"Cơn lốc" siêu dự án nghỉ dưỡng quay trở lại
Thị trường bất động sản 2018 phát triển ổn định, dự báo năm 2019 thị trường sẽ tiếp tục phát triển tốt. Trong đó, với bất động sản nghỉ dưỡng không cần lo "bong bóng" hay thừa cung, dư địa còn nhiều.
Đó là nhận định của GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại buổi Tọa đàm và Giao lưu trực tuyến về chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư” do Reatimes tổ chức mới đây.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong một vài năm gần đây đã phát triển nhiều ở Việt Nam, đặc biệt tại các vùng biển vì có ưu thế thiên nhiên đẹp, khí hậu ôn hòa, có nóng có lạnh, con người thân thiện. Vì thế, trong những năm gần đây thị trường nghỉ dưỡng tăng nhanh. Hơn nữa, thu nhập của người dân cũng tăng cao hơn, không chỉ đảm bảo đời sống mà còn tạo cơ hội nghỉ dưỡng.
Ông Hà cho hay: "Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển của nhiều phân khúc nghỉ dưỡng biển nhưng chưa đáp ứng được nguồn cầu và các khu du lịch biển tiềm năng còn nhiều chưa khai thác hết. Mặt khác, du lịch miền núi những năm gần đây cũng đang phát triển rất mạnh, như Sa Pa, vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên. Trong năm 2018, sản phẩm condotel tại một số thị trường có dấu hiệu bão hòa tại một số thị trường phát triển lâu đời như Nha Trang, Phú Quốc nhưng condotel lại mở ra ở các địa phương khác".
Công ty nghiên cứu CBRE Việt Nam cũng vừa công bố báo cáo tiêu điểm về thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với ghi nhận mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế của Việt Nam bình quân đạt 27% trong 2 năm qua và thuộc những quốc gia có đà tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Á. Cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng là một kênh đầu tư hấp dẫn và là một sản phẩm thể hiện phong cách sống của tầng lớp khá giả.
Đơn vị này cung cấp số liệu cho thấy hiện 4 thị trường lớn gồm Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, lượng cung giới thiệu ra thị trường vào khoảng 30.000 căn hộ khách sạn (condotel). Bên cạnh đó, cũng có khoảng 5.500 căn biệt thự nghỉ dưỡng đã được tung ra thị trường, và tỷ lệ hấp thụ cũng đạt khoảng 90%. Thị trường cũng đang xuất hiện những khu vực mới nổi khác nằm trong vòng bán kính không xa các địa điểm trên.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang kêu gọi nhà đầu tư mới tiếp tục phát triển siêu dự án Paradise có vị trí khá đắc địa ven biển TP. Vũng Tàu. Dự án có tổng vốn đầu tư hàng tỷ USD sẽ tạo động lực mới cho BĐS nghỉ dưỡng phía Nam.
Theo quan sát thực tế từ thị trường thời gian qua, tại khu vực phía Nam, ngoài tiềm năng tăng trưởng chưa có điểm dừng của BĐS nghỉ dưỡng Cam Ranh (Nha Trang), thì khu vực Long Sơn, Long Hải, TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), TP. Biên Hòa (Đồng Nai), Mủi Né - Kê Gà (Bình Thuận), TP. Hà Tiên (Kiên Giang) đang trở thành những điểm đến mới nổi của dòng vốn đầu tư.
Mới đây nhất một doanh nghiệp nước ngoài đã làm việc với chính quyền tỉnh Đồng Nai nhằm tìm hiểu và thể hiện mong muốn đầu tư một dự án nghỉ dưỡng có tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD vào TP. Biên Hoà. Bên cạnh đó, một đoàn gồm 14 công ty địa ốc lớn từ nhiều quốc gia khác nhau cũng đã đến Đồng Nai với mong muốn phát triển một khu phức hợp nghỉ dưỡng rộng hơn 200ha nhằm đón đầu cơ hội thị trường khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.
Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều người cho rằng tỉnh này bỗng nhiên "được mùa" dự án nghỉ dưỡng khi trong một thời gian rất ngắn xuất hiện hàng loạt đại gia địa ốc toan tính rót vốn đầu tư vào đây. Chẳng hạn, tập đoàn Tuần Châu, BRG, FLC, Gami Group, Novaland, DIC, Hưng Thịnh Corp., đều đang làm việc với chính quyền địa phương để tìm quỹ đất cho các dự án khu nghỉ dưỡng siêu sang rộng hàng trăm hecta.
Hay như Tập đoàn W.C.G Worldwide Holdings Inc (Anh quốc), đã thể hiện mong muốn đầu tư một khách sạn 7 sao, villas, sân golf... nằm trên tuyến ven biển thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc, trên diện tích đất khoảng 400 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 5 tỷ bảng Anh. Tập đoàn Hưng Thịnh ngoài 1 dự án chuẩn bị bàn giao, sẽ tiếp tục đầu tư 4 dự án mới trong vài năm tới;
DIC Corp có tham vọng phát triển hàng nghìn căn condotel ở Bãi Trước và Bãi Sau TP. Vũng Tàu; Tập đoàn Deawoo đang bắt tay với TDH để làm dự án condotel tại Long Hải; một công ty địa ốc mới nổi là Beegreen cũng vừa tiết lộ sẽ tung ra thị trường hơn 600 căn condotel tại Long Hải...
Mới đây nhất, Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLGL) đã đề xuất đầu tư vào tỉnh này 5 dự án nghỉ dưỡng và khu công nghiệp cảng biển quy mô khá lớn. Theo đó, 5 dự án gồm: dự án khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Bình An - Phước Bửu, dự án quần thể du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lộc An, huyện Xuyên Mộc; dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Suối ớt, huyện Côn Đảo.
Điển hình nhất là "hiện tượng" tập đoàn Novaland chuyển hướng đầu tư sang mô hình dự án nghỉ dưỡng khép kín khi tiến vào TP Cần Thơ với dự án nghỉ dưỡng hợp túi tiền, kéo theo đó là FLC cũng đang làm việc với chính quyền địa phương để đầu tư một khu nghỉ dưỡng khác tại Cồn Ấu...
Song song đó, Novaland cũng đang triển khai đầu tư một siêu dự án rộng gần 1.800ha tại Mũi Né và dự án Nova Hills ngay thiên đường nghỉ dưỡng Phan Thiết. Không bỏ lỡ cơ hội thị trường này, "ông lớn" FLC cũng đang làm việc với tỉnh Bình Thuận về việc xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.000ha. Siêu dự án Khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Dubai Việt Nam tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, Bình Thuận do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Thương mại Nông thị Dubai Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án có diện tích đất hơn 1.169 ha, với tổng vốn đầu tư 14.602 tỷ đồng cũng đang được gấp rút thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng trong quý 1/2019...
Ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhận định thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm ngoái và đầu năm nay đã phát triển hơn cả mong đợi. Các chủ đầu tư đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án quy mô lớn hơn, trải rộng khắp các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển.
"Quan sát cho thấy dòng vốn vẫn đang tiếp tục được đổ vào các địa điểm du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc hay Vũng Tàu, Phan Thiết... Thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới và được đầu tư tích hợp nhiều hạng mục tiện ích. Nguồn cung mới sẽ khiến thị trường cạnh tranh hơn", ông Chiến cho biết thêm.
Bên cạnh đó, BĐS và du lịch luôn có sự phát triển cộng hưởng lẫn nhau, phụ thuộc vào nhau và cùng chịu ảnh hưởng vào khá nhiều chính sách chung của Nhà nước. Ngành du lịch Việt Nam đang trên đà tăng trưởng trong những năm gần đây và BĐS nghỉ dưỡng cũng sẽ đồng hành, vừa đáp ứng vừa kích thích nhu cầu du lịch. Ngành du lịch đang cần rất nhiều căn hộ nghỉ dưỡng. Do đó, ông Chiến khẳng định rằng trong trung hạn không có khả năng xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, theo ông Hà, đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng cũng là một đầu tư tốt trong thời điểm hiện tại. Tuy vậy, cũng phải phụ thuộc vào các dự án như vị trí, khu vực, uy tín chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành của các bất động sản nghỉ dưỡng đó. Đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng cần nghiên cứu kỹ trước khi đầu tư. Vấn đề pháp lý hiện nay vẫn còn nên ông Hà kiến nghị chính phủ cần nghiên cứu thêm để điều chỉnh trong thời gian tới.