"Cơn lốc" giảm giá ô tô đang bị phanh lại
Hệ quả từ cuộc đua giảm giá của các doanh nghiệp khiến tâm lý của người tiêu dùng phản ứng ngược, gây tác động tiêu cực lên sức mua thị trường trong quý 2.
- 20-07-2017Kỷ lục tháng 7, ô tô giảm giá sâu nhất gần 200 triệu
- 20-07-2017Chuyên gia chỉ ra điểm vừa thừa, vừa thiếu trong dự thảo nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành ô tô
- 20-07-2017Nhiều bất cập trong quản lý ô tô công ở nước ngoài
Theo thống kê của VAMA, thị trường ôtô nửa đầu năm 2017 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của Toyota khi sản lượng bán ra tăng trưởng 19% so với cùng kỳ; thị phần tăng từ 18% cuối tháng 6 năm ngoái lên 22% tại thời điểm cuối tháng 6/2017.
Động lực thúc đẩy đến từ sự gia tăng mạnh mẽ doanh số bán hàng của các dòng xe: Vios, Inova, Fortuner do Toyota sản xuất. Nguyên nhân chính của sự bứt phá này là do chính sách khuyến mại tặng tiền trực tiếp làm giảm giá bán xe thực tế đã giúp Toyota đẩy nhanh doanh số bán hàng của mình.
Trong khi đó, dù không nằm ngoài cuộc đua giảm giá bán, nhưng THACO cũng không thể duy trì sản lượng của mình. 6 tháng đầu năm nay, sản lượng bán ra của hai dòng sản phẩm do THACO lắp ráp và phân phối là KIA và MAZDA giảm lần lượt 12% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính trên tổng các dòng xe do THACO phân phối, THACO vẫn đang chiếm lĩnh thị phần cao nhất, nhưng nếu xét riêng phân khúc xe du lịch, THACO đang để mất dần thị phần trước đối thủ Toyota.
Thị phần của các DN ôtô tại Việt Nam (Vòng trong: 6 tháng/2017; Vòng ngoài: 6 tháng/2016). Nguồn: VAMA, VDSC,
Trong khi đó, Ford vẫn tiếp tục giữ thị phần đứng thứ ba tại thị trường Việt Nam. Tuy các dòng xe của Ford có sự giảm nhẹ nhưng dòng xe Ford Everest/Explorer mới với lượng tiêu thụ tăng đột biến 396% so với cùng kỳ đã giúp Ford tăng trưởng 6 tháng đầu năm ở mức ổn định 5%.
Nhìn chung, phân khúc xe du lịch nửa đầu năm tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng có sự biến động giữa các tháng.
Trong năm nay, thị trường cho thấy tín hiệu tăng trưởng tích cực từ sản lượng xe du lịch của hãng Mercedes – Benz. Từ đầu năm đến nay, tổng lượng xe Mercedes – Benz tiêu thụ được đã lên đến 2.898 chiếc, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, đối thủ cùng phân khúc của Mercedes – Benz là Lexus dường như không còn được ưa chuộng như trước, khi giảm sản lượng đến 59% so với cùng kỳ.
Trái ngược với sự lạc quan về tổng sản lượng tiêu thụ Mercedes – Benz ở Việt Nam, doanh nghiệp phân phối dòng xe này duy nhất niêm yết là CTCP Ôtô Hàng Xanh (HAX) vừa báo lỗ 7 tỷ đồng trong quý 2 và lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm 42,7% so với cùng kỳ. Mặc dù doanh thu nửa đầu năm của HAX tăng trưởng 40% nhưng kết quả lợi nhuận xấu đi do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng cao đột biến, lần lượt là 231%, 97% và 118% so với 6 tháng đầu năm 2016.
Sản lượng xe Mercedes – Benz năm 2016 và 2017 (đvt: chiếc). Nguồn VAMA, VDSC.
Đáng chú ý ở phân khúc xe thương mại, từ năm 2015 đến giữa năm 2016 nhờ những chính sách siết chặt tải trọng xe cùng với quy định về hạn chế xe ba gác đã khiến nhu cầu về xe tải nhỏ, xe tải hạng nhẹ và hạng trung tăng cao đột biến. Thế nhưng sau thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu các loại xe này đã sụt giảm nhanh chóng.
Cụ thể, sản lượng lũy kế 6 tháng đầu năm của xe thương mại giảm 9% so với cùng kỳ. Theo thống kê bán hàng từ các thành viên VAMA, doanh số xe tải hạng trung giảm mạnh, trong khi đó số lượng xe tải nhỏ tiêu thụ lại tăng gần 6 lần. Tuy nhiên, VDSC cho rằng biến động mạnh này là do các doanh nghiệp thay đổi cách phân loại dòng xe của mình, từ “xe tải hạng nhẹ” sang “xe tải nhỏ”. Như vậy, trên thực tế, số lượng xe tải nhỏ chỉ tăng 29% so với cùng kỳ.
Sản lượng tiêu thụ xe thương mại năm 2015 - 2017 (đvt: chiếc). Nguồn: VAMA, VDSC.
Về nhận định thị trường ôtô trong 6 tháng cuối năm 2017, VDSC cho rằng có ba lý do chính giúp phân khúc xe du lịch sẽ có khả năng khởi sắc trở lại. Thứ nhất, thuế nhập khẩu ôtô giảm về 0% sẽ không còn là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chờ đợi. Vì thực chất muốn được áp dụng mức thuế suất này, loại xe đó phải đạt tỷ lệ nội địa hóa trong nội khối ASEAN trên 40%, trong khi số dòng xe đáp ứng yêu cầu này là rất ít.
Thứ hai, động thái giảm giá xe của các hãng được cho là một bước đi trước nhằm tránh sự giảm giá sốc trong năm 2018, vì thế có nhiều khả năng mức giá hiện tại sẽ không thể tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, phản ứng ngược từ khách hàng sẽ khiến các hãng cân nhắc khi đưa ra các chương trình khuyến mãi.
Thứ ba, theo quy luật, nhu cầu mua xe thường tăng cao vào nửa cuối năm. Do đó, kết quả kinh doanh nửa cuối năm của các doanh nghiệp phân phối xe du lịch sẽ có sự cải thiện. Hiện các doanh nghiệp này gồm: CTCP City Auto (CTF), CTCP Phú Tài (PTB), Savico (SVC), CTCP Ôtô Hàng Xanh (HAX),…
Tuy nhiên, phân khúc xe thương mại sẽ khó lấy lại được đà tăng trưởng cao như năm trước. Điều này sẽ gây khó khăn không nhỏ đến các doanh nghiệp lắp ráp và phân phối phân khúc này như THACO, TMT hay CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy (HHS),…
Infonet