MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con học trường quốc tế đóng học phí hơn nửa tỷ/năm, phụ huynh hốt hoảng khi con không lên xe bus mà trường không gọi điện báo, phải gửi email ghi "khẩn cấp" tới 3 lần

27-08-2020 - 23:04 PM | Sống

Phụ huynh bức xúc vì con không lên xe đưa đón nhưng không nhận được cuộc gọi nào của nhà trường.

Chuyện cho con đi học bằng xe đưa đón của nhà trường sao cho an toàn luôn là mối quan tâm lo lắng của các bậc phụ huynh. Nhất là thời gian vừa qua đã có những sự cố đáng tiếc xảy ra với học sinh chỉ vì sự tắc trách của người lớn.

Mới đây, một phụ huynh ở Hà Nội tiếp tục phản ánh trường Quốc tế Singapore (KĐT Gamuda, quận Hoàng Mai) về việc con không lên xe đưa đón nhưng không có ai thông báo.

Phụ huynh này chia sẻ: "Sáng ngày 24/8, con gái tôi xin xuống dưới nhà đi ăn sáng với bạn từ sớm và xin phép đi học cùng bạn luôn. Tôi không đồng ý. Cứ đinh ninh đến giờ con sẽ đi xe đưa đón của nhà trường như mọi ngày là 7h33 sáng nhưng tầm 7h45 con chạy lên nhà lấy đồ.

Tôi ngỡ ngàng vì không thấy cô xe bus gọi báo. Sau đó vì nhỡ chuyến đã gọi xe ngoài cho con đi học".

Con học trường quốc tế đóng học phí hơn nửa tỷ/năm, phụ huynh hốt hoảng khi con không lên xe bus mà trường không gọi điện báo, phải gửi email ghi khẩn cấp tới 3 lần  - Ảnh 1.

Trường Quốc tế Singapore.

Tuy nhiên, đến 2h chiều, chị mới giật mình nhớ ra chuyện không nhận được thông báo không đi xe bus mà con đi học muộn nhà trường cũng không hỏi han... Lúc này chị mới lo sợ con bỏ học đi chơi với bạn.

"Tôi lập tức gửi email thứ nhất với tiêu đề KHẨN CẤP (URGENT) hỏi nhà trường về quy trình đón, nhận, trả học sinh và cha mẹ có được thông báo nếu con không tới trường không?". Không thấy ai trả lời tôi viết tiếp lá thứ hai vẫn tiêu đề KHẨN CẤP cần xác nhận NGAY con có ở trường không. 

Nhà trường vẫn tiếp tục im lặng và cử cô xe bus gọi cho tôi. Nhưng cô không phải là người đứng lớp nên không thể biết được con có trong lớp hay không. Điều tôi cần là nhà trường đi kiểm tra và báo lại ngay cho phụ huynh yên tâm.

Tôi vẫn không nhận được bất kể thông tin gì nên viết tiếp email thứ 3 với tiêu đề "đề nghị tôn trọng phụ huynh, trả lời email". Nhà trường tiếp tục cử một nhân viên ra nói chuyện... 

Con không đi bus không báo. Con tới trường muộn không hỏi tại sao. Phụ huynh hỏi thì phớt lờ không thèm báo và trả lời lại. Và sau đó thì trả lời rằng vì chỉ có 1 người phải giám sát hơn 700 học sinh nên không kịp báo ngay. Đại diện nhà trường cuối cùng mới viết email trả lời và câu đầu tiên là đổ trách nhiệm cho cô xe bus, tới cuối cùng thì trả lời kiểu văn hoá ở đây là như thế đấy".

Theo chia sẻ, con gái chị học tại trường từ năm 2 tuổi và đến nay đã học được 14 năm.

"Chừng đó năm chứng kiến trường hết bị kiện về không có giấy phép, thuê giáo viên kém chất lượng, ăn gian học phí... mình tuyệt nhiên không tham gia biểu tình hay kiện cáo gì vì mình không trực tiếp nhìn thấy và kiểm tra vấn đề đó. Mình vẫn tin họ và cho con học.

Học phí của 2 đứa con nửa tỷ mỗi năm coi như quăng đi một cái ô tô tầm trung hoặc một cái chung cư nhỏ nhưng được trả lời rằng chỉ có một người phải giám sát hơn 700 học sinh nên không trả lời kịp. Vậy tiền của tôi được chi trả vào đâu để thiếu nhân sự liên quan tới tính mạng của con người?

Trách nhiệm nhà trường ở đâu khi mà hai email trước tôi đều ghi chữ KHẨN CẤP cần xác nhận nhưng đều phớt lờ, sau cái email thứ 3 mới cử một cô bé ra nói chuyện với tôi như này?", phụ huynh này bức xúc.

Chúng tôi đã liên hệ với trường Quốc tế Singapore và sớm thông tin về vụ việc.

Con học trường quốc tế đóng học phí hơn nửa tỷ/năm, phụ huynh hốt hoảng khi con không lên xe bus mà trường không gọi điện báo, phải gửi email ghi khẩn cấp tới 3 lần  - Ảnh 2.

Học phí tại trường Quốc tế Singapore.

Được biết, hệ thống trường Quốc tế Singapore hiện tại có 10 cơ sở nằm rải rác khắp cả nước. Tại Hà Nội, trường có 3 cơ sở ở Vạn Phúc, Khu đô thị Gamuda và Khu đô thị Ciputra.

Đây là trường nằm trong top đầu các trường có mức học phí cao. Thấp nhất là lớp 1-3 có mức phí 418 triệu đồng/năm và cao nhất là lớp A/AS có mức phí là 524 triệu đồng/năm.

Theo Hoàng Hà

Pháp luật & Bạn đọc

Trở lên trên