Còn nhiều dư địa để thu hút dòng vốn gián tiếp từ Anh Quốc
Vốn FII từ Anh vào Việt Nam đã đạt gần 1 tỷ USD, song còn khiêm tốn so với tiềm năng của NĐT Anh và sức hấp thụ của thị trường Việt Nam. Do vậy, sự kiện xúc tiến đầu tư tại London có ý nghĩa quan trọng, mở kỳ vọng gia tăng mạnh hơn nữa dòng vốn FII vào Việt Nam.
Đây là chia sẻ của ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN trước thềm chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Vương Quốc Anh.
* PV: Thưa ông, trong chuyến công tác tới Vương Quốc Anh lần này của Đoàn công tác Bộ Tài chính do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu, thì Hội nghị Xúc tiến đầu tư là một trong những sự kiện quan trọng và UBCKNN được giao làm đơn vị đầu mối tổ chức thực hiện. Ông có thể cho biết một cách khái lược nhất mục tiêu và một số nội dung chính của hội nghị lần này?
- Ông Trần Văn Dũng: Hội nghị Xúc tiến đầu tư là cơ hội để quảng bá về thị trường chứng khoán (TTCK), bảo hiểm và chính sách mở cửa thu hút đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Thực tiễn đã cho thấy, việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại nước ngoài là rất cần thiết, giúp kích cầu và khơi thông dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào TTCK Việt Nam. Chính vì vậy, nhiều năm trở lại đây, hoạt động này đã được đưa vào là một trong những chương trình công tác trọng tâm định kỳ hàng năm của Bộ Tài chính và UBCKNN.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Anh Quốc của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng năm nay, Bộ Tài chính Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thương mại Quốc tế (đại diện là UK ABC) tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London, với tên gọi “Đầu tư vào Việt Nam”. Một trong những điểm nhấn của các hội nghị xúc tiến đầu tư hàng năm, bao gồm cả sự kiện tại London lần này là sẽ có sự đối thoại chính sách trực tiếp giữa các cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam với doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. “Từ chính sách đến thực tiễn” là cách tiếp cận đối thoại chính sách và đối thoại DN với NĐT nước ngoài trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư tại London lần này.
Tại hội nghị, Bộ Tài chính sẽ giới thiệu tiềm năng Việt Nam thông qua các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đổi mới, hội nhập, cải thiện chính sách nhằm tăng cường hơn nữa sự tham gia của NĐT nước ngoài vào nền kinh tế nói chung và hoạt động đầu tư gián tiếp vào thị trường vốn nói riêng. Đồng thời, thông qua các sự kiện, đoàn công tác sẽ trực tiếp đối thoại về những thuận lợi, khó khăn và lắng nghe chia sẻ của các DN, NĐT Anh. Các NĐT sẽ được giới thiệu về sự phát triển, tiềm năng và cơ hội đầu tư vào TTCK Việt Nam. Ngoài ra, thông qua các cuộc gặp gỡ song phương giữa các DN Việt Nam – DN Anh sẽ tạo cầu nối gặp gỡ, tìm kiếm đối tác đầu tư tiềm năng trong tương lai.
Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ảnh: DT.
* PV: Vậy, tại sao lần này, chúng ta chọn địa điểm xúc tiến đầu tư lại là London mà không phải nơi khác, thưa ông?
- Ông Trần Văn Dũng: Việc lựa chọn thị trường trọng điểm cho từng giai đoạn phát triển của TTCK đóng vai trò quan trọng giúp khai thác được hết hiệu quả của hoạt động xúc tiến đầu tư. Tại khu vực châu Âu, thì Thủ đô London – Vương Quốc Anh là 1 trong những trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Đây là 1 trong 5 thị trường tài chính lớn nhất toàn cầu và tập trung nhiều quỹ đầu tư tài chính lớn. Đồng thời, London cũng là trung tâm lớn nhất của các thị trường phái sinh, thị trường ngoại hối, thị trường tiền tệ và ngân hàng cho vay quốc tế,… nên rất phù hợp với mục tiêu tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư gián tiếp cho TTCK.
Anh hiện là NĐT châu Âu lớn thứ hai (sau Hà Lan) với 267 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ ba của Việt Nam (sau Đức và Hà Lan). Việt Nam và Anh đã ký kết nhiều hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; Hiệp định về Bảo hộ và xúc tiến đầu tư,... và dự kiến trong thời gian tới hai nước sẽ thúc đẩy việc ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA) trên cơ sở kế thừa EVFTA mà Việt Nam – EU vừa ký kết. Tôi cho rằng, đây là cơ hội và tiền đề tốt cho việc hợp tác, thúc đẩy đầu tư gián tiếp giữa hai thị trường, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và Vương Quốc Anh.
Ngoài ra, trong lĩnh vực chứng khoán, UBCKNN và Cơ quan Quản lý thực thi tài chính Anh (FCA) (tiền thân là Cơ quan Quản lý dịch vụ tài chính - FSA) đã ký Thư trao đổi về hợp tác và trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý hai nước. UBCKNN và FCA cũng đang trong quá trình rà soát lại nội dung để tiến tới ký Biên bản ghi nhớ về tư vấn, hợp tác và trao đổi thông tin giám sát ngành công nghiệp quỹ đầu tư thay thế (kế thừa MOU về nội dung này giữa UBCKNN và các cơ quan đồng cấp thuộc các nước Liên minh châu Âu).
Trong bối cảnh đó, sự kiện xúc tiến đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng chủ trì sẽ thu hút được sự quan tâm của các NĐT tại Anh. Tính kết nối về thông tin của trung tâm tài chính London rất rộng, nên thông tin về những chính sách mở cửa tạo thuận lợi cho đầu tư của Việt Nam sẽ lan tỏa nhanh.
* PV: NĐT châu Âu, bao gồm cả NĐT Anh Quốc là những NĐT rất chuyên nghiệp, nên đi cùng với đó sẽ có tiêu chuẩn đầu tư rất cao. Ông nghĩ thế nào về tiềm năng và khả năng của TTCK trong việc thu hút, đáp ứng yêu cầu dòng vốn “khó tính” này?
- Ông Trần Văn Dũng: TTCK Việt Nam đang ngày càng khẳng định rõ vai trò và vị thế trong nền kinh tế, là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. TTCK đã không ngừng tăng trưởng về quy mô và thanh khoản với tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường cổ phiếu tính đến hết tháng 6/2019 đạt khoảng 4,3 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 78% GDP ước tính năm 2018, tăng 11,2% so với đầu năm 2019.
Sau 19 năm vận hành, TTCK về cơ bản đã hoàn thiện về mặt cấu trúc (cổ phiếu, trái phiếu, phái sinh), đa dạng hóa về sản phẩm (cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, phái sinh, và gần nhất là chứng quyền có bảo đảm vừa mới vận hành).
Nhiều năm qua, TTCK Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng trong khu vực về tốc độ phát triển cũng như điểm đến hấp dẫn của dòng vốn nước ngoài. TTCK Việt Nam cũng đã được Tổ chức FTSE Russell đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ cận biên lên thị trường mới nổi hạng hai. Có thể nói, TTCK Việt Nam không chỉ phát triển nhanh về “lượng”, mà đã có sự chuyển dịch rõ rệt về “chất”.
Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong công tác hoàn thiện chính sách phát triển TTCK, thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi cũng đã được trình Quốc hội cho ý kiến, với nhiều điểm mới được bổ sung, sửa đổi theo hướng hoàn thiện chính sách để TTCK phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn.
Vào tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, nhằm mục tiêu là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, cũng như tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới. Bộ Tài chính và UBCKNN cũng đang tích cực triển khai các giải pháp chính sách về nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi theo tiêu chuẩn MSCI.
Ngoài ra, cùng với các chính sách vĩ mô, Chính phủ cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DN nhà nước gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK. Cùng với khả năng được nâng hạng, đây là cơ hội riêng có đầy tiềm năng của TTCK Việt Nam trong mắt NĐT trong và ngoài nước.
Không thể phủ nhận rằng, tiêu chuẩn, tiêu chí đầu tư của NĐT châu Âu, bao gồm cả NĐT Anh là rất cao và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, với lợi thế, tiềm năng của TTCK Việt Nam, cùng với xu thế hội nhập tài chính và xu hướng dịch chuyển dòng vốn toàn cầu, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những thị trường giàu cơ hội. Tôi cũng rất kỳ vọng, sau sự kiện này, cơ hội này sẽ sớm chuyển hóa thành hiện thực.
* PV: Có ý kiến cho rằng, ý nghĩa của việc xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiên tiến không chỉ ở lượng vốn bao nhiêu, mà quan trọng hơn đó còn là thương hiệu, uy tín, tính chuyên nghiệp của “người đi gọi vốn”. Ông nghĩ thế nào về hình ảnh uy tín của thị trường vốn Việt Nam sau cuộc tiếp xúc đầu tư lần này? Nếu mọi chuyện thuận lợi, liệu chúng ta có nên kỳ vọng rằng, quá trình nâng hạng theo chuẩn MSCI sẽ được rút ngắn hơn?
- Ông Trần Văn Dũng: Đúng là NĐT Châu Âu nói chung và NĐT Anh Quốc nói riêng chuyên nghiệp và đòi hỏi rất cao. Nhưng TTCK Việt Nam cũng đang phát triển cả về quy mô và chất lượng, có thể đáp ứng được yêu cầu của nhiều NĐT, và thực tế có nhiều NĐT từ Anh Quốc đã từ lâu gắn bó và thành công với TTCK Việt Nam.
Tôi nghĩ rằng, nhu cầu đầu tư và tiềm năng cơ hội từ hai phía là hiện hữu. Việc còn lại là làm thế nào để “xây cầu nối” gắn kết hiệu quả từ hai phía. Đây cũng là mục tiêu chính trong chuyến công tác tới Anh của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lần này.
Dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ luôn tìm đến những thị trường giàu tiềm năng, có chính sách vĩ mô ổn định, có tính chuyên nghiệp cao và khả năng bảo vệ lợi ích NĐT tốt. Mỗi sự kiện trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư đều có mục tiêu chung là đến thực tế chia sẻ các góc nhìn về tiềm năng, cơ hội và rủi ro thách thức để các NĐT có cơ sở hoàn chỉnh hơn trong các quyết định đầu tư của mình. Đó cũng chính là cơ hội để chúng ta thể hiện tính chuyên nghiệp và sự thiện chí trong góc nhìn của NĐT nước ngoài.
Vì vậy, khi chúng ta đưa được tiềm năng, cơ hội của thị trường vốn Việt Nam đến gần hơn tới NĐT và trao đổi, giải đáp được những băn khoăn của họ, thì rõ ràng các nguồn vốn đầu tư có chất lượng vào Việt Nam sẽ tăng; và các tiêu chí cả về định lượng và định tính của các tổ chức như MSCI hay FTSE Russell sẽ sớm được đáp ứng.
* PV: Vậy, ông kỳ vọng gì về dòng vốn đến từ châu Âu và Anh sau chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư tại London lần này?
- Ông Trần Văn Dũng: Từ năm 2016 đến nay, vốn FII liên tục vào ròng trên TTCK ở mức khá cao, trung bình 1,98 tỷ USD/năm (giai đoạn 2016 – 2018). Trong bối cảnh tình hình tài chính - chứng khoán toàn cầu biến động mạnh, xu hướng NĐT rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, thị trường cận biên thì Việt Nam vẫn là điểm đến của các NĐT nước ngoài với giá trị vốn FII vào ròng 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,28 tỷ USD.
Đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay xấp xỉ 1 tỷ USD, còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của NĐT Anh và so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam. Như vậy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước, và còn nhiều tiềm năng cho các NĐT Anh.
Chúng tôi hy vọng, hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp lần này sẽ giúp DN, NĐT Anh hiểu rõ những chính sách mở cửa tạo thuận lợi cho đầu tư của Việt Nam, củng cố lòng tin của NĐT Anh đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam. DN hai bên mở rộng thêm nhiều cơ hội hợp tác đầu tư trên thị trường vốn Việt Nam. Qua đó, chúng tôi kỳ vọng dòng vốn FII từ Anh sẽ ngày càng phát triển ổn định tương xứng với tiềm năng, TTCK Việt Nam tiếp tục đón nhận những NĐT đến từ Anh Quốc và các nước trên thế giới.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Tạp chí Tài chính Việt Nam