi chọn giải pháp tiếp tục phục vụ bạn ý. Ví dụ: Vì bài vở nhiều, mà bạn ý mỗi tối còn nhởn nhơ mãi mới học nên khi học xong đã rất muộn, vì thương con, lo con không đủ giấc ngủ, tôi soạn sách vở vào cặp cho bạn ý. Bạn ý ăn chậm thì mình đút cơm,... đại loại như vậy.

Đến tận bây giờ khi gặp lại cô giáo mẫu giáo thì ấn tượng của cô về bạn ý là chuyên đi học muộn, còn ấn tượng của cô giáo tiểu học là cô hỏi tại sao quên cặp sách thì hồn nhiên trả lời tại bố em quên ạ.

Kể qua dài dòng như vậy để các phụ huynh hình dung được tôi tệ trong cách nuôi dạy con đến mức nào, có lẽ cái lớn nhất tôi cho con là tình yêu vô bờ bến của người mẹ. Cái này thì ai cũng có mà.

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 2.

Bạn ý được học ở một trường tiểu học có thể nói là tốt ở Hà Nội. Khi đến lớp, bạn ý cũng biết chấp hành nội quy của cô giáo, bạn ý dễ gần, hoà nhập, hiền hoà, không bao giờ đánh nhau. Nhưng bạn ý không chăm học, bạn ý không hề có đích gì trong học tập, và bạn ấy không hề quan tâm đến ai đang giỏi hơn bạn ấy.

Rồi đến lớp 4, không hiểu cô giáo đã thổi vào lớp ngọn lửa gì mà về nhà bạn ý nói với mẹ con sẽ học để đỗ một trường chuyên danh tiếng và ơn giời bạn ý đỗ thật. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng lớp của bạn ý có 13 bạn đỗ năm ấy, 13/180 bạn trên toàn thành phố Hà Nội, một con số rất đáng nể. Tôi biết ơn cô giáo của bạn ý lắm!

Học trường chuyên

Đây thời gian mẹ con tôi vất vả nhất. Cả mẹ và con đều choáng ngợp vì gặp được nhưng người bạn xuất sắc. Xuất sắc ở đây không phải chỉ chuyện các bạn ý học rất giỏi, mà các bạn ấy đĩnh đạc, chỉn chu, ở các bạn ấy không có nét trẻ thơ như con trai tôi. Các bạn ấy như đã trưởng thành. Tôi càng nhận thấy con trai mình thiếu nhiều kỹ năng quá... Nhận ra đấy nhưng làm thế nào để thay đổi con mình, rất khó, vì con trai tôi hồn nhiên lắm. Thôi thì chỉ hy vọng con học hỏi được ở bạn, ở thầy vậy.

Con tôi vẫn không chăm học, mặc dù kết quả học tập không quá xuất sắc, nhưng cũng không đến nỗi quá tệ. Và tôi hài lòng với kết quả đó vì tôi nhìn thấy một số bạn của con tôi không những giỏi, ý thức tốt lại còn rất chăm học. Còn con trai tôi, cháu luôn sợ học nhiều quá sẽ thiệt (cũng không hiểu là thiệt gì nữa), môn học nào cũng vậy, chỉ học vừa đủ, còn lại con chỉ thích chơi. Và rồi đến cuối lớp 7 con bắt đầu xin mẹ nghỉ học thêm ở một số lớp, hỏi thì được trả lời rất đơn giản là không phù hợp, không thích cách dạy của thầy cô.

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 3.

Các bạn ở trường chuyên học rất giỏi, lại đĩnh đạc, chỉn chu. (Ảnh minh họa)

Ban đầu tôi không thể chấp nhận được lý do này vì tất cả những lớp con học thêm tôi đều rất khó khăn, cậy cục, nhờ và mới xin được. Và luôn nơm nớp lo con gây lỗi bị đuổi học. Nhưng rồi tôi cũng phải chịu thua bạn ý, tôi phải đồng ý cho bạn ý nghỉ hầu hết các lớp học thêm trong đó có cả lớp tiếng anh. Rồi thì lớp 8 điểm số trên lớp bắt đầu trồi sụt, mỗi lần như vậy con tôi đều thản nhiên nói tại con không học thêm nên chưa gặp dạng này, nếu học rồi thì sẽ làm tốt thôi...

Nói vậy thôi chứ tôi biết ơn trường chuyên này lắm, nơi này giúp con tôi hiểu rõ mình là ai, và mang lại cho con tôi ý chí quật cường, không lùi bước trước khó khăn (điều này sau này tôi mới nhận ra). Còn lúc đó tôi chỉ nhận thấy con tôi không phù hợp với môi trường học đó.

Không phù hợp thì làm thế nào? Tôi hỏi con trai và câu trả lời là cho con đi du học. Ừ thì du học: Hãy viết ra cho mẹ hiểu để xin tiền mẹ. Phân tích lý do tại sao muốn thay đổi môi trường.

Trích đoạn con viết: "Con không thể học giỏi đều các môn, tiếp cận một cái mới con muốn hiểu thật kỹ và tự tư duy. Nhưng thực tế lượng bài tập các môn quá nhiều, con không đủ thời gian để nghiền ngẫm sâu, phải chấp nhận học dạng, học cách giải, nói tóm lại là học thụ động, điều này làm con không thích và không thể học. Và theo con biết học ở Mỹ được chọn lớp theo khả năng của mình, con sẽ có thời gian để học sâu những cái con thích học...".

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 4.

Và rồi, rất nhanh, vợ chồng tôi thống nhất cho con đi du học từ lớp 9. Phải nói thật rằng nếu tôi có nhiều thông tin như bây giờ thì có lẽ tôi không dám cho con đi. Nhưng ngày đấy tôi mù tịt mọi thứ, chỉ có một niềm tin mơ hồ vào con. Đôi khi ta dại khờ cũng hay.

Tôi quyết định cho con đi du học trước những cái nhìn ái ngại của thầy cô, bạn bè và những người thân trong gia đình. Với mọi người: Con trai tôi chưa được rèn luyện nề nếp, chưa có sự học hành ổn định, chưa chín chắn... vân vân và mây mây. Nhưng bỏ qua tất cả, tôi có một niềm tin vào bản lĩnh của con, tôi tin con thích con sẽ làm được.

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 5.

Tôi quyết định cho con đi du học trước những cái nhìn ái ngại của thầy cô, bạn bè và những người thân trong gia đình. (Ảnh minh họa)

Tôi vẫn nhớ đêm trước khi con đi tôi có dặn con: Nếu không thích nghi được môi trường mới, nếu con cảm thấy mệt mỏi, hãy vứt bỏ tất về với mẹ con nhé. Cho dù thế nào thì con vẫn là con trai yêu quý của mẹ, mẹ luôn hạnh phúc và tự hào vì có con trên cuộc đời này.

Con tôi nói với tôi rằng: Nếu mai ra sân bay mẹ chắc chắn không khóc thì hãy đi tiễn con, còn nếu mẹ không chắc thì mẹ đừng đi nhé. Giờ phút đấy tôi mới cảm nhận hết được sự quyết tâm của con và cũng cảm nhận được rõ ràng sự xa cách.

Du học Mỹ

Những năm con học THPT ở Mỹ, cách tôi đối phó với sự lo âu là không bao giờ hỏi điểm số của con, bởi một điều tôi nghĩ lo cũng không giải quyết được gì nên tốt nhất là không nên biết, không nên gây áp lực cho mình và con. Ngày nào cũng gọi cho con chỉ kể chuyện phiếm, đôi khi lồng các thông điệp về quan điểm sống muốn gửi gắm, con không thích nghe thì đổi chủ đề.

Rồi mọi việc cũng ổn, con hoà nhập khá tốt, điểm số tốt, luôn lọt vào top honor của trường. Rồi con theo đuổi những dự án cá nhân và đi dự thi. Nói chung tôi cũng không hiểu hết vì con ít nói rõ về bản thân. Có lẽ con cũng áp lực cho những hoạch định tương lai nên không muốn nói trước điều gì. Hoặc có thể cái tuổi dở dở, ương ương nên nó thế.

Rồi đến năm lớp 12, trước khi trở lại Mỹ con chỉ nói với tôi con sẽ không liên lạc với mẹ cho đến khi con có kết quả đại học. Khi tôi lần lượt nhận được mail của các trường thì tôi giật mình về cái danh sách Apply của con trai tôi, hầu hết các trường đều có xếp hạng khá cao trong khoảng top 25, có khoảng 3 trường rank ngành Computer Science (Khoa học máy tính) khoảng 50 đến 60, nhóm này chi phí họ cho con tôi khá tốt, đạt yêu cầu 20 ngàn đô trong khả năng của tôi đưa ra trước đó. Và rồi tôi lại nhận được mail xin tiền của con tôi, và tôi lại nghe theo nó.

Học đại học

Khi con vào đại học, tôi quen được một chị phụ huynh thông thái, chị ấy hiểu biết rất nhiều. Sau khi nghe tôi kể về "background" con tôi thì chị ấy khuyên tôi nên định hướng cho con học PHD (tiến sĩ), theo chị thì con tôi có nhiều thứ thuận lợi. Tôi đã nói chuyện với con và câu trả lời là không. Một lần nữa tôi lại thấy buồn vì nó, nó không chăm học...

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 6.

Hầu hết các trường con apply đều có xếp hạng khá cao trong khoảng top 25, có khoảng 3 trường rank ngành Computer Science (Khoa học máy tính) khoảng 50 đến 60. (Ảnh minh họa)

Để hy vọng con sẽ thay đổi, tôi nói với con cứ chuẩn bị cả 2 hướng: Là đi làm hoặc học tiếp PHD (mọi người hay nói là đi 2 hàng), nhưng con tôi nói đó là 2 thiên hướng hoàn toàn khác nhau, con không thể đồng thời làm tốt cả 2 được.

Sau rất nhiều thất bại thì rồi khoảng tháng 10 của năm đại học thứ 3 con tôi thông báo nhận được offer intern của nhiều công ty công nghệ của Mỹ. Con tôi đã phải rất khó khăn để đưa ra lựa chọn cuối cùng. Tôi có hỏi con sao con không chọn nghỉ học 1 kỳ để intern thêm một công ty nữa, con tôi trả lời là con muốn học thêm một số lớp mà con thích (mặc dù số môn để tốt nghiệp con đã gần đủ khi học hết năm 3).

Đi làm

Giờ thì con trai của tôi đi làm được 8 tháng rồi. Đánh giá 6 tháng đầu đi làm con tôi ở mức: "mức ngoài mong đợi". Và tôi cũng hiểu rằng nó đang rất hạnh phúc với con đường mà nó chọn, tôi sẽ chẳng phải lo lắng gì cho nó nữa. Tôi cũng thấy hạnh phúc và bằng lòng với con.

Chê con rất nhiều rồi chỉ xin khoe với các phụ huynh rằng con trai tôi rất hiền, nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt của nó. Khi ở bên nó tôi luôn cảm thấy dễ chịu, nó rất vui vẻ và khôi hài, luôn biết cách làm tôi cười.

Con học tập không xuất sắc nhưng vừa tốt nghiệp đã nhận thư mời làm việc của 4 tập đoàn lớn, bà mẹ ở Hà Nội chia sẻ đôi lời mà ai đọc xong cũng thấm thía - Ảnh 7.

Chị H.A chia sẻ thêm, mặc dù chiều con nhưng trong quá trình ấy, mình phải có cách để dần dần con hiểu vì yêu con vô bờ nên chiều và cũng luôn có những nguyên tắc nhất định. Đọc một mẩu báo, một câu chuyện có gì hay là bình luận, mổ xẻ, rồi lồng các thông điệp vào để dạy con. Con sẽ ngấm từ từ vào tiềm thức lúc nào không biết. Khi nói về ai đó thành đạt, cả nhà luôn tìm điểm khác biệt của người đó để trao đổi với con. Ai học rất giỏi mà không thành công cũng phân tích, không đổ tội cho số phận...

"Tôi thậm chí còn luôn mang mình ra "nói xấu", ngày xưa mẹ làm sai cái này cái kia, và dặn con đừng nóng tính, rút kinh nghiệm đừng như mẹ. Con thân mẹ, hay thần tượng mẹ nên tôi phải nói xấu mình để con hiểu cuộc đời không ai hoàn hảo cả".

Đôi lời tâm huyết nhắn nhủ:

Các phụ huynh có con chưa nề nếp, chưa tự lập, học chưa xuất sắc đừng nản chí, hãy đồng hành cùng con, mỗi con người đều có điểm mạnh yếu khác nhau, hãy kiên trì, lằng nghe, đặt lòng tin vào con. Nhiều phụ huynh chạy đua muốn con học thật giỏi, đạt điểm số cao xuất sắc tất cả các môn nhưng không bao giờ trả lời câu hỏi: Giỏi để làm gì? Nếu để đỗ đại học, không cần học đến thế! Để đi du học, không cần luôn. Để thi quốc tế? Mấy người đạt được đến đỉnh cao đó.

Thành tích con cái không phải là trang sức của bố mẹ. Hãy cứ bình thản khi con không làm được điều gì mình kỳ vọng, điều bố mẹ cần là hướng con trau dồi các kỹ năng mềm.

Hãy để con khám phá bản thân, tìm ra cái mình yêu thích và tạo môi trường để con phát triển đam mê. Đứa trẻ phát triển do nền tảng gia đình, môi trường xã hội tốt, bạn bè tốt, học là cái sau cùng. Khi có nền tảng ý thức, con người sẽ biết cách học.

Và hãy nghĩ không có công thức chung cho những đứa trẻ, chỉ có mình mới hiểu con mình nhất. Tôi tin rằng khi mình đã làm tất cả vì con theo đúng cách thì chắc chắn sẽ gặt hái quả ngọt.

Theo Hạ Uyên

Trí thức trẻ

Trở lên trên