MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sốt vàng 'kiểu mới' trên toàn cầu: Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới ồ ạt bán tháo, phía bên kia bán cầu đua nhau rót tiền

30-09-2020 - 08:49 AM | Tài chính quốc tế

Sự hứng khởi từ các nhà đầu tư phương Tây đã đẩy giá vàng tăng từ mức thấp là 1.160 USD vào mùa hè năm 2018 lên mức cao kỷ lục 2.073 USD/ounce vào tháng 8 vừa qua. Dẫu vậy, các "trung tâm tiêu thụ vàng" là Ấn Độ và Trung Quốc lại chứng kiến nhu cầu trong năm nay ở mức thấp nhất.

Trước đây, Warren Buffett luôn chỉ trích những người đầu tư vào vàng, ông cho rằng đây là "kim loại vô dụng", được đào lên khỏi mặt đất và là một cách để thể hiện nỗi sợ hãi kéo dài. Tuy nhiên, trong năm nay, vị huyền thoại đầu tư đã cùng nhà đầu tư, trong đó quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới - Bridgewater Associates, đổ tiền vào vàng trong "cơn sốt" diễn ra gần đây nhất. Theo đó, giá vàng cũng leo lên mức kỷ lục trong mùa hè này.

Trong quý II, Berkshire Hathaway đã mua 565 triệu USD cổ phần trong công ty khai thác vàng lớn thứ 2 thế giới – Barrick Gold. Cũng trong thời gian này, Bridgewater đầu tư 316 triệu USD vào các quỹ ETF vàng.

Sự hứng khởi từ các nhà đầu tư phương Tây đã đẩy giá vàng tăng từ mức thấp là 1.160 USD vào mùa hè năm 2018 lên mức cao kỷ lục 2.073 USD/ounce vào tháng 8 vừa qua, khiến kim loại quý này trở thành 1 trong những tài sản có diễn biến tốt nhất thế giới. Nỗi lo ngại ngày càng tăng về ảnh hưởng kinh tế của Covid-19 và lợi suất trái phiếu âm đã khiến các quỹ ETF vàng chứng kiến dòng tiền hơn 60 tỷ USD đổ vào trong năm nay, cao hơn 50% so với năm 2009 trong khủng hoảng tài chính.

Đại dịch là nguyên nhân khiến nhà đầu tư tin rằng vàng nên nằm trong danh mục đầu tư của họ, để ứng phó với biến động của TTCK, lãi suất thấp kỷ lục và sản lượng kinh tế sụt giảm. Theo David Tait – CEO của World Gold Council, một số nhà đầu tư lớn muốn vàng là "rào chắn" chống lại tình trạng giảm phát do kinh tế suy thoái hoặc lạm phát gia tăng khi các chính phủ bơm tiền vào hệ thống.

Dẫu vậy, các "trung tâm tiêu thụ vàng" là Ấn Độ và Trung Quốc lại chứng kiến nhu cầu trong năm nay ở mức thấp nhất, khi lượng người mua ở 2 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới đồng loạt bán tháo hoặc đi vay thế chấp khi vàng đạt đỉnh theo đồng tiền tệ địa phương. Tại Trung Quốc, vàng đang được bán với giá chiết khấu 53 USD/ounce trên thị trường toàn cầu, do nhu cầu trong nước thấp và hạn chế xuất khẩu kim loại này.

Khi lượng tiêu thụ bán lẻ là tín hiệu chính về sức mạnh của loại hàng hóa này đối với nhà đầu tư tổ chức, đó là sự phân kỳ có thể đe dọa đà tăng của vàng nếu nhu cầu phương Tây suy yếu – điều đã xảy ra sau khi cuộc khủng hoảng tài chính. Các quỹ ETF vàng hiện chiếm 35% nhu cầu vàng toàn cầu, khi 1 thập kỷ trước chỉ là 8%, nhưng dòng vốn đã bắt đầu chậm lại. Trong tháng 9 quỹ vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Shares đã chốt lời lần đầu tiên trong 8 tháng.

Đà tăng đột ngột chững lại của vàng sẽ khiến 1 số nhà đầu tư lớn nhất thế giới lao đao và loại bỏ 1 số ít điểm sáng trên TTCK toàn cầu, ngoài cổ phiếu công nghệ lớn. Điều này cũng khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ chịu thiệt hại – nhóm với thị trường việc làm bất ổn và lãi suất tiết kiệm ở mức rất thấp. Giá vàng đã giảm 9% kể từ mức cao nhất trong tháng 8, trong khi cổ phiếu của các công ty khai thác vàng giảm 13%.

Nhu cầu tiêu dùng sụt giảm

Popley Eternal – một cửa hàng trang sức lớn tại Mumbai (Ấn Độ), đã hoạt động gần 100 năm, thường phục vụ cho những thương vụ mua sắm dây chuyền, hoa tai bằng vàng trước đám cưới hoặc lễ hội. Các mặt hàng thường có mức giá từ 50.000 rupee (680 USD).

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh vẫn chưa hồi phục kể từ khi chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Lệnh phong tỏa kéo dài suốt 3 tháng đã khiến hầu như toàn bộ hoạt động kinh tế bị đình trệ. Suraj Popley – chủ cửa hàng, cho biết công ty đã phải sa thải ¼ nhân viên, xuống còn 20 người, khi doanh thu thấp đến mức bất kỳ mặt hàng nào bán được ở thời điểm này đều được coi là "tiền thưởng".

Thay vào đó, do chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, người tiêu dùng tại đây lại bán đồ trang sức của gia đình hoặc vay thế chấp bằng kim loại này để tận dụng tối đa việc mức giá trên toàn cầu đang rất cao. Ông nói: "Mọi người đang đến để bán vàng khi họ cần tiền mặt. Rất ít người đến mua."

Cơn sốt vàng kiểu mới trên toàn cầu: Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới ồ ạt bán tháo, phía bên kia bán cầu đua nhau rót tiền  - Ảnh 1.

Ấn Độ và Trung Quốc chiếm hơn 1 nửa lượng vàng được mua vào trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu tại Ấn Độ đã giảm 56% trong nửa đầu năm nay và Trung Quốc là hơn 1 nửa, dù nhu cầu ở Ấn Độ đã tăng trong tháng 8. Tại Ấn Độ, vàng đóng vai trò quan trọng trong các dịp lễ của gia đình, tôn giáo và lễ hội. Theo UBS, quốc gia Nam Á này nắm giữ lượng vàng lớn nhất thế giới với 25.000 tấn thuộc sở hữu của các hộ gia đình và được cất giữ trong các ngôi đền.

Ngay cả đối với đầu tư, nhiều người Ấn Độ thường ưa thích việc tích trữ vàng hơn là rót tiền thông qua các quỹ ETF hay các kênh khác. Đó là bởi, trang sức vàng thể hiện địa vị, có thể truyền lại cho con cháu và cầm đồ khi cần thiết. Dẫu vậy, nhu cầu đối với kim loại quý này đã sụt giảm nặng nề do ảnh hưởng của đại dịch. Các đám cưới, lễ hội đều bị hoãn lại khi quốc gia này ghi nhận hơn 80.000 ca nhiễm trong 1 ngày, gây tác động lớn đến hoạt động kinh tế.

Áp lực về mức giá

Tuy nhiên, đại dịch đã khiến nhu cầu đối với vàng vật chất giảm trong dài hạn ở quốc gia 1,4 tỷ dân này, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người biết cách tiếp cận các quỹ tương hỗ, đa dạng hóa cách nắm giữ loại tài sản này. Theo UBS, nhu cầu của người tiêu dùng đã giảm từ mức trung bình 900 tấn/năm từ năm 2010 đến 2015 xuống 700 tấn vào năm ngoái.

Trung Quốc cũng là quốc gia chứng kiến đà sụt giảm này do ảnh hưởng bởi các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh và người tiêu dùng do dự khi giá vàng tăng cao. Theo WGC, nhu cầu tại Trung Quốc chạm mức thấp nhất kể từ năm 2007 trong nửa đầu năm nay là 152,2 tấn.

Sự gián đoạn đối với hoạt động kinh tế và xã hội do Covid-19 có nguy cơ đẩy nhanh hơn nữa đà sụt giảm đối với nhu cầu mua vàng vật chất tại Ấn Độ và Trung Quốc, khiến cơ sở tiêu dùng quan trọng của các nhà đầu tư trên khắp thế giới bị đe dọa. Trong năm nay, vàng thỏi đã được vận chuyển từ châu Á đến các hầm chứa tại Mỹ và London thông qua các nhà máy tinh chế tại Thụy Điển, nhằm hỗ trợ nhu cầu gia tăng đối với các quỹ ETF vàng.

Tuy nhiên, theo Jeremy East – cựu giám đốc ngân hàng Standard Chartered, nếu nhu cầu ở phương Tây chậm lại, khối lượng vàng lớn này sẽ đè nặng lên thị trường, tạo áp lực giảm giá.

Thu hẹp khoảng cách

Các công ty công nghệ của Ấn Độ đã tìm cách thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu vật chất và đầu tư bằng cách cung cấp các ứng dụng đầu tư "vàng số". Đây là 1 loại dịch vụ cho phép người tiêu dùng mua và tích trữ vàng trên ứng dụng, trước khi nhận được vàng xu hoặc thỏi nếu họ muốn rút. Tháng 8, Amazon đã cho ra mắt sản phẩm vàng kỹ thuật số, ngoài ra còn có sự tham gia của PhonePe, Google và Paytim.

Varun Sridhar, giám đốc điều hành của Paytm Money, cho biết các sản phẩm này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu vàng vật chất ở Ấn Độ vì nhu cầu đầu tư ảo thuần túy - như ETF - vẫn còn hạn chế. Paytm cho phép khách hàng bắt đầu mua vàng với giá chỉ 1 rupee.

Cơn sốt vàng kiểu mới trên toàn cầu: Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới ồ ạt bán tháo, phía bên kia bán cầu đua nhau rót tiền  - Ảnh 2.

Tuy nhiên, nhu cầu đối với vàng kỹ thuật số dù đang tăng lên nhưng vẫn còn yếu ớt. Paytm cho biết những khách hàng "coi việc mua vàng là một lựa chọn tiết kiệm nghiêm túc" thường chỉ giữ vàng có giá trị từ 3.120 rupee (43 USD) đến 5.200 rupee trên nền tảng của họ.

Popley, chủ tiệm kim hoàn tại Mumbai, dự đoán nhu cầu sẽ có sự thay đổi theo thế hệ khi người tiêu dùng trẻ lựa chọn kim cương thay vàng. Ông đang chuẩn tinh thần cho việc nhu cầu chạm đáy sẽ tiếp tục diễn ra trong năm tới. Ông nói: "Mọi người không có tâm trạng mua nhiều đồ trang sức vào lúc này. Họ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra trong 3 hoặc 4 tháng tới".

Tại Trung Quốc, người tiêu dùng cũng đang chuyển sang những cách mua mới, với hai quỹ ETF vàng mới ra mắt vào tháng 8. Nhưng thị trường ETF vàng của Trung Quốc chỉ bằng 3% quy mô của Mỹ, với 4 tỷ USD giá trị tài sản. Đó là bởi, người tiêu dùng nước này thường có xu hướng mua vàng miếng để cất giữ trong nhà hơn là đầu đầu tư qua ETF. Trong khi đó, giới trẻ lại đầu tư vào cổ phiếu và bitcoin nhiều hơn.

Hiện tại, các nhà đầu tư vàng đang xem xét tác động của làn sóng dịch bệnh thứ 2 ở châu Âu đối với nền kinh tế toàn cầu. Thay vì vàng, nhiều nhà đầu tư đã đổ xô tìm đến sự an toàn tương đối của đồng USD.

Theo David Govett – nhà đầu tư vàng kỳ cựu, nhà đầu tư vàng đang có dấu hiệu mệt mỏi. Nhưng khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra và đại dịch chưa có dấu hiệu khả quan, thì sự thay đổi quan điểm của Warren Buffett đối với vàng có thể không phải là một đặt cược tồi tệ.

Tham khảo Financial Times

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên