MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Con sói lột xác" Blackstone trước cuộc chuyển mình lịch sử ở các quỹ PE

04-07-2019 - 09:23 AM | Tài chính quốc tế

Theo như ông chủ Stephen Schwarzman chia sẻ, "mô hình cũ là mua lại các công ty tăng trưởng chậm, tạo thêm đòn bẩy và sau đó bán tài sản giờ đã chết rồi".

Khi các công ty chuyên đi thâu tóm doanh nghiệp lần đầu tiên trỗi dậy trong những năm 1980, họ được ví với hình ảnh "những con sói đội lốt cừu". Các quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity –PE) bị cho là sẽ ngấu nghiến nuốt trọn các công ty, sau đó sa thải một loạt nhân sự, chiếm lấy tài sản và để lại một đống nợ nần.

Thế nhưng 30 năm trở lại đây, hình ảnh của ngành này đã được cải thiện đáng kể mặc dù bản chất đặt lợi nhuận lên hàng đầu vẫn được duy trì. Danh mục đầu tư của các công ty PE ngày nay được đa dạng hóa với nhiều loại tài sản, từ bất động sản thương mại đến trái phiếu doanh nghiệp. Họ cũng có cách tiếp cận mềm mỏng hơn, với thái độ hợp tác và cảm thông hơn là áp đặt cứng nhắc.

Tham vọng của Blackstone

Xu hướng này được thể hiện rõ nét nhất tại Blackstone - công ty hiện đang quản lý 512 tỷ USD, bằng 2 đối thủ bám đuổi sát nút là Apollo và Carlyle cộng lại. Trong giai đoạn từ những năm 1990 đến nay, Blackstone có tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 15%. Các công ty mà Blackstone kiểm soát hiện đang sử dụng khoảng 400.000 nhân viên, nhiều hơn cả IBM và tương đương số nhân viên của chuỗi siêu thị Kroger. Kể từ khi Blackstone niêm yết cổ phiếu năm 2007, hãng đã tạo ra khoảng 41 tỷ USD cho các cổ đông.

Tham vọng của Blackstone không dừng lại ở đó. Theo như ông chủ Stephen Schwarzman chia sẻ, "mô hình cũ là mua lại các công ty tăng trưởng chậm, tạo thêm đòn bẩy và sau đó bán tài sản giờ đã chết rồi". Tầm nhìn mới của Blackstone là 1 doanh nghiệp muốn thống trị thị trường các tài sản đầu tư thay thế (alternative investment) giống như vị thế của BlackRock trên thị trường truyền thống. Hiện BlackRock đang quản lý 6.000 tỷ USD tài sản.

Tuy nhiên trên con đường tìm chỗ đứng trong hàng ngũ những gã khổng lồ ở phố Wall, Blackstone đang ngày càng trở nên giống với 1 công ty bình thường nhiều hơn. Nếu tiếp tục, liệu hãng có thể duy trì được mức lợi nhuận cao bất thường?

Blackstone được ngài Schwarzman lập ra năm 1985 cùng với Peter Peterson (người đã qua đời năm ngoái, ở tuổi 91). Ngày 1/7 vừa qua, Schwarzman – người đàn ông 72 tuổi đặc biệt yêu thích những chiếc áo kẻ sọc – đã chứng kiến đứa con tinh thần của mình trải qua sự thay đổi lớn nhất kể từ khi lên sàn NYSE cách đây hơn chục năm.

Con sói lột xác Blackstone trước cuộc chuyển mình lịch sử ở các quỹ PE - Ảnh 1.

Giống như nhiều công ty PE khác, Blackstone có cấu trúc công ty hợp danh khá phức tạp. Về lý thuyết thì ở Mỹ công ty hợp danh sẽ chịu mức thuế rất thấp, trong khi các cổ đông sẽ phải chịu mức thuế 23,8% trên số lợi nhuận phân phối lại. Nhưng dù sao thì đây cũng là một món hời khi mà thuế thu nhập doanh nghiệp lên đến 35%.

Tuy nhiên, năm ngoái Tổng thống Trump đã cắt giảm thuế doanh nghiệp xuống chỉ còn 21%. Do đó lợi ích mà mô hình hợp danh đem lại biến mất trong khi chi phí lại tăng lên, trong đó thiệt hại lớn nhất là bị loại khỏi các chỉ số chứng khoán, khiến các công ty PE không thể tiếp cận với nhiều quỹ tương hỗ lớn. Trong số 12.000 tỷ USD được chi bởi các quỹ tương hỗ và quỹ ETF ở Mỹ, chỉ có 4.500 tỷ USD được đầu tư vào các công ty hợp danh.

Vì thế, giữa tháng 4 năm nay, Blackstone thông báo sẽ chuyển đổi thành 1 công ty cổ phần. Ngay lập tức cổ phiếu của hãng đã tăng 24% trong khi chỉ số S&P 500 chỉ tăng 0,5%, giúp giá trị vốn hóa tăng thêm 11 tỷ USD.

Ares, 1 quỹ PE tầm trung, là công ty tiên phong trong làn sóng chuyển từ mô hình hợp danh sang công ty cổ phần, thực hiện động thái này từ tháng 3 năm ngoái. KKR chuyển đổi từ tháng 7 năm ngoái. Schwarzman thừa nhận rằng Blackstone lẽ ra nên chuyển đổi sớm hơn.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Theo Michael Chae, CFO của Blackstone, động thái này khiến nhà đầu tư thay đổi cách nhìn nhận Blackstone và giờ đây có rất nhiều lý do để họ cảm thấy hài lòng. Blackstone đã có danh mục đầu tư đa dạng hơn rất nhiều so với thời điểm khởi đầu bằng bất động sản năm 1991. Ngày nay bất động sản chiếm khoảng 1/3 tổng tài sản mà công ty này quản lý. Phần lớn số còn lại được dành cho GSO, công ty tín dụng tư nhân mà hãng thâu tóm năm 2009, và cho việc đầu tư vào một số quỹ đầu cơ. Cuối cùng, Blackstone đã cho ra mắt các quỹ đầu tư vào các công ty công nghệ sinh học.

Nhiều quỹ đã cho phép Blackstone tài trợ các thương vụ lớn. Tháng 6, 2 quỹ của Blackstone tham gia 1 nhóm mua 16,6 triệu m2 nhà kho phục vụ kinh doanh thương mại điện tử. Danh mục đầu tư đa dạng hơn cũng giúp nhà đầu tư có nhiều lựa chọn về thời gian. Thông thường vòng đời của 1 quỹ PE sẽ là 1 thập kỷ, trong đó có 5 năm rót vốn. Giờ đây Blackstone cung cấp cả những quỹ có vòng đời 20-30 năm, có cả quỹ vĩnh viễn mà trong đó nhà đầu tư sẽ được trả lợi nhuận chứ không phải là trả lại khoản đầu tư ban đầu.

Những cải tiến này đã đem lại hiệu quả, thậm chí khiến các công ty khác phải học theo. Apollo, Carlyle và KKR cũng đang mở rộng danh mục đầu tư. Vị thế tiên phong sẽ đem lại nhiều lợi thế trong bối cảnh các chuyên gia phân tích nhận định toàn ngành sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng tốt. Báo cáo được Morgan Stanley và hãng tư vấn Oliver Wyman công bố hồi tháng 3 dự báo tỷ trọng các tài sản đầu tư thay thế trên tổng các loại tài sản sẽ tăng từ mức 7% của năm 2018 lên 9% vào năm 2023, đạt quy mô 9.500 tỷ USD.

Trong thế giới lợi suất thấp như hiện nay, nơi các quỹ đầu tư bị động không thực sự làm tốt hơn mức trung bình của thị trường và các nhà đầu tư chủ động không mạnh như xưa, các tài sản đầu tư thay thế lại có sức hấp dẫn nhất định. Schwarzman tự hào rằng những quỹ tốt nhất của Blackstone có mức lợi suất cao gấp đôi so với 1 quỹ chỉ số thông thường.

Nhưng có thể duy trì được điều này hay không lại là một vấn đề khác. Các nhà đầu tư cá nhân – thường là giới siêu giàu và hiện đang phân bổ khoảng 1-5% danh mục đầu tư của họ vào các tài sản đầu tư phi truyền thống – khó có thể bị thuyết phục hãy bỏ thêm tiền. Các quỹ hưu trí cũng vậy.

Cuộc đua đang trở nên khốc liệt, và Blackstone phải đối mặt với không chỉ các đối thủ cũ. Hồi tháng 4, BlackRock huy động 2,8 tỷ USD cho 1 quỹ PE mới thu mức phí quản lý 1% và phí hiệu suất 10%. Ngày 23/6, tờ Wall Street Journal đưa tin Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, đang có dự định cho ra mắt quỹ tương tự. Goldman Sachs mới đây cũng đầu tư nhiều hơn cho bộ phận đầu tư tài sản thay thế.

Schwarzman tự tin chào đón những sự cạnh tranh này. Theo Chủ tịch Jon Gray, cần phải có thời gian để tích lũy kinh nghiệm và cả tiềm lực tài chính trên thị trường vốn tư nhân. Blackstone đã huy động được 238 tỷ USD trong 2 năm qua – một con số ấn tượng. Hãng cũng đang có 133 tỷ USD có thể giải ngân bất cứ lúc nào. Điều này đặc biệt hữu dụng nếu thị trường lao dốc, khi các tài sản giá rẻ xuất hiện nhưng dòng tiền mới để mua chúng thì chưa.

Liệu ngài Schwarzman có thể gia nhập hàng ngũ John Pierpont Morgan, Marcus Goldman và Samuel Sachs trong "ngôi đền phố Wall" hay không sẽ phụ thuộc vào cách ông thực hiện hai cuộc chuyển mình. Thứ nhất là công cuộc chuyển đổi từ mô hình hợp danh sang công ty cổ phần – quá trình đòi hỏi ông phải nới lỏng quyền quản lý công ty, trao cho cổ đông nhiều quyền lực hơn trong khi vẫn phải đảm bảo duy trì kỷ luật. Cuộc chuyển giao thứ hai sẽ là chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm, có thể là Gray. Schwarzman cho biết ông không có kế hoạch nghỉ hưu sớm, nhưng ông càng nắm quyền lâu thì càng rộ lên câu hỏi liệu sự thành công của Blackstone có thể duy trì sau khi ông qua đời hay không.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên