“Công bằng nhất là thước đo lòng dân”
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, cái đích cuối cùng mà Chính phủ muốn đến nhất, đó là lòng dân...
"Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nói, người dân của chúng ta rất sáng suốt, chúng ta làm gì, có thực chất, thực tâm không, dân đều biết hết. Chính phủ không lo bị đánh giá chưa công bằng, mà chỉ lo đã làm hết lòng hết sức vì nhân dân chưa", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay.
Có tăng trưởng thì mới có thực lực để lo cho dân
Nửa nhiệm kỳ Chính phủ đã đi qua, với quá nhiều bất thường, quá nhiều kỷ lục buồn và vui. Theo dự cảm của ông, Chính phủ khóa XIV liệu có đến đích thành công?
Những bất thường đến từ thiên tai trong hai năm qua, gây thiệt hại cho nền kinh tế hàng tỷ USD, riêng năm 2017 có 16 cơn bão, gấp đôi bình quân nhiều năm, gây thiệt hại hơn 2 tỷ USD; hay sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, là những dấu ấn buồn, thách thức năng lực điều hành của Chính phủ. Về những kỷ lục, buồn có, vui có, nhưng theo tôi, kỷ lục vui nhiều hơn, nhất là những kỷ lục về phát triển kinh tế.
Lần đầu tiên, chúng ta đã đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt mức kế hoạch đề ra là 6,7%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.
Quy mô xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 lần đầu tiên đã vượt mức 420 tỷ USD, cán cân thương mại đạt thặng dư 2,67 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Sau 10 năm vượt rào, năm 2017, lần đầu tiên bội chi 3,42% GDP, thấp hơn mức Quốc hội thông qua là 3,5% GDP, nợ công trong giới hạn cho phép và có xu hướng giảm. Lần đầu tiên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt được con số trên 50 tỷ USD.
Trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, lần đầu tiên thu được gần 5 tỷ USD chỉ trong một phiên tổ chức bán đấu giá cạnh tranh cổ phiếu của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Thành công của thương vụ Sabeco không chỉ là số tiền lớn thu về cho ngân sách nhà nước mà con số đó còn thể hiện niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường, niềm tin vào Chính phủ và kinh tế vĩ mô của Việt Nam và mang đến động lực mạnh mẽ cho sự thành công của các phiên thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tiếp theo...
Vậy theo ông, Chính phủ muốn đo sự thành công bằng các con số trong phát triển kinh tế, hay bằng thước đo nào khác?
Phát triển kinh tế là rất quan trọng, nói nôm na như các cụ ngày xưa hay nói là, "có thực mới vực được đạo". Có tăng trưởng, thì mới có tiềm lực để lo cho dân. Vì vậy, có nhiều cái đích cần phải đến trong điều hành đất nước.
Nhưng tôi cho rằng, cái đích cuối cùng mà Chính phủ muốn đến nhất, đó là lòng dân. Và, nếu đo bởi lòng dân đối với Chính phủ, thì không phải dự cảm, mà tôi có thể khẳng định rằng, Chính phủ nhiệm kỳ này chắc chắn thành công.
Không một ngày nào không lo nghĩ cho dân, hành động vì dân, tất cả những nỗ lực, thậm chí có những lúc như là đến mức lao lực của Thủ tướng, của tập thể Chính phủ, sẽ được ghi nhận. Bởi công bằng nhất là thước đo lòng dân.
Như Thủ tướng vẫn nói, người dân của chúng ta rất sáng suốt, chúng ta làm gì, có thực chất, thực tâm không, dân đều biết hết. Không lo bị đánh giá chưa công bằng, chỉ lo chúng ta đã làm hết lòng hết sức vì nhân dân chưa.
Lòng dân như nước, không phải mơ hồ khó đo
Nhưng làm thế nào để đo được lòng dân, thưa ông?
Thủ tướng đã chỉ đạo thiết lập hai hệ thống trực tiếp nhận, trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp nhằm thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân, nắm bắt tâm tư, những khó khăn của người dân trong cuộc sống, sản xuất, kinh doanh.
Thông qua hai hệ thống này, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp tiếp nhận, trả lời những phản ảnh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, đồng thời tiếp thu những đề xuất, sáng kiến cải cách thủ tục hành chính để xây dựng hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, hiệu quả hơn. Những vấn đề người dân và doanh nghiệp yêu cầu, đòi hỏi cần làm rõ được xử lý triệt để trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Hệ thống tương tác này được minh bạch, công khai hóa để Chính phủ gần hơn với người dân, lấy mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp là mục tiêu hàng đầu. Trên hệ thống có phần đánh giá sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về việc nội dung trả lời đó tốt hay không tốt, người dân có hài lòng không?
Tất cả đều được đánh giá qua việc cho điểm để đo mức độ hài lòng. Nếu điểm cao chính là thể hiện sự hài lòng với Chính phủ. Ý kiến của người dân nhiều, có những ngày 500–700 ý kiến của người dân gửi đến, nhưng Chính phủ không bỏ sót ý kiến nào.
Tất nhiên, để đo được lòng dân, thì không chỉ những hệ thống này và chúng ta có thể không cần phải qua hệ thống nào mới biết được lòng dân. Lòng dân như nước, có phải là cái gì mơ hồ khó đo đâu.
Với những gì mà Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị của chúng ta nỗ lực trong hai năm qua, thì lòng dân đang thể hiện qua không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lan rộng trên khắp mọi miền đất nước.
Ông có thể chia sẻ thêm về việc Chính phủ không một ngày nào không lo nghĩ cho dân, hành động vì dân?
Ngay sau khi Chính phủ mới được Quốc hội khoá XIV bầu và phê chuẩn, tháng 7/2016, Thủ tướng đưa ra thông điệp xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hướng tới phục vụ người dân.
Trong tất cả cuộc họp hàng tháng của Chính phủ, đều có thảo luận và chỉ đạo cụ thể, trong đó trọng tâm là chỉ đạo rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; cải cách các quy định về quản lý chuyên ngành... tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, sau đó, ra hàng loạt văn bản chỉ đạo điều hành như Thông báo số 66 ngày 27/4/2016 kết luận về tình hình triển khai thi hành Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư; Nghị quyết 54/NQ-CP ngày 24/6/2016; Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 5/8/2016; Nghị quyết 76/NQ-CP ngày 3/9/2016; Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10//10/2016; Nghị quyết 103/NQ-CP ngày 5/12/2016...
Có những thời điểm chỉ trong vòng 4 tháng (từ tháng 7 đến tháng 10/2017), ban hành 14 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của 14 bộ gồm: Công an; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Xây dựng; Công Thương; Lao động thương binh và xã hội; Khoa học công nghệ; Giáo dục đào tạo; Giao thông vận tải; Tài nguyên môi trường; Văn hóa thể thao và Du lịch; Y tế; Ngân hàng Nhà nước; Tư pháp.
Thông điệp của Chính phủ năm 2018 được Thủ tướng gói trong 10 chữ, "kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Nói thì ngắn gọn, nhưng hành trình 10 chữ này, hẳn là đặc biệt dài và gian nan?
Thông điệp của năm 2018 là sự tiếp nối của hai năm qua, Chính phủ tái khẳng định sự kiên trì, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành. Dù là hành trình dài và gian nan, nhưng không thể chùn bước hay chuyển hướng.
Như trong phát biểu nhậm chức trước quốc hội tháng 7/2016, Thủ tướng đã nhắc lại việc, ban hành Bộ luật Hồng Đức từ thế kỷ thứ 15, Vua Lê Thánh Tông đã đặt nền móng cho việc hình thành hệ thống pháp luật ở nước ta từ rất sớm. Nhà vua nói: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các ngươi phải cùng tuân theo". Năm 1919, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đã viết, "Bảy xin Hiến pháp ban hành? Trăm điều phải có thần linh pháp quyền".
Nguyên tắc này luôn là thông điệp đúng đắn cho Chính phủ hôm nay. Chính phủ quản lý xã hội bằng pháp luật và đồng thời Chính phủ cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật. Phải đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Có kỷ cương, thì mới có liêm chính và có liêm chính thì hành động mới có thể sáng tạo và hiệu quả.
Vneconomy