MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Còn lại gì sau những… “cơn sóng đất”?

23-05-2021 - 08:00 AM | Bất động sản

Còn lại gì sau những… “cơn sóng đất”?

Không chỉ gây đảo lộn thị trường bất động sản trong một thời gian, những “cơn sóng đất” vừa qua còn để lại nhiều hệ lụy nặng nề, về kinh tế, cùng với đó là những “lỗ hổng” trong quản lý, quy hoạch…

Thời gian vừa qua, dư luận “nóng” lên khi tại nhiều địa phương những cơn “sốt đất” ảo náo loạn thị trường, người người, nhà nhà đầu tư vào đất, từ đất sạch có quy hoạch, đất nền… cho tới đất ven sông đều ồ ạt tăng giá một cách bất thường.

Thế nhưng, khi những “cơn sóng đất” này đi qua, hệ lụy lại vô cùng thê thảm, nhẹ nhàng thì kinh tế suy giảm, nặng hơn vướng nợ nần,… cùng với đó là không ít lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản “xộ khám” vì bị cuốn theo cơn say “sốt đất”.

Còn lại gì sau những… “cơn sóng đất”? - Ảnh 1.

Những cơn "sốt đất" ảo vừa qua không chỉ để lại nhiều hệ lụy mà còn cho thấy những "lỗ hổng" trong quản lý, quy hoạch - Ảnh minh họa


Trước sự quay cuồng của những cơn “sốt đất”, không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã liều mình mang dự án ra bán, thu tiền của khách hàng, bất chấp các quy định của pháp luật.

Tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Anh Đức - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ bất động sản Vincomreal để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

Theo điều tra ban đầu, năm 2018, Đức nhận chuyển nhượng từ các hộ dân 14 thửa đất có tổng diện tích khoảng 15.000 m2 ở huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến năm 2019, Đức hợp nhất 14 thửa đất này và sau đó chia thành 75 thửa nhỏ.

Dù chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng, cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép, nhưng khu đất này vẫn được các đối tượng giới thiệu là “Khu dân cư Golden Central Park” do Công ty Vincomreal làm chủ đầu tư, sau đó ký hợp đồng chuyển nhượng 70 nền đất cho khách hàng, thu lời bất chính nhiều tỷ đồng.

Hay mới đây, Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã tống đạt quyết định khởi tố và bắt tạm giam 3 bị can là Giám đốc và Phó Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản nhà đất Đồng Nai có trụ sở tại A3H6, khu phố 4, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong đó, bất chấp việc không được cơ quan chức năng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất, các đối tượng đã tự "vẽ" ra 4 dự án khu dân cư, tự đặt tên là Happy Town 2, Happy Town 3, Green Town và Nice Town, để ký hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với khoảng 400 khách hàng (khoảng 600 lô đất), thu về số tiền hơn 100 tỉ đồng.

Còn lại gì sau những… “cơn sóng đất”? - Ảnh 2.

Cơn say "sốt đất" ảo để lại nhiều hệ lụy từ doanh nghiệp, đến người dân - Ảnh minh họa


Ngoài những trường hợp trên, còn có hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý do sai phạm trong kinh doanh bất động sản như ông Nguyễn Văn Chung - Giám đốc Công ty TNHH Đo đạc tư vấn thiết kế xây dựng DCB; ông Nguyễn Chí Thắng - Giám đốc Công ty Hưng Thịnh Phát; bà Trần Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land; Nguyễn Tuấn Linh (Giám đốc) và Lê Minh Nhật (Phó Giám đốc - Công ty Cổ phần đầu tư & phát triển địa ốc SP Land... khiến danh sách lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc “xộ khám” ngày càng dài.

Không chỉ những ông chủ doanh nghiệp bất động sản phải đền tội vì những gì đã gây ra, mà nhiều cá nhân cũng đi gom đất thổ cư, thậm chí đất nông nghiệp, đất rừng, nhận vơ cả đất hoang, rồi san nền, chia lô để bán lại, hay nhiều nơi không có quy hoạch, một cá nhân hoặc nhóm người vẫn đứng lên tự mặc cả, đàm phán với người dân, mở con đường, hình thành dự án "ma" rồi tìm cách lôi kéo khách đến mua, không ít người vì nhẹ dạ cả tin, vì lòng tham phút chốc lao đầu với giấc mơ “đổi đời” để rồi ôm hận, khi thời gian vừa qua giá đất “tụt dốc không phanh”, dự án đã mua không tồn tại, để rồi từ mục đích “lướt sóng” thôi lại bị sóng quật "chìm nghỉm".

Hệ lụy, nhìn từ thực tế là không phải bàn cãi, thế nhưng, từ những hệ hụy này đã cho thấy nhiều bài học nhãn tiền về “lỗ hổng” từ khâu quản lý, quy hoạch.

Còn lại gì sau những… “cơn sóng đất”? - Ảnh 3.

Cần bịt những "lỗ hổng" để tránh tái diễn tình trạng "sốt đất" ảo như thời gian vừa qua - Ảnh minh họa


Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “sốt đất” ảo như thời gian vừa qua, trong đó một phần xuất phát từ sự “buông lỏng” quản lý của chính quyền địa phương khi không đủ quyền lực, không đủ sự quyết liệt hoặc bị tác động bởi lợi ích, quyền lực cao hơn để họ nhắm mắt làm ngơ… cùng với đó là những hạn chế từ Luật Đất đai chưa theo kịp với thực tiễn.

Nhận định về vấn đề này, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, tình trạng "sốt" đất xảy ra ở khắp các nơi thời gian qua một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền.

Theo ông Võ, các quốc gia trên thế giới họ dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở đô thị chứ không sử dụng trong thương mại bởi về nguyên tắc, thị trường bất động sản phải khai thác giá trị đầu tư trên đất chứ không phải chờ tăng giá đất kiếm lợi nhuận như một hình thức "ăn sổi".

“Từ năm 2016 - 2020, Chính phủ đã chỉ thị 4 lần về sửa đổi Luật Đất đai, tuy nhiên, tới nay Luật Đất đai vẫn chưa được sửa. Trong đó, đất đai bị ách tắc với những quy định cũ, ví như đất nông nghiệp hiện nay vẫn chưa thực hiện tích tụ, tập trung có hiệu quả, cùng với đó là việc chuyển nhượng đất đai tại nông thôn gần như không theo thủ tục mà chủ yếu là viết tay. Rồi vấn đề phát triển nhà ở hiện nay cũng có nhiều ách tắc… Đặc biệt là vấn đề người nước ngoài mua đất chui lủi tại Việt Nam….Chính những bất cập này đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, làm méo mó và lũng đoạn thị trường, tạo cơ hội cho những kẻ cơ hội tranh thủ kiếm tiền”, GS Đặng Hùng Võ nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng cho rằng, ngoài bất cập từ Luật Đất đai cần sửa đổi, thì “lỗ hổng” trong quy hoạch cũng là một trong những nguyên nhân cần phải được đánh giá và nhìn nhận lại.

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, quy hoạch rất nhiều bước, rất phức tạp, lợi ích nhóm thường sẽ xuất hiện ở giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Lúc này, hội đồng quy hoạch phê duyệt ban đầu biến mất và chỉ còn lại hệ thống chính quyền, doanh nghiệp khi được bật đèn xanh sẽ lập tức nhảy vào vì lợi nhuận vô cùng lớn.

"Sự điều chỉnh quy hoạch là một lỗ hổng trong quy hoạch, xuất hiện lợi ích nhóm, nhà đầu tư “thò tay” can thiệp vào quy hoạch của Nhà nước”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Gia Nguyễn

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên