MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn khát khí đốt của châu Âu đang tạo ra một cuộc đua mới trên quy mô toàn cầu

24-08-2022 - 15:25 PM | Tài chính quốc tế

Cơn khát khí đốt của châu Âu đang tạo ra một cuộc đua mới trên quy mô toàn cầu

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đã kích hoạt một cuộc cạnh tranh trên toàn cầu đối với các tàu chở khí đốt tự nhiên. Tình trạng này đã khiến nguồn cung tàu khan hiếm và tiếp tục đẩy giá nhiên liệu lên mức cao kỷ lục.


Các nước châu Âu đã tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, Qatar và một số quốc gia khác trong năm nay, giảm sự phụ thuộc vào Nga. Do đó, họ phải cạnh tranh với Hàn Quốc và Nhật Bản – nơi nhu cầu khí đốt tăng cao trong đợt nắng nóng, để có được lượng nguồn cung có hạn trong khi vận chuyển bằng một số ít tàu.

"Cuộc đua" nguồn cung đã khiến các đơn đặt hàng và chi phí với tàu vận chuyển LNG – có chiều dài bằng 3 sân bóng, tăng cao. Giá thuê các tàu chở dầu cũng đang tăng vọt và từ đó lại đẩy giá khí đốt ở châu Âu, châu Á tăng kỷ lục.

Bản đồ năng lượng thế giới bị xáo trộn

Hôm 22/8, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng thêm 15% sau khi Nga thông báo sẽ tạm thời ngừng hoạt động một đường ống lớn để bảo trì đột xuất vào cuối tháng này. Theo đó, giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ cũng tăng 3,7%, lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Các nhà giao dịch đang dự đoán giá khí đốt và cước vận chuyển tàu chở dầu sẽ còn lên cao hơn nữa, nếu nhu cầu của Trung Quốc hồi phục mạnh trước mùa đông.

Cuộc chạy đua để có được các đơn đặt hàng đối với tàu chở dầu là một dấu hiệu khác của việc bản đồ năng lượng thế giới thay đổi sau mâu thuẫn Nga – Ukraine. Mối căng thẳng hiện tại càng làm gia tăng sự cạnh tranh đối với nguồn cung năng lượng vốn đã hạn chế, định hướng lại dòng chảy hàng hóa. Cùng với đó, các bộ phận của thị trường dầu khí toàn cầu cũng bị xáo trộn khi những bên ủng hộ và phản đối Nga phải trả những mức giá khác nhau.

Cơn khát khí đốt của châu Âu đang tạo ra một cuộc đua mới trên quy mô toàn cầu - Ảnh 1.

Nhu cầu đối với LNG và các tàu chở dầu đã ở mức cao ngay cả trước khi mâu thuẫn Nga – Ukraine xảy ra. Nguyên nhân là do thời tiết khắc nghiệt đã cản trở hoạt động của các nhà máy thủy điện và nhiều nền kinh tế tìm cách loại bỏ than để giảm lượng khí thải carbon. Xu hướng này càng được đẩy nhanh sau khi cuộc xung đột diễn ra.

Trước mâu thuẫn Nga – Ukraine, Nga cung cấp 40% nguồn cung khí đốt cho EU, chủ yếu thông qua mạng lưới các đường ống. Khi thời gian nâng cấp mạng lưới kéo dài để EU có thể nhập khẩu từ các nhà xuất khẩu khác, thì giải pháp thay thế ngắn hạn chính là LNG. Loại nhiên liệu này chỉ mua được từ các nhà sản xuất ở xa hơn và mất thời gian, chi phí vận chuyển.

Trong quá trình sản xuất, LNG này được làm lạnh đến -162 độ C và chuyển thành dạng lỏng để có thể lưu trữ và vận chuyển đến các cảng. Tại đây, LNG được đưa trở lại trạng thái khí và sử dụng để cung cấp năng lượng cho các nhà máy, sưởi ấm cho các ngôi nhà.

Châu Âu lại gặp thách thức

Jason Feer – trưởng bộ phận tình báo kinh doanh tại hãng môi giới tàu Poten & Partners, cho biết, hiện tại chỉ có 1 tàu chở LNG có sẵn để cho thuê trong chuyến đi ở châu Á từ 2 tháng trở lên, kể từ thời điểm này. Trong khi đó, ở Đại Tây Dương không có một tàu nào.

Thiếu tàu vận chuyển đang là một thách thức khác với châu Âu, nơi chính phủ các nước đang chạy đua để lấp đầy kho lưu trữ trước mùa đông và doanh nghiệp phải chi trả mức giá khí đốt cao. Nga đã giới hạn nguồn cung đến Đức thông qua đường ống Nord Stream, chỉ với 20% công suất.

Cơn khát khí đốt của châu Âu đang tạo ra một cuộc đua mới trên quy mô toàn cầu - Ảnh 2.

Một tàu chở LNG đang trong quá trình hoàn thiện tại Geoje (Hàn Quốc)

Giữa "cuộc chạy đua" lấy nguồn cung khi đốt, theo Spark Commodities, cước thuê hàng ngày đối với các tàu chở dầu mà các nhà giao dịch đã đặt từ tháng 9 đến tháng 11 đã tăng lên 105.250 USD/ngày, từ mức khoảng 64.000 USD ở hiện tại và 47.000 USD vào năm ngoái. Các tàu này có lộ trình di chuyển từ Mỹ đến châu Âu.

Vào tháng 6, cước vận chuyển của các tàu này đã vượt 100.000 USD/ngày, sau đó giảm khi hỏa hoạn xảy ra tại một cơ sở xuất khẩu LNG tại Mỹ. Các nhà phân tích và nhà giao dịch dự đoán nhu cầu sẽ hồi phục, vì các công ty thương mại đã đặt thêm nhiều tàu vận chuyển trong dài hạn nhằm đảm bảo nguồn cung LNG. Do đó, lượng tàu có sẵn cũng sụt giảm.

Để tránh sự gián đoạn trong tương lai, các nhà giao dịch đang phải mua tàu. Theo Stephen Gordon – giám đốc điều hành công ty vận tải biển Clarkson có trụ sở tại London, khách hàng của công ty đã thanh toán 24,1 tỷ USD đối với các đơn đặt hàng tàu chở LNG mới trong năm nay. Con số này đã vượt qua mức kỷ lục của năm ngoái là 15,6 tỷ USD.

Cơn khát khí đốt của châu Âu đang tạo ra một cuộc đua mới trên quy mô toàn cầu - Ảnh 3.

Hiện tại, 257 tàu đang được đặt hàng trên toàn cầu, theo công ty tư vấn Rystad Energy. Hãng này ước tính, các nhà sản xuất tàu ở Hàn Quốc – nhà sản xuất tàu chở LNG lớn nhất thế giới, nay không còn đủ công suất để đóng thêm tàu cho đến năm 2027.

Một trong số các khách hàng mua nhiều tàu chở LNG nhất là Qatar – cũng nằm trong top các nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Quốc gia này đã trở thành "niềm hy vọng" mới cho châu Âu trong quá trình loại bỏ sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Do đó, EU đã đàm phán với Qatar về các hợp đồng mua LNG dài hạn.

Nhu cầu bùng nổ đối với các tàu chở dầu cũng đẩy giá tàu mới lên cao. Theo Rystad, giá thép tăng và công suất đóng tàu không đủ cũng gây ra tình trạng lạm phát tàu chở dầu. Giá đóng tàu mới hiện lên tới 240 triệu USD/chiếc so với 190 triệu USD vào 1 năm trước đây.

Kaushal Ramesh – nhà phân tích tại Rystad, cho biết, giá tàu chở dầu và cước thuê tàu tăng cao đang ảnh hưởng đến chuỗi giá trị LNG, càng khiến giá khí đốt trên thế giới leo thang.

Nhu cầu đối với các khu lưu trữ nổi và tái khí hóa cũng tăng. Việc thiết lập các cơ sở này (được gọi là FSRU) diễn ra nhanh hơn hoạt động xây dựng một trạm đầu mối – thường mất vài năm. Ở khắp châu Âu, 14 FSRU đang được lên kế hoạch triển khai. Theo Rystad, giá thuê tàu của FSRU đã tăng lên 200.000 USD/ngày, cao hơn gấp đôi so với đầu năm ngoái.

Trong khi đó, Đức lại không có một trạm đầu mối LNG nào khi nhiều năm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Berlin đang có kế hoạch xây dựng 2 FSRU vào cuối năm nay và một số được triển khai vào năm sau.

Tham khảo WSJ


Chi Lan

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên