Con số khiến ai cũng phải đau xót cho thiên đường Bali: 9 tháng chỉ đón 43 du khách, người dân từng phàn nàn vì quá đông khách giờ không biết làm gì để kiếm sống
Từng chỉ ước bớt đông khách, dịch Covid-19 đã giúp người dân Bali toại nguyện, nhưng theo một cách không ai muốn.
Cách đây 2 năm, thiên đường du lịch Bali từng đông nghịt khách du lịch và người dân nơi đây than phiền về tình trạng ô nhiễm môi trường khi các bãi biển đầy rác nhựa. Du lịch tại đây phát triển khiến công suất phòng khách sạn tăng lên đến 75.000 phòng sau nhiều năm xây dựng.
Dù giàu có hơn nhưng người dân bản địa đã chán ngấy cảnh đông đúc của du khách và mơ về một cuộc sống bình yên như trước đây.
Thế rồi giấc mơ đó đã trở thành hiện thực với đại dịch Covid-19, chỉ có điều chúng dần biến thành cơn ác mộng khi người dân mất nguồn thu và chật vật sống qua ngày vì chẳng có du khách.
Thống kê chính thức cho thấy trong 9 tháng đầu năm nay chỉ có 43 du khách đến đây, giảm mạnh so với con số 6,3 triệu người cùng kỳ năm 2019. Những con khỉ nổi tiếng ở đảo Bali từng kiếm ăn nhờ du khách thì giờ đây đói tới mức phải vào tận các nhà hàng trộm thực phẩm.
Giờ đây khi biến thể Omicron mới được phát hiện, nhiều nước càng siết chặt nhập cảnh hơn nữa và viễn cảnh du lịch khôi phục mà người dân Bali mong mỏi có lẽ còn lâu mới trở lại.
Từ chê bai đến hối hận
Kể từ thập niên 1990, Bali đã chuyển mình từ một hòn đảo nghèo thành thiên đường du lịch. Số du khách đến đây đã tăng gấp 4 lần lên hơn 6,3 triệu người trong khoảng 2000-2019, nhiều hơn cả tổng số dân 4 triệu người trên đảo.
Thậm chí, du khách quốc tế đóng góp tới hơn 50% nền kinh tế của Bali. Thế nhưng việc có quá nhiều du khách cũng khiến người dân bản địa "nóng mắt". Hàng loạt tập đoàn quốc tế và giới nhà giàu đổ về đây lấy đất xây khách sạn hay khu nghỉ dưỡng. Đường phố đông đúc ngập những du khách say rượu còn bãi biển thì vô số rác thải nhựa.
Số phương tiện vận tải tại Bali đã tăng hơn 5 lần trong 20 năm qua, lên đến 4,5 triệu chiếc vào năm 2020. Một nghiên cứu của chính phủ Na Uy cho thấy du khách quốc tế tại Bali xả lượng rác thải gấp rất nhiều lần so với người dân địa phương, với tổng cộng khoảng 36.000 tấn rác nhựa mỗi năm.
Tình hình nghiêm trọng đến nỗi chính quyền địa phương phải tuyên bố tình trạng ô nhiễm khẩn cấp và thông qua hàng loạt quy định siết chặt bảo vệ môi trường.
Bãi biển tại Bali vắng bóng du khách.
Người dân bản địa thì tụ tập phản đối nhiều dự án khách sạn, khu vui chơi mà họ cho là ảnh hưởng đến cuộc sống và môi trường của Bali.
Thế rồi khi Indonesia đóng cửa biên giới vì đại dịch, tình hình bất ngờ thay đổi khi ít nhất 700.000 lao động tại Bali mất việc làm.
Anh Gus Dark là một nghệ sĩ đường phố từng tham gia biểu tình chống xây dựng nhiều dự án du lịch tại Bali với lời tuyên bố hùng hồn: "Chúng ta đang trở thành hòn đảo vô văn hóa khi ngập trong rác, nước tiểu và những ma men say rượu".
Thế nhưng giờ đây vị nghệ sĩ 38 tuổi này lại đang phải chật vật mưu sinh vì các khách sạn lẫn nhà hàng chẳng còn thuê anh nữa.
"Đây là bài học cho chúng tôi. Người dân nơi đây chẳng thể sống tách rời khỏi du lịch được", anh Dark ngậm ngùi.
Quay lại nghề nông?
Anh Ketut Purna, một công dân 55 tuổi bản địa tại Bali làm nghề nông cho biết mình từng chẳng mua nổi một chiếc xe máy. Thế nhưng nhờ lượng du khách nhà giàu tới đây mà chàng trai mới chỉ tốt nghiệp cấp 3 này có thể vay vốn ngân hàng mở công ty du lịch, nhà hàng và trung tâm nghỉ dưỡng. Trước khi đại dịch diễn ra, anh Purna có đến 300 nhân viên dưới quyền.
Tuy nhiên đại dịch đã khiến anh buộc phải đóng cửa kinh doanh, bán hết xe cộ, đất đai tích lũy được để trả nợ và hiện chỉ còn 9 nhân viên dưới quyền.
"Tôi thấy buồn cho nhân viên của tôi bởi không thể giúp gì nhiều cho họ", anh Purna than thở.
Nền kinh tế Bali đã suy giảm 9,3% trong năm 2020, sâu hơn nhiều mức giảm 2% của toàn bộ Indonesia. Con số này tiếp tục lún sâu hơn trong năm 2021 khi có đến hơn 30.000 người dân hòn đảo này đã rơi vào cảnh đói nghèo vì vắng du khách.
Đường phố tại Bali chẳng còn nhộn nhịp như xưa
Vào cuối tháng 10/2021, Thống đốc đảo Bali, ông I Wayan Koster tuyên bố kế hoạch tự chủ kinh tế khi khuyến khích người dân trở lại làm nông, đánh cá và những ngành nghề khác.
Thế nhưng theo anh Dewa Komang Yudi Astara, một công dân 35 tuổi tại đây, việc khuyến khích mọi người trở lại nghề nông là bất khả thi khi họ đã quá quen với ngành du lịch. Phần lớn lao động tại Bali hiện nay đang chuyển sang làm lao động xây dựng hay phục vụ du khách nội địa chứ không muốn quay về làm nông.
Xu thế chung
Trên thực tế không riêng gì Bali, du lịch toàn cầu cũng đang chịu chung số phận. Tây Ban Nha đã mở cửa để thu hút khách du lịch trở lại từ mùa hè năm nay nhưng cho đến tháng 9/2021, lượng du khách của họ cũng chỉ bằng 50% so với cách đây 2 năm. Tương tự, quần đảo Bahamas đã mở cửa lại du lịch trong nhiều tháng nhưng du khách quốc tế đến đây cũng chỉ bằng 60% so với năm 2019.
Số liệu của Hiệp hội du lịch quốc tế (UNWTO) cho thấy du khách nước ngoài đã giảm tới 76% trong tháng 9/2021 so với cùng kỳ năm 2019
Những nước như Indonesia đã mở cửa du lịch lại từ giữa tháng 10/2021 với yêu cầu du khách phải tự bỏ tiền túi cách ly 5 ngày khi đến đây. Trước đó, chỉ có nhân viên ngoại giao hoặc chuyên gia y tế được nhập cảnh vào đây.
Tại Bali, 43 du khách nhập cảnh vào đây đều dưới dạng visa không phải du lịch và chưa có một chuyến bay quốc tế nào đến hòn đảo này mà mang theo du khách quốc tế kể từ khi mở cửa trở lại.
Sau khi Omicron bùng phát, Indonesia đã nâng số ngày du khách phải tự cách ly lên thành 7 ngày.
Trong khi đó, số liệu của Hội đồng du lịch thế giới (WTTC) cho thấy khoảng 62 triệu việc làm của ngành này đã biến mất trong năm 2020 vì đại dịch và mới chỉ có khoảng 2 triệu vị trí tuyển dụng lại từ đầu năm đến nay.
Thiên đường du lịch Bali giờ đây khốn khổ vì đại dịch
Tờ Wall Street Journal cho thấy phong trào phản đối du khách vì ô nhiễm môi trường và quá tải đã từng bùng nổ khắp thế giới, nhất là tại những trung tâm du lịch như Venice hay New Zealand. Thế nhưng giờ đây người dân lại đang chán nản vì vắng khách.
Tại Venice, du khách trong tháng 6-7/2021 chỉ bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Tại New Zealand, biên giới vẫn đóng cửa và số du khách đến đây đã giảm 95% so với cùng kỳ 2 năm trước.
Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ New Zealand phải chi 400 triệu USD hỗ trợ cho ngành du lịch sống sót qua mùa dịch.
Báo cáo của WTTC cho thấy du lịch đóng góp hơn 20% GDP cho rất nhiều quốc gia như Thái Lan, Philippines, Jamaica... và những nền kinh tế này đang mòn mỏi chờ ngày trở lại. Hiện Thái Lan đang rơi vào đợt suy thoái tệ nhất kể từ vài chục năm trở lại đây chỉ vì mất nguồn thu du lịch.
Theo dự đoán của WTTC, sớm nhất là đến năm 2021 thì số lượng du khách quốc tế mới có thể trở lại so với trước khi dịch Covid-19 bùng nổ. Tương tự, dự báo của Liên hiệp du lịch Mỹ (USTA) cho thấy ít nhất phải đợi đến năm 2025 thì du khách quốc tế mới có thể hồi phục so với thời kỳ năm 2019.
*Nguồn: WSJ
Doanh nghiệp và tiếp thị