Cơn sốt "thép xanh" ở châu Âu
Thị trường "thép xanh" đang ngày càng phát triển ở châu Âu khi các hãng xe dần chuyển sự chú ý sang sản phẩm thân thiện với môi trường này.
HYBRIT - viết tắt của "công nghệ sản xuất sắt đột phá bằng hydrogen" - là một liên doanh thành lập vào năm 2016 giữa 3 công ty Thụy Điển: Công ty Thép SSAB, Công ty Khai thác khoáng sản LKAB và Công ty Điện lực quốc doanh Thụy Điển Vattenfall.
Cuối năm 2021, liên doanh này cho ra mắt loại "thép xanh" gây nhiều chú ý và hãng xe Volvo (Thụy Điển) đã trở thành nhà sản xuất ôtô đầu tiên hợp tác với HYBRIT. Hãng Volkswagen (Đức) cũng phát đi tín hiệu muốn sử dụng "thép xanh".
Một nhà máy sản xuất “thép xanh” của HYBRIT tại TP Lulea - Thụy Điển Ảnh: SSAB
Với các hãng xe châu Âu đã cam kết giảm đáng kể khí thải, "thép xanh" là thứ họ cần đến lúc này. Hiệp hội Thép thế giới ước tính việc sản xuất thép đã thải ra khoảng 2,6 tỉ tấn khí vào năm 2020, chiếm khoảng 7% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu.
HYBRIT đang đặt mục tiêu giảm con số này bằng cách thay thế than cốc (thường được sử dụng trong việc sản xuất thép từ quặng sắt) bằng điện tái tạo và hydrogen. Khi đó, chất thải ra sẽ là hơi nước, thay vì khí CO2 có hại cho môi trường.
Trước nhu cầu ngày một tăng, các nhà sản xuất thép ở châu Âu đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất loại thép không cần sử dụng đến than. Riêng ngành công nghiệp thép Thụy Điển đã lên kế hoạch không sử dụng năng lượng hóa thạch trong tiến trình sản xuất thép vào năm 2045.
NLĐ