Công an sẽ vào cuộc vụ ‘GrabBike chặt chém ở Tân Sơn Nhất’
Trước tình trạng GrabBike dùng chiêu để “moi tiền” khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, Grab Việt Nam đã gửi văn bản đến Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ điều tra.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Trung Thành, Giám đốc bộ phận GrabBike, Grab Việt Nam, cho biết: “Những tài xế mặc áo xanh của Grab đang hoành hành ở sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) rất có thể không phải là tài xế GrabBike thật và tình trạng “chặt chém” này chỉ xảy ra khi khách không đặt xe qua ứng dụng của chính mình”.
GrabBike giả tấn công GrabBike thật
Đại diện Grab Việt Nam cũng cho rằng thường tâm lý hành khách thích nhanh và tiện, chẳng hạn từ sân bay đi ra, tay thì xách đồ lỉnh kỉnh mà gặp ngay các bác tài mời chào nhiệt tình, lại chủ động đặt xe giúp nên nhiều khách đã đồng ý ngay. Do đó các bác tài này mới lợi dụng cơ hội qua mặt khách hàng và ăn chênh lệch số tiền cao so với giá thực.
“Hiện tại có một số trường hợp không phải là đối tác tài xế của chúng tôi và đang lợi dụng đồng phục Grab để đón khách trái phép. Các trường hợp này hoạt động chủ yếu ở các địa điểm đông khách như Bến xe Mỹ Đình, Bến xe Gia Lâm (Hà Nội); sân bay TSN, Bến xe Miền Tây, Bến xe Miền Đông (TP.HCM)…” - ông Thành nói.
Theo ông Thành, cá biệt có một số trường hợp giả danh còn có hành vi ngăn cản, tấn công các tài xế GrabBike thật tại các địa điểm nói trên.
Vậy làm thế nào để hành khách có thể phân biệt được đâu là GrabBike thật, đâu là giả khi đồng phục của họ là như nhau, đại diện Grab Việt Nam cho biết chỉ có thể phân biệt bằng cách tự book bằng ứng dụng của mình. Khi nào trên ứng dụng hiển thị biển số xe, số điện thoại, hình ảnh tài xế rõ ràng thì đó mới là GrabBike thật.
Các tài xế GrabBike thường tập trung trước bãi giữ xe sân bay để đón khách. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
“Anh Hoàng Diệp Phi, tài xế GrabBike, cho biết những người giả mạo thường dùng chiêu đặt GrabBike cao cấp để lừa khách hàng. “Chúng tôi chạy GrabBike cũng vất vả nhưng chỉ những tài xế giả mạo mới làm chiêu trò đó thôi. Vì tất cả đều hiện trên ứng dụng, khách đi chỉ cần báo lại với hãng thì chúng tôi sẽ “rất mệt” nếu ăn chênh lệch và thực ra cũng không cần phải làm vậy” - anh Phi nói.
“Mấy ông đó là giả mạo. Tôi cũng chạy GrabBike, những tài xế như bọn tôi vừa chở khách vô sân bay là bị đuổi liền, chưa kịp lấy tiền từ khách nữa. Cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề này” - anh Trần Sỹ Bạch bức xúc.
An ninh sân bay và công an sẽ vào cuộc
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam, khẳng định: “Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về hiện tượng trên, tôi sẽ trao đổi ngay với Đồn công an TSN (trực thuộc Công an quận Tân Bình) và an ninh sân bay TSN để nắm rõ tình tình, đồng thời triển khai các kế hoạch lập lại trật tự khu vực này”.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, khu vực trước bãi giữ xe hai bánh ở sân bay TSN, nơi tập trung nhiều tài xế GrabBike thường có lực lượng thanh niên xung phong túc trực để giữ trật tự. Ngoài ra còn có lực lượng công an liên tục giám sát nên nếu phát hiện có việc bảo kê, đuổi các tài xế GrabBike thật để GrabBike giả hoạt động sẽ được chấn chỉnh ngay.
Ông Tuấn cũng nhận định tình trạng tài xế xe ôm, taxi công nghệ hoạt động tại sân bay TSN diễn biến rất phức tạp. Nhiều tài xế còn có hiện tượng từ chối khách đi gần, bỏ khách dọc đường nên cũng cần có biện pháp để ngăn chặn tình trạng này.
Đại diện Grab Việt Nam cho biết nhằm giải quyết việc GrabBike giả dùng chiêu “chặt chém” khách ở sân bay TSN, đơn vị cũng đã gửi văn bản đến Phòng An ninh kinh tế - Công an TP.HCM đề nghị hỗ trợ điều tra.
“Chúng tôi cam kết sẵn sàng cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng khi có yêu cầu nhằm rà soát, xác minh phục vụ công tác điều tra, xử lý cũng như tiến hành các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ để giải quyết tình trạng các trường hợp lợi dụng đồng phục GrabBike để bắt khách” - ông Thành đề nghị.
Về phía khách hàng, Grab Việt Nam khuyến cáo những chuyến xe không thực hiện thông qua ứng dụng sẽ không được hỗ trợ xử lý nếu xảy ra sự cố. Bao gồm cả bảo hiểm tai nạn cho cả đối tác tài xế và khách hàng với mức bảo hiểm tối đa là 100 triệu đồng.
Dùng chiêu "bẫy" khách
Như Pháp Luật TP.HCM với "GrabBike dùng chiêu độc chặt chém khách ở TSN" đã phản ánh qua bài báo (ngày 5-12), cụ thể các tài xế xe ôm công nghệ này thường tập trung trước bãi giữ xe hai bánh ở sân bay để tiện hoạt động. Tại đây luôn có một người đứng đầu, cũng mặc đồng phục của Grab, trên tay cầm điện thoại đi tới lui để điều hành xe đưa, đón khách.
Đầu tiên, để "bẫy" được khách, các bác tài này kết hợp với nhau nhằm đa số từ chối những lần đặt bằng điện thoại của khách rồi "giả tốt bụng" đặt cho khách bằng ứng dụng trên điện thoại của chính mình.
Tuy nhiên, khi các tài xế này đặt xe giùm cho khách thì số tiền chênh lệch lại quá cao so với giá thực. Ví dụ, khách muốn về đường Cây Trâm (Gò Vấp) có giá thực trên ứng dụng của khách là 55.000 đồng nhưng trên ứng dụng của tài xế GrabBike lại là 135.000 đồng.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh