MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cơn sốt trái cây Đông Nam Á" trên bàn ăn của người Trung Quốc

18-02-2023 - 08:47 AM | Thị trường

Kể từ khi thành lập Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, trái cây nhập khẩu của Đông Nam Á đã được giảm thuế. Hiện nay, nhiều loại trái cây Đông Nam Á như thanh long, sầu riêng, vải, nhãn, chuối, xoài được nhập khẩu vào Trung Quốc, trong thời gian dịch bệnh, các chính sách cũng liên tục được điều chỉnh để tạo thuận lợi cho nhập khẩu.

"Cơn sốt trái cây Đông Nam Á"

Theo trang tin Bajiahao (Trung Quốc), hiện nay, "cơn sốt trái cây Đông Nam Á" đang bùng nổ trên bàn ăn của người Trung Quốc. Cho dù đó là sầu riêng, măng cụt, thanh long hay xoài… tất cả đều nằm trong danh sách mong muốn của những người yêu thích trái cây tại đất nước này.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu trái cây tươi, sấy khô và các loại hạt năm 2021 của Trung Quốc đạt 15,22 tỷ USD; trong đó Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia và Malaysia cùng nhau chiếm hơn 60%.

Cơn sốt trái cây Đông Nam Á trên bàn ăn của người Trung Quốc - Ảnh 1.

Các mặt hàng trái cây đặc sản từ các nước ASEAN đang không ngừng làm phong phú thêm "giỏ trái cây" trong các gia đình Trung Quốc. Ảnh: Baijiahao

Khối lượng và giá trị nhập khẩu sầu riêng năm 2021 của Trung Quốc lần lượt gấp 14,75 lần và 160,08 lần so với năm 2002. Hầu hết sầu riêng tươi được nhập khẩu từ Thái Lan và có tới 90% sầu riêng trồng ở Thái Lan là bán sang Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng có xuất xứ từ Thái Lan và Malaysia, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vào tháng 7/2022 đã ra thông báo cho phép nhập khẩu sầu riêng tươi của Việt Nam đáp ứng các yêu cầu liên quan.

Trước năm 2019, Trung Quốc luôn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu vào Trung Quốc qua đường biên mậu. Đến đầu năm 2019, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển bền vững của thương mại trái cây giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như ngăn ngừa rủi ro trong quá trình kiểm tra, kiểm dịch, phía Trung Quốc đã đình chỉ giao thương sầu riêng qua đường biên mậu, và yêu cầu trái cây Việt Nam phải được nhập cảnh vào Trung Quốc thông qua đường chính ngạch.

Sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận về kiểm dịch thực vật đối với hoạt động xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, và sầu riêng Việt Nam được phép nhập khẩu qua tất cả các cảng ở Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ làm "tăng nhiệt" của "cơn sốt trái cây Đông Nam Á" vốn đã rất nóng ở Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng, thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm, măng cụt… của Việt Nam cũng được phép nhập khẩu vào Trung Quốc, không ngừng làm phong phú thêm "giỏ trái cây" trong các gia đình Trung Quốc, và nông dân trong các ngành nghề liên quan ở Việt Nam cũng được hưởng lợi.

Tháng 9/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng cập nhật danh sách các vườn cây ăn quả và nhà máy đóng gói của Campuchia đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc. Danh sách này đã bổ sung thêm một số vườn cây ăn quả và nhà máy đóng gói của Campuchia đủ tiêu chuẩn xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu việc quả nhãn Campuchia đã hoàn tất các thủ tục và sẵn sàng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ngày 15/11/2022, 338 tấn nhãn nhập khẩu từ Campuchia đã thông quan thành công tại cảng Quảng Châu. Đây là lô nhãn đầu tiên được Trung Quốc nhập khẩu từ Campuchia.

Đến nay, Campuchia có 3 loại trái cây chủ lực là chuối, xoài và nhãn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cơn sốt trái cây Đông Nam Á trên bàn ăn của người Trung Quốc - Ảnh 2.

Xoài là 1 trong 3 loại trái cây chủ lực của Campuchia đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc. Ảnh: Baijiahao

Trung Quốc và ASEAN cần nhau trong thương mại trái cây

Trang tin Baijiahao nhận định, nông sản các nước ASEAN không thể tách rời thị trường Trung Quốc, và thị trường Trung Quốc không thể không có nông sản của các nước ASEAN.

Ngay từ năm 2004, khi Trung Quốc và ASEAN chưa hoàn tất đàm phán về thỏa thuận cắt giảm thuế toàn diện trong quá trình xây dựng Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN, hai bên đã quyết định lựa chọn một số sản phẩm mà hai bên có nhu cầu cao và có tính bổ trợ mạnh để đưa ra "Kế hoạch thu hoạch sớm", nhằm giảm thuế với tốc độ nhanh hơn và biên độ lớn hơn, để các bên cùng nếm trải "vị ngọt" của việc xây dựng khu thương mại tự do.

Trái cây nhiệt đới Đông Nam Á đáp ứng được các điều kiện này đã đón được "chuyến tàu sớm" "không thuế quan" để lên đường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đồng thời, trái cây cũng là một trong những "ngôi sao" tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN hàng năm. Tại Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN lần thứ 19 vào tháng 9/2022, "Lễ hội trái cây ASEAN" đã lần đầu tiên được tổ chức. Tại đây, rất nhiều loại trái cây được tuyển chọn kỹ lưỡng từ các nước ASEAN đã được trưng bày và bán, thu hút rất nhiều sự chú ý của người tiêu dùng Trung Quốc.

Là một cửa ngõ quan trọng để trái cây ASEAN thâm nhập thị trường Trung Quốc, Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN sẽ có tác động đáng kể đến thương mại trái cây giữa Trung Quốc và ASEAN.

Ngoài sự gia tăng về số lượng, với việc tăng cường hợp tác kiểm dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, ngày càng nhiều quốc gia ASEAN và các loại trái cây khác nhau của họ cũng xin được "giấy phép" xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo trang tin Baijiahao, trong tương lai, với việc hợp tác thương mại nông sản Trung Quốc - ASEAN ngày càng sâu rộng, các nước ASEAN sẽ ngày càng tích cực hơn trong việc tìm kiếm "vé vào cửa" cho trái cây tươi của mình xuất khẩu sang Trung Quốc. Sự gia nhập của "những người chơi mới" sẽ không chỉ mang đến cho người tiêu dùng Trung Quốc nhiều lựa chọn hơn mà còn đem lại lợi ích cho người nông dân tại các nước ASEAN ở đầu kia của chuỗi cung ứng.

Theo Hữu Hiển

Tổ quốc

Trở lên trên