Con trai ông Nguyễn Trọng Thông làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hà Đô
Tập đoàn Hà Đô vừa phát đi thông báo về việc thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Lê Xuân Long được bổ nhiệm làm tân Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, ông Nguyễn Trọng Minh, con trai cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông cũng được bổ nhiệm làm tân Tổng Giám đốc.
Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) vừa miễn nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) với ông Nguyễn Trọng Thông theo nguyện vọng cá nhân của ông này. Công ty bổ nhiệm thay thế ông Lê Xuân Long làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029.
Cùng với đó, con trai ông Thông là ông Nguyễn Trọng Minh - Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Hà Đô - được bầu làm Tổng giám đốc. Tại ngày 30/6, ông Minh sở hữu hơn 715.000 cổ phiếu, tỷ lệ 0,21%.
Ông Nguyễn Trọng Thông sinh năm 1953, đến nay 71 tuổi, là người sáng lập và lãnh đạo của Hà Đô từ thập kỷ 90 tới nay. Trong đơn từ nhiệm, ông cho biết vì tuổi tác, sức khỏe và để đảm bảo pháp luật về người có liên quan, ông muốn từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT và cũng không tham gia HĐQT công ty.
Theo báo cáo quản trị đến tháng 6 năm nay, ông Thông sở hữu hơn 107 triệu cổ phiếuHDG, tỷ lệ nắm giữ 31,83% vốn. Tạm tính theo giá cổ phiếu chốt ngày 7/10 (27.650 đồng/đơn vị), giá trị tài sản của ông Thông vào khoảng 2.958 tỷ đồng.
Tân Chủ tịch Hà Đô Lê Xuân Long được giới thiệu từng đảm nhận nhiều vị trí tại Công ty Cầu 13 Thăng Long, Tập đoàn Deawoo trước khi gia nhập Hà Đô từ năm 1999. Từ năm 2018 đến nay, ông Long là Thành viên HĐQT Hà Đô.
Tập đoàn Hà Đô hoạt động ở 3 lĩnh vực chính gồm bất động sản, năng lượng, đầu tư tài chính. Ở lĩnh vực bất động sản, Hà Đô được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM. Với năng lượng, doanh nghiệp này có 2 dự án điện mặt trời, một dự án điện gió và 5 dự án thủy điện.
Bức tranh kinh doanh của Hà Đô dưới thời cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Thông
Dữ liệu tài chính cho thấy, trong 4 năm gần đây, doanh thu thuần của Hà Đô liên tục đi xuống. Từ mức 4.999 tỷ đồng tại năm 2020, giảm dần qua từng năm xuống chỉ còn 2.889 tỷ đồng tại năm 2023.
Dù doanh thu thuần giảm nhưng lợi nhuận vẫn được duy trì trên 1.300 tỷ đồng trong giai đoạn 2020 - 2022. Năm 2023, lợi nhuận của Hà Đô đã giảm chỉ còn 866 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 năm trở lại.
Đà giảm của doanh thu tiếp tục duy trì trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, doanh thu thuần bán niên 2024 của Hà Đô chỉ đạt 1.397,7 tỷ đồng, giảm hơn 162,7 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp theo đó cũng từ 885 tỷ giảm xuống chỉ còn 700,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính chiếm gần 21 tỷ, chi phí tài chính đã tiết giảm nhưng vẫn chiếm tới 200,8 tỷ đồng. Trong đó có 176 tỷ đồng là chi phí lãi vay trực tiếp gây áp lực lớn tới kết quả kinh doanh của Hà Đô.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt chiếm 2 tỷ và 85,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mang về đạt 362,9 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ.
Về cơ cấu tài sản, Tập đoàn Hà Đô ghi nhận tổng tài sản đạt 14.028,3 tỷ đồng tại cuối Quý 2/2024. Trong đó Tiền và các khoản tương đương tiền chiếm 472,3 tỷ đồng, cao gần gấp đôi so với đầu năm. Công ty cũng đang có khoản tiền gửi ngắn hạn 148,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, thời gian qua, Hà Đô cũng đang tăng cường danh mục đầu tư chứng khoán, giá trị đầu tư đã tăng từ 386,6 tỷ đồng lên 539,2 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, phần lớn tài sản công ty nằm dưới dạng tài sản cố định, chiếm 8.784 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, Hà Đô đang ghi nhận nợ phải trả chiếm 6.601, tỷ đồng. Trong đó bao gồm 624,5 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 4.527 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Như vậy, tổng nợ vay ngắn và dài hạn đã lên tới hơn 5.100 tỷ đồng.
Với khoản nợ hơn 5.100 tỷ đồng này, trong 6 tháng đầu năm 2024, Hà Đô đã phải chi tới 177,2 tỷ đồng để trả tiền lãi vay, tương đương mỗi ngày công ty phải chi gần 2 tỷ đồng trả lãi, chưa tính nghĩa vụ trả gốc.
Được biết, trong năm 2024, Hà Đô đặt kế hoạch doanh thu 2.896 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 972 tỷ đồng.
Nhịp Sống Thị Trường