Cơn 'sốt đất' có trở lại vào năm 2022?
Theo các chuyên gia, cơn sốt đất cục bộ đầu năm 2021 là do các thông tin về thị trường, nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi điều kiện hạ tầng,... Tuy nhiên, sang năm 2022 chưa có tín hiệu rõ ràng về cơn sốt đất diện rộng, bở lẽ nhiều thông tin quy hoạch, hạ tầng đã được hé lộ trong năm qua.
- 19-12-2021Dòng tiền đang đổ mạnh vào bất động sản?
- 18-12-2021Phân khúc bất động sản nào sẽ tăng mạnh trong thời gian tới?
- 16-12-2021"Bắt mạch" thị trường bất động sản năm 2022
Khó xảy ra những cơn “sốt giá” do giới đầu cơ thổi
Theo báo cáo mới nhất của Batdongsan.com.vn cho thấy, tại thời điểm cuối năm, lượng người tìm kiếm thông tin quy hoạch đã phục hồi bằng 80% so với giai đoạn sốt đầu năm 2021. Lượng quan tâm đến thị trường đất nền cuối năm đã bằng với trước đợt dịch lần thứ 4. Điều này cho thấy lực cầu có xu hướng phục hồi và tăng trưởng tốt.
Chia sẻ tại Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2021 do batdongsan.com.vn tổ chức mới đây, ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) đánh giá, các đợt tạm gọi là "sốt giá" đầu năm 2021 là do các thông tin về thị trường, nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng,...
“Những lý do này đều đã được gợi mở trong năm 2021. Đơn cử như kế hoạch phát triển hạ tầng hiện nay đã được công bố và trong năm 2022 rất khó có những điểm nóng để tạo ra sốt đất”, ông Nghĩa dự đoán.
Theo vị chuyên gia, năm 2022 chủ yếu có vấn đề nổi cộm là gỡ vướng pháp lý cho các chủ đầu tư. Tín hiệu để tạo ra một cơn sốt ở góc độ đầu tư vào năm sau tôi thấy không rõ ràng. Do đó sẽ khó xảy ra những cơn sốt do đầu cơ thổi giá, bơm giá,..
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, sóng bất động sản không bao giờ yên lặng mà chỉ biến động mạnh hay nhẹ ở mỗi năm. Năm ngoái, biên độ nhấp nhô của sóng tương đối lớn do thông tin quy hoạch, đầu cơ thổi giá,...
“Giai đoạn 2022 – 2023, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều kinh nghiệm hơn để kiểm soát tốt hơn việc này. Bản thân người dân và các nhà đầu tư cũng đã ý thức được những rủi ro mang lại, thực tế không ít người đã mất tiền trong thời gian vừa qua”, vị chuyên gia cho hay.
Bên cạnh đó, những thông tin liên quan đến quy hoạch hiện nay cũng được công khai minh bạch hơn. Do đó, khả năng làm giá của giới đầu cơ sẽ ít hơn rất nhiều. "Có thể năm 2022 vẫn còn những đợt sóng nhưng không mạnh như thời gian vừa qua", ông Lực nhấn mạnh.
Mức giá sẽ phụ thuộc vào tiến độ công trình
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, nhiều thông tin quy hoạch hiện nay đã được công bố rồi, do đó, mức giá trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai các công trình.
Mức giá bất động sản sẽ phụ thuộc vào tiến độ triển khai công trình.
"Nếu không triển khai hoặc không có một thông tin gì cụ thể gì về việc triển khai các dự án thì chắc chắn mức giá sẽ phải điều chỉnh để phù hợp với tiềm năng của khu vực. Khi dự án triển khai thì lúc đấy mới có những thông tin để hỗ trợ mặt bằng giá. Việc tăng giá đất nền năm 2021 mang tính chất tràn lan nhưng tôi cho rằng năm 2022 sẽ mang tính chất trọng điểm từng khu vực", ông Quốc Anh nhận định.
Nói thêm về nguyên nhân giá đất tại miền Bắc tăng mạnh trong thời gian qua, vị chuyên gia này cho biết, thời gian vừa qua, dòng tiền tìm ra khu vực phía Bắc rất nhiều. Đây là lý do mặt bằng giá tại Hà Nội vốn đi ngang trong vòng 5 năm trước lại đang chứng kiến đà tăng rất mạnh tại phân khúc nhà đất, chung cư.
Vị chuyên gia nhận định: "Đây cũng là minh chứng cho việc dòng tiền đang dồn ở khu vực phía Bắc rất nhiều, cùng với thông tin quy hoạch đã tạo ra một cơn sốt đất trong quý I/2021. Trong ngắn hạn, dòng tiền lớn sẽ vẫn ở khu vực phía Bắc nhưng trong dài hạn sẽ quay trở lại phía Nam".