"Con sợ nhất điều gì?" và đáp án khiến hầu hết các bậc cha mẹ phải tự kiểm điểm bản thân
Không phải đánh mắng, những hành động quen thuộc của cha mẹ dưới đây mới thực sự là nỗi ám ảnh đối với con trẻ.
- 08-08-2017Để dạy con thành tài, cha mẹ Do Thái áp dụng 10 nguyên tắc đơn giản này ngay từ khi trẻ còn nhỏ
- 03-08-2017Chỉ nhờ một quả lê xấu mã, bà mẹ Do Thái đã dạy con đủ điều về cuộc sống, ngay cả người lớn cũng phải suy ngẫm
- 03-08-2017Những cách siêu hay để dạy con bài học về tiền bạc mà cha mẹ nên áp dụng
- 02-08-2017Đem giấc mơ, kinh nghiệm sống của bố mẹ áp đặt cho con cái: Nhiều người đang dạy con sai cách mà không hề hay biết!
1. Nỗi sợ hãi từ những cuộc cãi vã của cha mẹ
Một tổ chức nghiên cứu tâm lý trẻ em đã từng tiến hành điều tra tình hình tâm lý trên 3000 bé đang độ tuổi tới trường.
Kết quả thu được đã cho thấy, đáp án phổ biến nhất cho câu hỏi "con sợ nhất điều gì ở cha mẹ" chính là: "Con sợ bố mẹ tức giận, sợ bố mẹ cãi nhau".
Điều này cho thấy, trên thực tế, những cuộc tranh luận mang tính không xây dựng xảy ra giữa bố và mẹ khi có mặt con cái còn gây ám ảnh tâm lý cho các bé hơn cả đòn roi, đánh mắng.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý xây dựng một không khí gia đình hòa hợp, thoải mái để con trẻ được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
Những cuộc cãi vã xảy ra giữa cha và mẹ là điều gây sợ hãi nhất đối với tâm hồn non nớt của trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa).
2. Nỗi ám ảnh mang tên "sự tức giận của bố mẹ"
Nghịch ngợm dường như là "thiên phú" của hầu hết trẻ nhỏ. Đi kèm với đó là hằng hà sa số những hành động trái ý của người lớn. Nhưng ít ai biết rằng, đó là lúc trẻ đang mặc sức khám phá thế giới xung quanh để thỏa trí tò mò và phát triển trí thông minh của mình.
Vì thế, mỗi khi con nghịch ngợm, thay vì quát tháo và la mắng bé, bạn nên kìm nén tốt cảm xúc của mình. Các bậc cha mẹ cần "khắc cốt ghi tâm" rằng, mỗi lời bạn nói ra trong lúc tức giận đều có thể gây nên những thương tổn sâu sắc trong tâm hồn non nớt của trẻ.
Do đó, thay vì nổi cáu, bạn nên học cách kìm chế và nhắc nhở bé bằng những câu như: "Bố/mẹ sắp cáu rồi đấy, con không nên làm như vậy nữa biết không?" hoặc "Hôm nay ba/mẹ tâm trạng không tốt, con đừng làm những việc này nhé!"
Nếu như đã "trót" nổi giận với trẻ, bạn nên giải thích rõ cho con lỗi sai ở đâu, sửa như thế nào, đồng thời cũng nên xin lỗi về thái độ của mình để tránh làm con trẻ hoảng sợ.
Những hành động này sẽ giúp các bé cảm nhận được tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ cũng như ý thức được lỗi lầm của mình.
Hậu quả của một cơn nóng giận từ phía cha mẹ là những ám ảnh và tổn thương khó lành trong tâm hồn con cái. (Ảnh minh họa).
3. Đừng xem thường những câu trách cứ về "sự thiên vị" từ con trẻ
Đối xử bất công là một trong những "con sâu đục khoét hạnh phúc gia đình" nhanh nhất, đặc biệt là trong mối quan hệ của cha mẹ đối với con cái.
Sự thiên vị của phụ huynh với các anh chị em khác trong gia đình sẽ khiến nhiều trẻ cảm thấy rằng mình không được quan tâm, từ đó tự tách biệt mình ra khỏi người thân và nuôi lớn "bóng đen" tâm lý cho tới khi trưởng thành.
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, thái độ đối xử bất công của cha mẹ với con cái trong gia đình ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe cũng như tâm lý của các bé, thậm chí còn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nhiều vấn đề về hành vi của trẻ em, thiếu niên và cả người trưởng thành.
Và ảnh hưởng này sẽ vẫn ám ảnh ngay cả khi họ lớn lên, sống xa nhà hay lập gia đình.
Đối xử công bằng cần trở thành "nguyên tắc gia đình" để xây dựng nên mối quan hệ hòa hợp và gắn bó giữa các thành viên. (Ảnh minh họa).
4. Đừng nói dối hay nuốt lời vì bất cứ lý do gì
Hầu hết những lời nói dối của cha mẹ đối với con cái đều hướng đến những mục đích tốt đẹp cho tương lai của con trẻ.
Ví dụ, cha mẹ vì muốn con học tốt nên đã chủ động hứa hẹn một điều kiện đó của con cái, nhưng khi trẻ hoàn thành yêu cầu thì lại ra sức chối bỏ, đưa ra nhiều lý do để không đáp ứng.
Sự thất tín đồng nghĩa với việc mất uy tín. Những lời hứa hẹn ấy tuy có thể "không là gì" trong mắt bố mẹ, nhưng lại dễ dàng khiến cho con trẻ mất niềm tin vào phụ huynh.
Điều này hoàn toàn không có lợi cho tâm lý của trẻ, mà về lâu dài còn gây ra sứt mẻ trong tình cảm gia đình.
Những lời nói dối hay thất hứa từ cha mẹ sẽ hình thành quan niệm lỏng lẻo về việc giữ lời đối với con trẻ, khiến trẻ trở nên coi thường những trách nhiệm về lời nói cũng như hành động.
Thói ứng xử "hời hợt" này sẽ khiến trẻ trở thành người "thất tín" khi trưởng thành và đánh mất nhiều cơ hội bởi sự thiếu tin cậy.
Vì tương lai của con trẻ, mọi bậc cha mẹ đều cần ý thức về lời nói cũng như lời hứa của mình trước mặt con cái. Hãy trở thành một người có chữ tín với con cái của chính mình, đồng thời hãy suy nghĩ kỹ càng trước khi đưa ra một lời hứa đối với với các bé.
Thành thật và giữ chữ tín luôn là yếu tố cần thiết để xây dựng các mối quan hệ, trong đó có cả quan hệ giữa cha mẹ và con cái. (Ảnh minh họa).
5. Chớ tỏ thái độ "không chào đón" đối với bạn bè của con
Trong thế giới nhỏ bé của trẻ, ngoài gia đình, bạn bè chính là số ít những người thân thiết mà các em tin tưởng và chia sẻ buồn vui. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người bạn nào của con cũng đem lại cho bố mẹ sự hài lòng và tin tưởng.
Có đôi khi, phụ huynh sẽ không khỏi mất lòng vì một vài khuyết điểm từ "bạn của con" như việc thiếu lễ phép, quá tính toán, hay bắt nạt, nói dối… và không chào đón những người bạn này.
Nhưng đối với trẻ nhỏ, các bé luôn hy vọng bố mẹ sẽ tôn trọng mình như người lớn cũng như chào đón những người bạn của mình.
Nếu phụ huynh luôn tìm cách quản giáo và không ngừng "xét nét" bạn bè của con, trẻ sẽ nảy sinh tâm lý bất mãn. Điều này vô hình chung sẽ khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày một lớn dần.
Xuất phát từ lý do này, cha mẹ nên tôn trọng ý kiến của con trong việc lựa chọn bạn bè, đồng thời cũng nên đứng trên góc độ của các bé để suy nghĩ và hành xử một cách đúng đắn.
Chúng ta cần ý thức rõ ràng rằng, thế giới của trẻ em và người lớn khác nhau, vì vậy việc lựa chọn những mối quan hệ xã hội của hai đối tượng này cũng không giống nhau.
Tìm hiểu bạn bè của con là điều cần thiết. Nhưng thay vì cấm con trẻ chơi với người này, người kia, hãy hành xử một cách quảng đại và từ từ giúp con nhận ra ưu, khuyết điểm của bạn bè để bé có thời gian tiếp nhận và đưa ra quyết định của mình.
Hãy để con có cơ hội tự do kết bạn đồng thời tự mình "kiểm định" chất lượng của những mối quan hệ ấy. Kinh nghiệm trong việc chọn bạn bè sẽ được các bé tích lũy dần qua năm tháng và giúp con trở thành người biết "chọn bạn mà chơi". (Ảnh minh họa).
6. Coi nhẹ ưu điểm của con trẻ chính là khuyết điểm của bố mẹ
Khuyết điểm lớn nhất của cha mẹ là việc so sánh nhược điểm của con với ưu điểm của "con nhà người ta". Ít ai trong số các phụ huynh thực sự ý thức được rằng, sự so sánh ấy khó khiến "con nhà mình" tốt lên mà chỉ làm cho các bé thêm phần tự ti, ghen tị.
Mỗi trẻ đều có sở trường và sở đoản của riêng mình. Mà người có cơ hội để hiểu rõ những điểm ấy nhất không ai khác chính là cha mẹ.
Hãy nhớ rằng, đừng bao giờ tìm cách đánh giá con mình thông qua những tiêu chuẩn từ thành tích của người ngoài. Thay vào đó, bạn nên tìm tòi và phát huy ưu điểm của con.
Thực tế đã chứng minh, đặt niềm tin đúng cách vào con cái sẽ khiến chúng thành công hơn so với việc đặt con lên bàn cân để so sánh hơn thua cùng người khác.
Dù vô tình hay cố ý, việc so sánh con cùng người ngoài cũng là điều làm tổn thương đến thể diện và sự tự tin của các bé. (Ảnh minh họa).
7. Đừng "thuận miệng" mắng con trước mặt người ngoài
Chê con trước mặt người ngoài dường như đã trở thành cách nói "thuận miệng" của không ít các bậc cha mẹ khi thảo luận về vấn đề con cái hoặc khi đang tìm chủ đề nói chuyện.
Thế nhưng, việc chỉ trích khuyết điểm của con trước mặt người ngoài không làm cho các bé tốt lên mà còn làm ấn tượng về con của bạn trong mắt người khác bị tệ đi.
Cùng với đó, khi bị cha mẹ công khai mắng mỏ, trẻ sẽ cảm thấy lòng tự trọng bị tổn thương, tâm lý tự ti, uất ức cũng hình thành từ đó.
Giữ thể diện cho con cái cũng là một cách để phụ huynh giữ thể diện cho bản thân, đồng thời giúp không khí gia đình trở nên chan hòa, đầm ấm và vui vẻ hơn.
Trí thức trẻ