MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công an chỉ ra những người dễ thành "mồi ngon" cho tội phạm trên không gian mạng

28-01-2024 - 16:39 PM | Kinh tế số

Có trường hợp là cán bộ nhà nước, cán bộ cơ quan thực thi pháp luật… cũng bị lừa qua mạng.

Công an chỉ ra những người dễ thành "mồi ngon" cho tội phạm trên không gian mạng - Ảnh 1.

Thời gian qua, tình trạng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhiều cá nhân đã bị lừa đảo với số tiền rất lớn. Tại Nghệ An, chỉ trong vòng ít ngày, phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã liên tiếp phá thành công 04 vụ, bắt 04 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, 4 đối tượng bị bắt giữ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm Hà Thị Tâm (sinh năm 1988), trú tại phường Nghi Thu, thị xã Cửa Lò; Lê Sỹ Quang (sinh năm 1988), trú tại phường Đội Cung, thành phố Vinh; Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1990), trú tại xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đàn và Vũ Thị Liễu (sinh năm 1990), trú tại xã Tân Quang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Để có tiền tiêu xài và đầu tư kinh doanh đa cấp qua các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối…, các đối tượng trên đã lợi dụng quan hệ quen biết, đưa ra nhiều thông tin gian dối khác nhau nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

Điển hình, từ tháng 10/2022 đến tháng 10/2023, Vũ Thị Liễu đã nhiều lần đưa ra các thông tin gian dối về việc cần tiền thực hiện các thủ tục, công đoạn để thực hiện việc mang thai hộ giúp một người phụ nữ trú tại tỉnh Nghệ An từ đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân với số tiền hơn 560 triệu đồng.

Hay với chiêu trò góp vốn để đầu tư bất động sản, Hà Thị Tâm đã nhiều lần lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền 01 tỷ đồng của một người đàn ông trú tại thành phố Hà Nội.

Điểm chung của các vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản là sự tin tưởng của các nạn nhân với đối tượng lừa đảo. Thực tế cho thấy nhiều người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết, ham kiếm tiền một cách dễ dàng nên trở thành "mồi ngon" cho tội phạm trên không gian mạng. Thậm chí, có trường hợp là cán bộ nhà nước, cán bộ cơ quan thực thi pháp luật… cũng bị lừa qua mạng. Còn nhiều vụ việc bị hại không khai báo do lo ngại người nhà trách móc hoặc sợ bị mất thể diện.

Công an Nghệ An khuyến cáo người dân cần tăng cường trau dồi kiến thức về pháp luật, chính sách, thường xuyên theo dõi các thông báo phương thức thủ đoạn phạm tội của cơ quan chức năng trên các phương tiện, thông tin đại chúng. Nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch về tài chính, đề phòng trước những khoản đầu tư mang lại “lợi nhuận cao”. Không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan như: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản của các ngân hàng cho người không quen biết…

Trường hợp người dân có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Nhật Minh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên